Chi phí điều trị bệnh đái tháo đường tăng nhanh

NDO -

NDĐT- Số người mắc bệnh đái tháo đường gia tăng không lớn nhưng chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh lý này đang gia tăng nhanh chóng. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường dưới góc nhìn kinh tế y tế” do Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức ngày 14-6 tại Hà Nội.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

ThS Trương Lê Vân Ngọc, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ tiền đái tháo đường và mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở Việt Nam tăng cao, từ 1,5% và 2,6% năm 2010 lên 3,5 và 4,1% năm 2015. Tỷ lệ người mắc bệnh chưa được chẩn đoán chiếm tỷ lệ cao, tới 68,9% dân số và có 71,1% dân số chưa được quản lý bệnh này.

Theo ThS, BS Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Dược và vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay, đa số các tỉnh có tỷ lệ mắc ĐTĐ cao nằm ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Những năm gần đây, số lượng người mắc mới ĐTĐ gia tăng không lớn, tăng khoảng gấp đôi, nhưng lượt khám, chữa bệnh (KCB) và và tổng chi phí KCB tăng nhanh chóng - tăng khoảng 19 lần. ĐTĐ dẫn đến nhiều biến chứng và đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng chi phí điều trị các bệnh nhân này.

Ông Phúc dẫn chứng, nếu năm 2017, tỷ lệ mắc ĐTĐ là 0,61% dân số với tổng chi phí KCB cho người bệnh BHYT là 319 tỷ đồng, chi phí bình quân khoảng hơn 560 nghìn đồng/thẻ, thì đến tháng 4-2019, tỷ lệ mắc là 1,2% (tăng gấp đôi) nhưng tổng chi lên tới 12,096 tỷ, chi phí bình quân là hơn 10 triệu đồng/thẻ. Thuốc điều trị ĐTĐ chiếm khoảng 5% tổng chi phí thuốc toàn quốc và có xu hướng gia tăng.

Để giảm chi phí chi cho KCB ĐTĐ,ThS Trương Lê Vân Ngọc cho rằng, việc quan trọng nhất là cần phải kiểm soát tốt bệnh nhân này tại các cơ sở y tế ban đầu tuyến xã, huyện. Hiện nay, tỷ lệ ĐTĐ được quản lý tại trạm y tế xã còn thấp, chỉ 6,2% do đó cần phải nâng cao vai trò của y tế cơ sở trong quản lý ĐTĐ trong cả đội ngũ cán bộ y tế, hướng dẫn điều trị cũng như thuốc bảo đảm chất lượng cho tuyến này.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận nhiều nội dung liên quan đến gánh nặng chi phí của bệnh ĐTĐ; áp dụng bằng chứng kinh tế y tế trong việc lựa chọn thuốc điều trị bệnh ĐTĐ và danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế; biến chứng bệnh ĐTĐ và chi phí điều trị biến chứng trên quan điểm điều trị của bác sĩ.... PGS, TS Unchalee Permsuwan, Trưởng khoa Chăm sóc Dược, Đại học Chiangmai, Thái-lan cũng chia sẻ những kinh nghiệm sử dụng bằng chứng kinh tế y tế trong lựa chọn thuốc của Thái-lan.

Cuộc hội thảo là một bước tiến quan trọng hướng đến nhiều hơn nữa các chương trình hợp tác chiến lược giữa Đan Mạch và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong việc hỗ trợ và nâng cao năng lực quản lý bảo hiểm y tế, đặc biệt là trong việc quản lý bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính.