Các địa phương nỗ lực ngăn chặn dịch nCoV

NDO -

NDĐT - Để chủ động ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) xâm nhập vào địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị không được chủ quan lơ là; đồng thời chủ động xây dựng tất cả các phương án, phác đồ sẵn sàng ứng phó, cách ly, điều trị với phương châm chủ động kiểm soát dịch bệnh, điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh kiểm tra công tác chủ động ứng phó với virus Corona.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh kiểm tra công tác chủ động ứng phó với virus Corona.

Hà Tĩnh là địa phương có nhiều dự án đầu tư FDI đang hoạt động với nhiều công nhân, lao động là người nước ngoài nên việc phòng, chống dịch, không để dịch bệnh nCoV xâm nhập các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt.

Theo số liệu từ Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh, tổng số lao động người nước ngoài làm việc tại địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) tính đến ngày 20-1 là 1.708 người, trong đó lao động người Trung Quốc là 737 người. Theo dự báo, ngay sau Tết Nguyên Đán, các lao động sẽ trở lại làm việc. Những lao động trở lại Việt Nam làm việc thông qua các tuyến giao thông đường bộ qua cửa khẩu các tỉnh phía bắc hoặc bằng đường hàng không đều có lực lượng chức năng đo thân nhiệt, mở tờ khai kiểm dịch y tế mới được nhập cảnh.

Tại Hà Tĩnh, các lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cảng Vũng Áng, cảng Sơn Dương, cảng Xuân Hải… Vì đây là khu vực thường xuyên có phương tiện tàu thuyền nước ngoài vào cập cảng bốc xếp nguyên, vật liệu, hàng hóa.

Đối với những tàu Trung Quốc cập cảng Vũng Áng, Sơn Dương, đội cơ động sẽ lên tàu trực tiếp đo thân nhiệt, kịp thời phát hiện những trường hợp sốt, có biểu hiện nghi ngờ để có phương án xử lý trước khi những người này vào trong đất liền; đồng thời mở tờ khai kiểm dịch đối với tất cả hành khách đi từ vùng có dịch về qua cửa khẩu Cầu Treo và cảng Vũng Áng.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) nhằm chủ động ngăn chặn sự xâm nhập của virus Corona, FHS đã phát đi thông báo đối với tất cả các nhân viên người Trung Quốc của nhà thầu trở về quê đón Tết tạm thời sẽ không quay lại làm việc tại xưởng của Công ty Formosa Hà Tĩnh đến ngày 15-2. Sau ngày 15-2, tùy thuộc diễn biến dịch và bảo đảm an toàn, các nhân viên này mới có thể quay trở lại làm việc. Trong đó, cần phải có xác nhận sức khỏe tại nơi cứ trú trong 14 ngày không có biểu hiện gì của bệnh dịch nCoV thì mới được trở lại các xưởng làm việc.

Ngoài ra, FHS còn triển khai lắp các thiết bị đo hồng ngoại ở các cổng ra vào của công ty và tiến hành kiểm tra tình trạng sức khỏe của cán bộ, công nhân viên trước khi vào làm việc tại nhà máy. Mặc dù sẽ ít nhiều gây bất tiện cho nhân viên, người lao động nhưng đây là các giải pháp tất yếu để ngăn ngừa sự lây lan của virus Corona vào khu vực dự án cũng như địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế đã giao Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh bố trí ba đội cơ động phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV trực 24/24 giờ sẵn sàng phòng chống dịch, trong đó một đội được bố trí tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn) và cảng Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) nơi có số lượng đông người nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam, nhất là người Trung Quốc. Mở tờ khai kiểm dịch đối với tất cả hành khách đi từ vùng có dịch về qua cửa khẩu Cầu Treo và cảng Vũng Áng; đặc biệt, tích cực truyền thông để người dân hiểu về bệnh cũng như thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh cho bản thân và cộng đồng

Cùng với đó, các cơ sở y tế, nhất là Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh và Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh còn chủ động xây dụng các phương án ứng phó, như: dành riêng một số phòng bệnh của Khoa Truyền nhiễm với đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, máy thở, oxy... để tiếp nhận và chẩn đoán các trường hợp có dấu hiệu nhiễm cúm; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh kịp thời thực hiện các xét nghiệm phân loại bệnh. Có đầy đủ quần áo phòng hộ bảo vệ các nhân viên y tế trong trường hợp phải tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân. Đặc biệt, khi có trường hợp mắc bệnh đầu tiên xuất hiện, bệnh viện sẽ di chuyển các thiết bị vào khu vực cách ly và thực hiện một khu vực cách ly hoàn toàn riêng biệt kể cả bệnh nhân và nhân viên y tế để dịch bệnh tránh lây lan rộng ra cộng đồng.

