Cả nước vào cuộc phòng, chống Covid-19

Ngày 6-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá diễn biến tình hình dịch Covid-19 ở Đà Nẵng và cả nước, phân tích ca mắc mới ở Hà Nội... qua đó đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Ảnh: Trần Hải.
Ảnh: Trần Hải.

Theo quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, áp lực chống dịch Covid-19 đợt này lớn hơn lần trước nhiều. Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lớn nhất, hiện hữu nhất là nhóm người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế ở cụm ba bệnh viện ở Đà Nẵng, do vậy cần tiếp tục quyết liệt cũng như đẩy nhanh tiến độ truy vết và cách ly tập trung các ca F1. Nhóm nguy cơ thứ hai là những người đã đi, đến từ Đà Nẵng (từ ngày 1-7 đến nay) nhưng không có mối liên hệ với cụm ba bệnh viện (như các ca bệnh tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội...). Ngành y tế đang nỗ lực kiểm soát tình hình dịch ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch không phải là chuyện riêng ở Đà Nẵng mà tất cả các địa phương đều phải vào cuộc.

Sau khi nghe phát biểu của các thành viên, các chuyên gia..., Ban Chỉ đạo đã thảo luận, thống nhất một số nội dung cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Theo đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc giãn cách xã hội trên toàn TP Đà Nẵng và một số huyện, thị xã của tỉnh Quảng Nam, không để dịch lan ra bên ngoài. Hiện nay, nguy cơ dịch đang thường trực ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, do đó, các địa phương phải thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế về theo dõi, cách ly người về từ Đà Nẵng theo đúng quy định. 

Ban Chỉ đạo quốc gia cũng cho rằng, dù mầm bệnh xuất hiện ở cộng đồng hay trong bệnh viện thì cuối cùng người nhiễm Covid-19 vẫn phải tới bệnh viện. Cho nên các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, chống nhiễm khuẩn, bảo đảm phân luồng, phân tuyến cho người đến khám, điều trị bệnh; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bệnh nhân đang điều trị, nhất là các khoa có nhiều ca bệnh nặng, bị lây nhiễm trong một thời gian mà không biết. 

* Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày 6-8 ghi nhận 34 người nhiễm Covid-19 (từ 714 đến 747), trong đó, tại Đà Nẵng (20 người), Quảng Nam (9 người), Bắc Giang (1 người), Hà Nội (1 người) và Bà Rịa - Vũng Tàu (3 ca nhập cảnh).  Tính đến 18 giờ ngày 6-8, cả nước có 747 ca mắc Covid-19, trong đó 312 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 295 trường hợp.

Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho biết, ngày 6-8, có 11 người mắc Covid-19 (người bệnh thứ 374, 376, 377, 378, 379, 380, 381, 382, 384, 403, 408) điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu được công bố khỏi bệnh. 

* Ngày 6-8, có thêm hai người bệnh Covid-19 chết (người bệnh thứ 651, nữ, 67 tuổi, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam và người bệnh thứ 718, nữ, 67 tuổi, quê ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng). 

* Cùng ngày, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp Quân khu 5 tiếp tục khử khuẩn, tẩy độc các khu vực, không để dịch Covid-19 lây lan, bùng phát trên diện rộng. 

* Sáng 6-8, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Quảng Ngãi siết chặt các biện pháp chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế và thần tốc truy vết F1 liên quan đến Đà Nẵng. Cùng ngày, tỉnh Quảng Ngãi thành lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại cơ sở 2, Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, quy mô 100 giường bệnh nội trú. 

* Chiều 6-8, đoàn công tác của Bộ Y tế do GS, TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm trưởng đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đoàn công tác ghi nhận sự khẩn trương, quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp tỉnh Thanh Hóa, nhất là việc giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn và yêu cầu tiếp tục tập trung cao độ cho công tác giám sát, kiểm soát nguồn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại khu dân cư.

* Liên quan người bệnh 673, SN 1986, ở thôn Đồng Chu, xã Yên Định, huyện Sơn Động (Bắc Giang), đi du lịch Đà Nẵng từ ngày 21 đến 24-7, từ ngày 27 đến 30-7 có nhiều hoạt động tại TP Hạ Long, ngành y tế Quảng Ninh đã phối hợp truy vết, khoanh vùng, xác định 40 trường hợp là F1 đưa vào cách ly tại Bệnh viện số 2 (Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh) và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm âm tính đối với 40 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp F1 liên quan người bệnh 673; một trường hợp F1 được phát hiện, đang đợi kết quả xét nghiệm. 

