Cảnh báo ma túy giấy, bóng cười trong giới trẻ

NDO -

NDĐT - Ma túy giấy, bóng cười đang len lỏi vào đời sống học đường và giới trẻ và đã được cảnh báo nhiều năm qua vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, có rất nhiều bạn trẻ không nhận thức được sự nguy hiểm của việc thường xuyên "chơi" ma túy tem giấy và bóng cười, làm ảnh hưởng tới sự phát triển thần kinh.

Cảnh báo ma túy giấy, bóng cười trong giới trẻ

Có không ít thanh thiếu niên phải nhập viện thời gian gần đây trong tình trạng bị hoang tưởng, kích động hành vi, luôn tỏ thái độ sợ hãi, có sự thay đổi về tâm tính, nhân cách khiến gia đình cho rằng, con cái đang ở độ tuổi dậy thì hoặc bị áp lực học hành dẫn tới trầm cảm. Chỉ khi được khám tại các cơ sở y tế chuyên môn, các bậc phụ huynh mới té ngửa ra con mình đang bị nhiễm độc bởi những thứ bủa vây xung quanh con mình ở trường học như ma túy tem giấy hay bóng cười.

Trước hiện tượng ma túy giấy len lỏi vào đời sống học đường, ThS, BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, chất kích thích này sẽ làm ảnh hưởng tới phát triển tâm thần của các em đang ở tuổi dậy thì. Loại ma túy này là được sản xuất rất tinh vi dưới hình thức tẩm chất LSD vào những miếng giấy nhỏ như con tem, in hình ngộ nghĩnh và giá bán rẻ. Cách sử dụng cũng rất đơn giản, chỉ ngậm vào đầu lưỡi là đã đủ tạo cảm giác hưng phấn ban đầu. Nhưng với cơ thế tác động đến cơ thể tới 12 giờ, ma túy tem giấy thật sự rất nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyên cảnh báo, ma túy giấy LSD khi vào cơ thể làm rối loạn tâm thần kinh, tim mạch, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, loạn tâm thần, lơ mơ, hôn mê. Nếu người dùng nhiều, kéo dài có thể dẫn tới ảnh hưởng về rối loạn tâm thần. Loại ma túy mới này gây ảo giác mạnh và được coi là một chất ma túy rất nguy hiểm với giới trẻ. Chỉ cần sử dụng 1microgram/kg cân nặng sẽ gây ảo giác, loạn thần kéo dài đến vài ngày.

Nếu sử dụng ma túy dạng tem giấy nhiều và lâu, ngộ độc sẽ tương tự như ngộ độc nấm. Vì thế, khi người sử dụng có biểu hiện kích thích quá mức dẫn tới lẫn lộn, mệt mỏi, co giật, tím tái, thở yếu thì phải cấp cứu tại chỗ và khẩn trưong đưa tới cơ sở y tế gần nhất.

Một chất kích thích nữa bác sĩ Nguyên cũng cảnh báo đó là tình trạng lạm dụng bóng cười vì sự thiếu hiểu biết của giới trẻ về chất gây nghiện dễ gây ra những ngộ độc cấp tính của bóng cười.

Theo bác sĩ Nguyên, bóng cười chứa chất ô xít nitơ N20. Hiện nay, chất oxit ni tơ được y tế dùng trong gây mê nhưng chỉ dùng một vài lần cho mục đích y học. Tuy nhiên, khi được trà trộn dưới hình thức bơm vào bóng, khi người dùng hít phải, nó sẽ có cơ chế tác dụng với thần kinh giống ma túy dạng thuốc phiện, hê rô in, dễ gây nghiện.

Khi tiếp xúc với bóng cười, ban đầu người hít sẽ thấy hưng phấn. Nhưng vì không nhận thức được sự nguy hiểm của bóng cười tới hệ thần kinh, dễ gây nghiện, nên khi dùng tăng liều dần lên, người dùng sẽ bị thiếu ô xi, ảnh hưởng thần kinh, tim mạch, thậm chí còn gây biểu hiện kích thích, hưng cảm. Khi ngộ độc cấp tính, người dùng sẽ có biểu hiện hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, tụt huyết áp và có nguy cơ tử vong.

Dùng bóng cười thường xuyên kéo dài, sẽ có hại đối với thần kinh vì chất ô xít ni tơ gây ảnh hưởng chuyển hóa vitamin B12, làm tổn thương thần kinh não, thiếu máu não. Nó cũng làm ảnh hưởng vận động, thậm chí có thể làm người bệnh bị liệt, không đi đứng được, không lao động được. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, y văn thế giới đã ghi nhận có trường hợp ngộ độc do bóng cười. Với tính chất nguy hiểm của khí ô xít ni tơ được bơm vào bóng cười, dễ gây nghiện và hại thần kinh, bác sĩ Nguyên bày tỏ, xã hội cần phải cảnh báo loại chất kích thích này nguy hiểm như thuốc phiện và các cơ quan quản lý Nhà nước cần có chế tài xử lý mạnh tay hơn đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh loại hình bóng cười.