Bốn du khách Vũ Hán xin lưu trú lại Cần Thơ tránh dịch nCoV

Lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ cho biết, có một gia đình bốn người đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) hiện đang lưu trú tại một khách sạn lớn ở Cần Thơ. Những người này được kiểm tra thân nhiệt hai lần/ngày và chưa phát hiện biểu hiện nhiễm virus Corona. Tuy nhiên, họ xin được “tá túc” lại Cần Thơ vì các chuyến bay đến Vũ Hán đều bị hủy và để tránh dịch bệnh.

Ngày 30-1, ông Cao Minh Chu, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, trong suốt bảy ngày trước, trong và sau Tết, ngành y tế đã kiểm tra 13 lượt nhập cảnh với tổng số 1.879 hành khách, trong đó có năm người Trung Quốc; 13 lượt xuất cảnh với 1.366 hành khách (trong đó có bốn người Trung Quốc).

“Hiện, còn một gia đình bốn người đến từ Vũ Hán đang lưu trú tại một khách sạn lớn trên địa bàn thành phố nhưng chưa phát hiện có biểu hiện nhiễm virus Corona”, ông Cao Minh Chu báo báo cáo tại cuộc họp về tình hình Tết Nguyên đánh Canh Tý 2020 với Thành ủy Cần Thơ.

Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, đã bố trí tổ y tế tiến hành đo thân nhiệt hai lần/ngày đối với bốn du khách Vũ Hán. Ngành y tế đã phối hợp Sở VH-TT-DL Cần Thơ đến tư vấn, kiểm tra và tình hình sức khỏe của các du khách bình thường.

“Gia đình này đến Việt Nam trước khi xảy ra dịch virus Corona ở Vũ Hán. Do tâm lý e ngại nên khách sạn bố trí hai phòng riêng biệt cho gia đình này và cách ly với các phòng khác. Ngành cũng chỉ đạo các đơn vị giám sát chặt chẽ việc phòng, chống virus Corona. Đối với các phòng khám phải tuân thủ trong việc khám, phân luồng đối với các bệnh lý về hô hấp. Đặc biệt, tổ chức các khu cách ly, chỉ đạo các bệnh viện của TP phối hợp Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ, rà soát chuẩn bị thuốc, máy móc trang thiết bị, các lực lượng cơ động sẵn sàng ứng cứu”, ông Cao Minh Chu nói.

Visa của bốn du khách hết hạn vào ngày 15-2, nhưng dự kiến ngày 14-2, họ mới rời khỏi khách sạn ở Cần Thơ. Trong hôm nay, các du khách này sẽ chủ động liên lạc với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh để gia hạn visa và họ cũng mong muốn được ở lại khách sạn để tránh dịch. Vì các chuyến bay đến Vũ Hán đã bị hoãn và tâm lý những người này không dám quay trở về.

Hiện nay, cả ê-kíp khách sạn phải túc trực đối với bốn du khách đến từ Vũ Hán và khuyến cáo họ hạn chế ra ngoài, khi đi đâu phải đeo khẩu trang...

Các địa phương nỗ lực ngăn chặn dịch nCoV ảnh 1

Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, Cao Minh Chu trực tiếp hướng dẫn kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay quốc tế Cần Thơ.

Cùng ngày 30-1, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Cần Thơ cho biết, tổng số khách đến tham quan, du lịch đạt 813.060 lượt dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2019. Các cơ sở lưu trú phục vụ 74.300 lượt khách lưu trú (tăng 2,1%). Tuy nhiên, lượng khách quốc tế là 16.300 lượt khách lưu trú quốc tế, giảm 10,4% so cùng kỳ năm 2019 bởi ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.

Ông Tùng cho biết, Sở đã phối hợp Sở Y tế đi kiểm tra doanh nghiệp du lịch, tại khách sạn có khách Trung Quốc đến lưu trú, yêu cầu khách Trung Quốc khai báo nhật ký 14 ngày qua và kiểm tra thân nhiệt tại chỗ. Đồng thời, hướng dẫn cơ sở lưu trú các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Từ ngày 29 đến mùng 5 Tết, có 98 du khách Trung Quốc ở các khách sạn tại Cần Thơ, nhưng chưa phát hiện trường hợp nghi bệnh viêm nhiễm. Các cơ sở lưu trú cũng trang bị máy đo thân nhiệt, xà phòng, tiêu khuẩn.

Theo Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, đến 21 giờ tối qua, Cần Thơ còn 20 khách người Trung Quốc ở ba khách sạn. Ông Tùng đề xuất, Sở Y tế nên có văn bản chính thức thông báo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân, doanh nghiệp được biết.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở VH-TT-DL kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh ở các khách sạn có người Trung Quốc. “Mặc dù có một số khách đã rời khỏi khách sạn nhưng phải phòng ngừa giai đoạn ủ bệnh, cho nên hai Sở đi kiểm tra...”, ông Tùng nói.

* Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do chủng mới của virus corona (nCoV), UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai các phương án phòng, chống tùy theo tình huống dịch bệnh; thành lập đội phản ứng nhanh đối phó dịch bệnh này.

Các địa phương nỗ lực ngăn chặn dịch nCoV ảnh 2

Lãnh đạo UBND tỉnh Long An kiểm tra công tác ứng phó dịch bệnh do virus corona tại Bệnh viện Đa khoa Long An.

Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Long An đã triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đến tất cả các khoa, phòng. Trong đó, Khoa Khám bệnh, Khoa Cấp cứu và Khoa Nhiễm chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh. Bệnh viện có kế hoạch phân luồng các trường hợp khám bệnh viêm đường hô hấp cấp, chuẩn bị khu vực cách ly các trường hợp nhiễm bệnh. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc xử trí, điều trị theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Long An đã đi kiểm tra công tác ứng phó dịch bệnh do nCoV tại Bệnh viện Đa khoa Long An và đã chỉ đạo bệnh viện chuẩn bị đầy đủ về nhân lực và vật lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch; bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho nhân viên y tế, phòng, chống lây nhiễm nCoV và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên y tế tại đơn vị.

* Sáng 30-1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì phiên họp với các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã về tình hình, kết quả triển khai công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng nCoV trên địa bàn Thủ đô.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh; có 14 trường hợp nghi ngờ (có triệu chứng sốt, ho và có tiền sử đi từ vùng dịch về), nhưng hiện sức khỏe của tất cả các trường hợp này đều ổn định, không có bệnh nhân nặng. Trong đó, ba trường hợp đã khỏi bệnh, hết các triệu chứng, một trường hợp đã có xét nghiệm âm tính với nCoV, các trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm nCoV.

Trước nguy cơ dịch bệnh nCoV xâm nhập vào thành phố, thời gian qua, ngành y tế Thủ đô đã tăng cường giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài; đồng thời triển khai việc áp dụng tờ khai y tế khi nhập cảnh tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để tại nhà bệnh nhân và các khu vực liên quan của 14 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, lập danh sách theo dõi sức khỏe của 60 người tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của tất cả những người này đều ổn định, chưa có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Ngành y tế thành phố đã tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn giám sát và điều trị cho các cán bộ tham gia công tác phòng, chống bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường trực tiếp nhận thông tin 24/24 giờ qua đường dây nóng: 0969082115 và 0949396115.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, phải xác định việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh là quan trọng số một. Trong đó, Sở Y tế tiếp tục triển khai 24/24 giờ và 24 giờ/7 ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về phân công các y tá, bác sĩ túc trực, kiểm soát chặt chẽ ở sân bay Nội Bài. Tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện theo đúng quy trình trong việc cách ly người bệnh, đưa về cơ sở y tế. Đối với những trường hợp được xét nghiệm phát hiện nhiễm bệnh phải rà soát toàn bộ quy trình, hành trình của người bệnh đó, tất cả những người chung quanh đã tiếp xúc, để thông tin cho người đó có biện pháp phòng chống, chủ động đến các cơ sở y tế để xét nghiệm xem có bị lây nhiễm không.

Sở Y tế, Giám đốc các bệnh viện Hà Nội kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y, bác sĩ, chuẩn bị phương án, các kịch bản và tập huấn thuần thục cho cán bộ, bác sĩ trong trường hợp nếu có bệnh nhân mắc bệnh... Trung tâm phòng chống bệnh tật Hà Nội phối hợp Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) cử bác sĩ phổ biến các kiến thức về bệnh như dấu hiệu của bệnh, cách phòng, chống, nếu phát hiện phải xử lý như thế nào... thông tin rộng rãi trên báo đài.

Trong đó, đưa thông điệp không sử dụng động vật hoang dã, cấm việc sử dụng, buôn bán động vật hoang dã, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phải đến từng nhà hàng, lễ hội kiểm tra; khuyến cáo người dân đi đến các nơi vui chơi công cộng, lễ hội, đi các phương tiện giao thông công cộng nên đeo khẩu trang. Đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra cơ sở sản xuất, số lượng khẩu trang dự phòng trên địa bàn thành phố hiện nay. Trong trường hợp phát hiện dịch, thành phố phát miễn phí khẩu trang cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung giao Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tất cả các trường phổ biến cho học sinh cách phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, lớp học và toàn bộ các trường học phải phun thuốc khử trùng, hoàn thành ngay trong tuần này. Ngoài ra, trong chiều 30-1, các quận, huyện, thị xã thành lập các tổ công tác vào các công trường có người Trung Quốc quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, Sở Du lịch Hà Nội làm việc với tất cả các đơn vị du lịch truyền đạt thông tin tạm thời không đón nhận khách du lịch đến từ vùng trung tâm dịch bệnh. “Bảo vệ sức khỏe của nhân dân, không để ai bị dịch bệnh, không để thiệt hại về người là nhiệm vụ quan trọng nhất", Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Các địa phương nỗ lực ngăn chặn dịch nCoV ảnh 3

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch nCoV trên địa bàn Thủ đô.

* Từ ngày 30-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã họp và có chủ trương sẽ tạm dừng đón khách du lịch Trung Quốc và tạm dừng loại hình dịch vụ xe du lịch tự lái từ Trung Quốc vào Quảng Ninh cho đến khi có công bố chính thức dịch được dập tắt.

Đồng thời, cấm người qua lại các đường mòn, lối mở biên giới; tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và các điểm xuất hàng; các địa phương biên giới và các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo, hạn chế đến mức tối đa hoạt động xuất cảnh; cấm tuyệt đối và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, hải sản và xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Trước đó, ngày 29-1, thông qua kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lực lượng chức năng đã phát hiện một trường hợp công dân trở về từ Trung Quốc có dấu hiệu sốt, ho, nghi nhiễm nCoV. Trường hợp trên đã được đưa về cách ly tại Trung tâm Y tế Móng Cái, lấy mẫu xét nghiệm và giám sát ca bệnh theo quy định, bước đầu xác định không nhiễm cúm A, B, phổi không có tổn thương, hiện đang chờ các kết quả xét nghiệm khẳng định.

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona gây ra diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, ngay từ rất sớm, Quảng Ninh đã luôn chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống dịch với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hiện đã và đang tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ theo đúng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các bộ, ngành chức năng và của tỉnh. 100% hành khách nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không đều phải khai báo y tế và đo thân nhiệt chủ động; công tác truyền thông các biện pháp chủ động phòng, chống dịch cho người dân được tăng cường bằng nhiều hình thức; các cơ sở y tế sẵn sàng vật tư, thiết bị, phương án cách ly, phân khu điều trị sẵn sàng thu dung, cấp cứu bệnh nhân; chuẩn bị các nguồn lực cần thiết sẵn sàng đáp ứng dịch, giám sát ca bệnh, xét nghiệm và hóa chất vật tư dự phòng xử lý ổ dịch.

Trước diễn biến phức tạp, cấp bách mới trong công tác phòng, chống dịch do chủng mới của virus Corona gây ra, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Mục tiêu cao nhất Quảng Ninh đặt ra là dứt khoát không để xuất hiện dịch bệnh và tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương biên giới; bảo vệ tuyệt đối an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân; hạn chế thấp nhất tử vong do dịch gây ra; đồng thời bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp;

Đặc biệt tại ba địa phương biên giới của tỉnh, gồm: Hải Hà, Bình Liêu, Móng Cái, trong đó trọng điểm là TP Móng Cái cần đề cao công tác phòng, chống dịch, nếu để dịch bệnh xuất hiện và bùng phát trên địa bàn do cư dân biên giới, đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các địa phương này phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy.

Các địa phương nỗ lực ngăn chặn dịch nCoV ảnh 4

Tỉnh Quảng Ninh tăng cường các điểm khai báo kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở và thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể của cả hệ thống chính trị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải coi việc phòng, chống dịch như chống giặc, là việc cấp bách, trọng tâm, không được để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Các cấp, các ngành chức năng và các địa phương phải xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ các phương án, điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để vận hành hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, lấy phòng ngừa là chính, lấy người dân làm trung tâm trong phòng, chống dịch. Đặc biệt, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế và trang bị phòng hộ cho nhân dân, nhân viên y tế và các lực lượng chức năng từ cơ sở đến tỉnh.

Tỉnh yêu cầu các ngành chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh cần tập trung vào cuộc với trách nhiệm cao trong công tác tuyên truyền với mật độ thường xuyên, liên tục, sâu rộng, hình thức phong phú, đa dạng. Mục tiêu của công tác tuyên truyền phải đạt được là nâng cao nhận thức về dịch bệnh và ý thức tự bảo vệ bản thân, người thân và gia đình của mọi tầng lớp nhân dân. Trong cơ chế thông tin, báo cáo, phải có sự liên lạc, phối hợp chặt chẽ từ tỉnh tới cơ sở và giữa các cấp, các ngành, bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống dịch luôn thông suốt, kịp thời.

Quảng Ninh quán triệt tuyệt đối không đưa lao động của tỉnh Quảng Ninh và các địa phương biên giới sang Trung Quốc làm việc trong điều kiện dịch bệnh chưa được dập tắt. Đối với các chuyên gia và lao động nước ngoài từ Trung Quốc sang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, phải thiết lập quy trình giám sát hai lớp về tình trạng sức khỏe chặt chẽ, thường xuyên, liên tục cho đến khi có công bố hết dịch. Các địa phương biên giới, đặc biệt là TP Móng Cái cần theo dõi sát diễn biến, thông tin, nắm rõ các chỉ báo, kịp thời báo cáo ngay với cấp trên trong tình hình cấp bách, áp dụng ngay các biện pháp hạn chế hoạt động qua lại của cư dân biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái theo thẩm quyền. Ngành Y tế phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để dự phòng, phát hiện sớm, cách ly triệt để các trường hợp nghi nhiễm bệnh. Các địa phương biên giới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và ngành Y tế cần khẩn trương hoàn thiện các khu cách ly, khởi động phương án xây dựng bệnh viện dã chiến trong tình huống đột xuất xảy ra. Các ngành Công an, Biên phòng thiết lập ngay các kênh theo dõi, giám sát di biến động xuất nhập cảnh qua biên giới.

Về cơ chế thông tin, báo cáo, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương duy trì thực hiện trạng thái báo cáo ba lần/ngày (trước 8 giờ, 12 giờ và 18 giờ hằng ngày) và sẵn sàng cho các trạng thái cao hơn (báo cáo ba tiếng/lần và báo cáo thường xuyên, liên tục). Về cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin, phải bảo đảm chuẩn xác tuyệt đối, đúng thực tế, chủ động dẫn dắt và định hướng đúng đắn thông tin. Chịu trách nhiệm phát ngôn ở cấp tỉnh là đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona; Đối với Sở Y tế, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo người phát ngôn là đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế và ở các địa phương là bí thư cấp ủy.

* Chiều 30-1, Sở Y tế TP Hải Phòng cho biết, hai trường hợp có biểu hiện nghi viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đi trên chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hải Phòng sáng 30-1 đã được cách ly, theo dõi và điều trị tại Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng).

Trước đó, sáng 30-1, tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), Trung Y tế tâm kiểm dịch quốc tế Hải Phòng đã tiếp nhận hai trường hợp là mẹ con có biểu hiện nghi mắc virus corona trên chuyến bay VJ 286 từ TP Hồ Chí Minh ra Hải Phòng. Người mẹ tên là Vũ Thị Thanh Tuyền, 21 tuổi, trú tại khu vực Trường Thọ 2, xã Tân Lập, huyện Thốt Nốt (tỉnh Cần Thơ), cùng con là Vương Trung Bảo, 17 tháng tuổi, cùng có biểu hiện ngứa họng, sốt.

Thông tin ban đầu cho biết, trước đó, ngày 5-1, chị Tuyền xuất cảnh sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đi Nam Ninh bằng ô-tô. Sau đó di chuyển từ Nam Ninh đi tỉnh Sơn Đông bằng máy bay. Tại đây, chị Tuyền ở nhà cùng gia đình người Trung Quốc. Sau đó, chị bay từ Sơn Đông về Quảng Châu và từ Quảng Châu bay về TP Hồ Chí Minh vào ngày 18-1. Đêm 29-1, hai mẹ con chị bay từ TP Hồ Chí Minh và sáng 30-1 đến Hải Phòng thì có biểu hiện trên.

Ngay lập tức, hai mẹ con chị Tuyền đã được đưa vào phòng y tế Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và Trung Y tế tâm kiểm dịch quốc tế Hải Phòng đã bàn giao cho Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển thẳng hai mẹ con đến khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) để cách ly, theo dõi. Sở Y tế Hải Phòng đã điều một kíp bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa nhi của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng sang phối hợp thăm khám cháu bé…

Kết quả bước đầu cho thấy, hai mẹ con chị Tuyền tỉnh táo, không sốt, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định. Các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi và chờ kết quả xét nghiệm.

Cũng trong sáng 30-1, Trung Y tế tâm kiểm dịch quốc tế Hải Phòng đã tiến hành khử trùng toàn bộ ga đến nội địa và quốc tế cùng phòng lưu hai ca nghi mắc bệnh nói trên tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn và trang bị đầy đủ bảo hộ cho nhân viên y tế tham gia thăm khám và điều trị cho hai ca nghi nhiễm bệnh nói trên.

Cũng theo Sở Y tế Hải Phòng, trong chuyến bay VJ286 còn có một nữ hành khách Cao Thị Thu Thủy, 38 tuổi (chưa rõ địa chỉ) có biểu hiện mệt, vã mồ hôi. Chị này được bác sĩ có mặt trên chuyến bay xử lý nhưng bỏ về sau khi máy bay hạ cánh.

Hiện, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hải Phòng đã yêu cầu Hãng hàng không VietJet cung cấp danh sách hành khách, vị trí ngồi và địa chỉ của nữ hành khách bỏ về và danh sách những hành khách ngồi gần hai trường hợp nghi mắc bệnh để theo dõi.

Các địa phương nỗ lực ngăn chặn dịch nCoV ảnh 5

Tiêu độc, khử trùng tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

* Ngày 30-1, Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tại tỉnh tập trung triển khai thực hiện công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình và diễn biến của dịch bệnh để người dân biết cách phòng tránh.

Tại Bình Dương, hiện ngành y tế tỉnh đã thành lập hai đội chống dịch tuyến tỉnh, chín đội chống dịch tuyến huyện, thị, thành phố; xây dựng các phương án ứng phó, xử lý các tình huống khi chưa có dịch và có dịch xảy ra ở các địa bàn, khu vực khác nhau; đồng thời thiết lập hệ thống giám sát chủ động, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, bố trí nhân lực, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vào ngày hôm nay 30-1, cùng với việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị các cấp, các ngành và từng cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh chủ động thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, bảo đảm cung cấp đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn tập trung nhiều công nhân lao động, học sinh, sinh viên trở lại làm việc, học tập sau kỳ nghỉ Tết.

Các địa phương nỗ lực ngăn chặn dịch nCoV ảnh 6

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trần Văn Nam (đứng) phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

* Ngày 30-1, Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình và diễn biến của dịch bệnh để người dân biết cách phòng tránh.

Tại Bình Dương, hiện ngành Y tế tỉnh đã thành lập hai đội chống dịch tuyến tỉnh, chín đội chống dịch tuyến huyện, thị, thành phố; xây dựng các phương án ứng phó, xử lý các tình huống khi chưa có dịch và có dịch xảy ra ở các địa bàn, khu vực khác nhau; đồng thời thiết lập hệ thống giám sát chủ động, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, bố trí nhân lực, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị các cấp, các ngành và từng cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh chủ động thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, bảo đảm cung cấp đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn tập trung nhiều công nhân lao động, học sinh, sinh viên trở lại làm việc, học tập sau kỳ nghỉ Tết.

* Ngày 30-1, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Lạng Sơn, Lý Kim Soi cho biết: Từ ngày 25-1 đến 30-1, đã có hơn 3.600 khách nhập cảnh đều khai báo y tế và được kiểm tra thân nhiệt đầy đủ. Qua công tác kiểm tra y tế, chưa phát hiện trường hợp người nhập cảnh nào có thân nhiệt cao, sốt cao khi đi qua các cửa khẩu để vào trong nội địa.

Các địa phương nỗ lực ngăn chặn dịch nCoV ảnh 7


Lạng Sơn có 12 cửa khẩu, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu song phương và chín cửa khẩu phụ. Thực hiện các văn bản Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ y tế, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành văn bản chỉ đạo, phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng loại mới virus corona mới gây ra. Tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu gồm: Biên phòng, hải quan, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế của tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh và phương tiện, hàng hóa tại tất cả các cửa khẩu, tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh xâm nhập...

Hiện nay, các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn được bố trí bẩy máy đo thân nhiệt từ xa, trong đó, riêng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có ba máy, cửa khẩu Tân Thanh có một máy. Công tác phòng, chống dịch tại các cửa khẩu luôn được bảo đảm chặt chẽ theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế, các đơn vị kiểm dịch tập trung làm việc, không để xảy ra sai sót.

Tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng, (Cao Lộc), những ngày gần đây, được Tổ kiểm dịch y tế cửa khẩu (thuộc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn), tăng cường công tác kiểm dịch y tế đối với người và phương tiện nhập cảnh, quá cảnh và hàng quá nhập khẩu tại đây được thực hiện nghiêm túc. Hệ thống phun khử khuẩn phương tiện nhập cảnh vào Việt Nam cũng luôn được hoạt động thường xuyên, liên tục, đáp ứng việc phòng ngừa dịch bệnh.

Trưởng khoa Kiểm dịch y tế và Xử lý y tế, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế của tỉnh Hoàng Phúc Sinh khẳng định: Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị được trang bị ba máy kiểm tra thân nhiệt bằng camera hồng ngoại cảm biến nhiệt, bảo đảm có thể theo dõi thân nhiệt của 100% người qua lại khu vực nhập cảnh vào Việt Nam. Bất kỳ dấu hiệu nào bất thường về thân nhiệt của khách qua lại đều được nhân viên kiểm dịch Y tế thực hiện kiểm tra, cách ly. Hằng ngày tổ công tác trực từ 7 giờ đến 21 giờ, để theo dõi toàn bộ hành khách nhập cảnh vào cửa khẩu. Tại cửa khẩu cũng đã chuẩn bị phòng chờ, phòng cách ly, nếu phát hiện có trường hợp nghi nhiễm có thể thực hiện các biện pháp tại chỗ nhằm khống chế dịch; quy trình và thao tác xử lý tình huống cũng được đơn vị tô chức tập huấn, hướng dẫn, cho cán bộ nhân viên thực hiện thuần thục, kịp thời...

Để kiểm soát dịch bệnh tỉnh đã thiết lập kênh liên lạc với cơ quan kiểm dịch y tế phía Trung Quốc để thông báo tình hình dịch, phối hợp phòng, chống dịch qua biên giới. Đồng thời triển khai các biện pháp truyền thông tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là cho khách xuất, nhập cảnh đi, đến vùng dịch về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xâm nhập.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh đã thành lập và vận hành Đội đáp ứng nhanh để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới trong việc xử lý ổ dịch, cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu. Thiết lập đường dây điện thoại nóng, tiếp nhận thông tin và sẵn sàng tiếp nhận ứng cứu chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, phương tiện lấy mẫu bệnh để gửi xét nghiệm, xác định chủng virus Corona mới...

Bệnh viện đa khoa tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly với 10 bác sĩ và 15 điều dưỡng khoa truyền nhiễm, đồng thời có sự phố hợp các bác sĩ, điều dưỡng khoa hồi sức cấp cứu khi có yêu cầu; Bệnh viện đã bố trí hai máy thở, hai máy mornitor và bình ô-xy các loại, cùng cơ số thuốc cần thiết, sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu và điều trị bệnh nhân khi có tình huống dịch xâm nhập...

Đặc biệt là từ 0 giờ ngày 25-1, tổ y tế tại các cửa khẩu của tỉnh đã thực hiện khai báo y tế đối hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cũng đã chuẩn bị phòng cách ly, nếu phát hiện có trường hợp nghi nhiễm có thể thực hiện các biện pháp tại chỗ nhằm khống chế dịch, không cho lây lan vào nội địa.

Từ ngày 29-1, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra thông báo về việc tạm dừng cấp giấy thông hành xuất nhập cảnh cho người dân qua lại biên giới thăm thân, làm ăn từ ngày 30-1, thời gian cấp lại sẽ được thông báo sau. Thông báo nêu rõ, hiện nay tình hình dịch bệnh Corona đang diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đóng cửa các cặp chợ, cửa khẩu phụ, tạm dùng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa từ ngày 31-1 đến 8-2. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn cũng khuyến cáo, các trường hợp đã được cấp giấy thông hành trước khi có thông báo này không xuất cảnh để phòng, tránh dịch bệnh.

* Ngày 30-1, Sở Y tế Lâm Đồng có văn bản hỏa tốc về công bố danh sách và địa chỉ các cơ sở có khả năng thu dung và điều trị viêm phổi do virus corona mới trên địa bàn tỉnh, nhằm chủ động ứng phó tình hình dịch bệnh.

Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, công bố cơ sở y tế có khả năng điều trị bệnh viêm phổi do virus corona mới trên wesite của cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, Sở Y tế tỉnh công bố trên website ngành, cổng thông tin tỉnh Lâm Đồng và tổng hợp danh sách gửi Bộ Y tế.

Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh thành lập ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch viêm phổi do virus corona mới; công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để tiếp nhận và tư vấn kịp thời cho nhân dân về tình hình dịch bệnh; chủ động phương tiện đối phó với tình huống dịch bệnh hàng loạt, sẵn sàng đáp ứng, bảo đảm công tác thu dung, cách ly người bệnh và cấp cứu điều trị tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến không cần thiết.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Công điện khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona mới gây ra. Trong đó, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, khẩn trương thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh; xây dựng các kịch bản, tình huống có thể xảy ra. Theo đó, Sở Y tế Lâm Đồng đã đưa ra các tình huống và biện pháp xử lý cụ thể, nhằm chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Cảng Hàng không Liên Khương đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng triển khai công tác phòng dịch, cung cấp các vật tư, thiết bị y tế như khẩu trang, dung dịch vệ sinh sát khuẩn và hướng dẫn quy trình thực hiện kiểm soát dịch bệnh cho nhân viên của Cảng hàng không Liên Khương. Cảng đã trang bị máy đo thân nhiệt để giám sát các trường hợp khách đến.

* Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận cho biết đến chiều 30-1, tỉnh Đồng Tháp chưa phát hiện trường hợp bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona nCoV gây ra.

Các địa phương nỗ lực ngăn chặn dịch nCoV ảnh 8

Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận (đứng) thông tin về công tác sẵn sàng ứng phó bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona nCoV.

Tỉnh Đồng Tháp ngoài địa bàn rộng lớn còn có hai cửa khẩu quốc tế tiếp giáp với Campuchia là Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng) nên công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona nCoV được tiến hành khẩn trương. Cả hai cửa khẩu quốc tế đã được trang bị dụng cụ đo thân nhiệt. Ngành y tế bố trí lực lượng thường trực để kiểm soát tình trạng sức khỏe của người dân khi qua lại cửa khẩu.

Sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, Sở Y tế Đồng Tháp đã tổ chức đoàn đi thị sát kiểm tra hoạt động Kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà. Chỉ đạo lực lượng Kiểm dịch y tế tại hai cửa khẩu chủ động kiểm tra giám sát đối tượng Kiểm dịch y tế. Đặc biệt, chú ý hành khách nhập cảnh có yếu tố dịch tễ phải khai báo y tế thực hiện nghiêm túc theo tờ khai y tế tại cửa khẩu.

Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tư nhân tăng cường theo dõi, giám sát phát hiện, hỗ trợ, phối hợp bệnh viện công lập. Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cập nhật kế hoạch, kịch bản thu dung, điều trị, báo cáo kịp thời, diễn tiến tình hình ca bệnh khi phát hiện.
Tỉnh đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc bình tĩnh và chủ động ứng phó bệnh. Sở Y tế cũng đã thành lập Ban điều hành phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp virus Corona nCoV.

* Chiều 30-1, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức họp khẩn với các địa phương, các ban, ngành, các bệnh viện để triển khai ngay phương án ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra.

Các địa phương nỗ lực ngăn chặn dịch nCoV ảnh 9

Toàn cảnh buổi họp khẩn phòng chống dịch ở Thái Bình.

Theo báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, tại địa bàn ghi nhận một trường hợp nữ 27 tuổi có viêm đường hô hấp cấp tính tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) từ ngày 13-1 vừa qua và trở về xã An Dục (huyện Quỳnh Phụ) vào ngày 22-1. Từ ngày 23-1, người bệnh được khám, cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Phụ Dực, Bệnh viện đa khoa tỉnh và chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để điều trị (hiện tại, sức khỏe ổn định).

Qua tìm hiểu của cơ quan y tế, bản thân bệnh nhân khi về nhà đã có ý thức chủ động cách ly với người chung quanh bằng việc không ngủ chung, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nhà và cộng đồng. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục quản lý, theo dõi những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân gồm: bốn người nhà, năm cán bộ bệnh viện Phụ Dực, sáu cán bộ bệnh viện đa khoa tỉnh và hai lái xe vận chuyển bệnh nhân.

Hiện nay, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh do chưa có máy kiểm tra thân nhiệt; không nắm bắt được rõ số người Trung Quốc về quê ăn Tết và trở lại tỉnh lao động, làm việc; khan hiếm khẩu trang chuyên dụng; thiếu máy thở…

Tại buổi họp khẩn, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị cấp tỉnh, cấp huyện thành lập ngay đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh; các bệnh viện thiết lập các đội cấp cứu lưu động. Đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó tập trung phát các thông tin về tình hình dịch, phương án phòng chống trên hệ thống loa truyền thanh thôn, xóm, xã, phường.

Ngay trong tuần sau, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế khẩn trương mua ngay khoảng 10 nghìn khẩu trang bốn lớp; mua 10 máy đo thân nhiệt; trang bị thêm máy thở cho Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trưng dụng Bệnh viện Phổi trở thành bệnh viện dã chiến với 400 giường bệnh khi dịch xảy ra.

Tỉnh cũng đề nghị các địa phương gửi công văn đến các doanh nghiệp có người Trung Quốc đang làm việc báo cáo tình hình di biến động của họ khi trở về nước cũng như quay lại địa phương để ngành y tế tiến hành theo dõi, kiểm tra sức khỏe khi có nghi vấn của dịch bệnh.

Trong ngày hôm nay, UBND tỉnh Thái Bình đã gửi văn bản hỏa tốc đến các địa phương trên địa bàn. Theo đó, xây dựng chi tiết ba tình huống khi dịch xảy ra với những hướng dẫn cụ thể về công tác điều trị, công tác hậu cần, công tác giám sát dự phòng, công tác truyền thông…