* Ngày 6-8, UBND huyện Ý Yên (Nam Định) đã chỉ đạo xã Yên Phúc rà soát, xác định và cách ly tập trung đối với tám người ở xóm Cầu, là F1 của người bệnh 714 (nam, 42 tuổi, ở phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Người bệnh đi du lịch tại Đà Nẵng từ ngày 14 đến 17-7. Ngày 19-7, về quê tại xóm Cầu, xã Yên Phúc, huyện Ý Yên. Lực lượng chức năng  đã phun khử khuẩn khu vực nhà người bệnh ở xã Yên Phúc; tiếp tục xác định các trường hợp F2, F3; yêu cầu các trường hợp này tự giác khai báo y tế, tự cách ly, theo dõi sức khỏe ở nhà. 

* Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Đình Lập (Lạng Sơn) cho biết, liên quan bốn người bệnh Covid-19 (675, 676, 677, 678, là các thành viên trong một gia đình), lực lượng chức năng đang truy vết các trường hợp F1, F2; đã đưa vào Trung tâm y tế huyện cách ly 100 trường hợp, lấy mẫu xét nghiệm có 96 ca F1 và 4 ca F0.

* Chiều 6-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài cho biết, 11 tỉnh, thành phố khu vực miền trung sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 do ngày 5-8, Viện Pasteur Nha Trang có thông báo cho Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố khu vực miền trung về việc tạm hoãn nhận mẫu Covid-19 do hết nguồn sinh phẩm, hóa chất, vật tư để làm các xét nghiệm.

Tỉnh Khánh Hòa có chủ trương dùng ngân sách gần 3 tỷ đồng để mua 4.000 kit tách chiết và các sinh phẩm, vật tư phục vụ xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, công việc này gặp khó khăn do phải thực hiện các thủ tục pháp lý.

* Sáng 6-8, tại Sở Y tế tỉnh Bình Định diễn ra lễ ra quân nhân viên y tế Bình Định tình nguyện chi viện cho Đà Nẵng. Trong đợt này, 25 bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên y tế, điều dưỡng và hộ sinh của tỉnh Bình Định lên đường hỗ trợ cho TP Đà Nẵng để thực hiện công tác phòng, chống dịch.

* Ngày 6-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng (tuyển sinh ngành giáo dục mầm non) về việc công tác tuyển sinh năm 2020 trong tình hình dịch Covid-19.

Trong đó, trên tinh thần tự chủ tuyển sinh và bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, các trường xem xét phân bổ tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý và xét tuyển riêng cho các thí sinh chưa tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các ngày 8 đến 10-8 do ảnh hưởng của Covid-19.

Các trường điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ cho phù hợp, báo cáo về Bộ và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường. Điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi đợt sau bảo đảm không thấp hơn điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi đợt từ ngày 8 đến 10-8.

* Trong ngày 6-8, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ Đà Nẵng phòng, chống dịch như sau: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mỗi ngân hàng ủng hộ 5 tỷ đồng; Ngân hàng BIDV - chi nhánh Đà Nẵng ủng hộ 1 tỷ đồng cho Sở Y tế TP Đà Nẵng; Tập đoàn BRG và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) 1 tỷ đồng và 20.000 khẩu trang vải kháng khuẩn; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Filmore Nguyễn Tấn Danh 400 triệu đồng; Công ty CP Phát triển Bất động sản Filmore 200 triệu đồng; Công ty Đầu tư Prime Capital Vietnam 150 triệu đồng; Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng trao hỗ trợ 5 tỷ đồng cùng 200.000 khẩu trang y tế; Công an TP Hải Phòng trao tặng 200 triệu đồng cùng 30.000 khẩu trang y tế cho Công an TP Đà Nẵng; đại diện tập đoàn Central Retail tại Việt Nam trao tặng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Đà Nẵng 10 tấn rau quả các loại để phân bổ đến các bếp ăn tập thể trên địa bàn TP Đà Nẵng...

Vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp nhận hàng nghìn lọ thuốc interferon Alfa 2B do Cu-ba sản xuất, tài trợ cho Việt Nam phòng, chống dịch.

Tới dự lễ bàn giao và tiếp nhận, có bà L.Ri-vê-ra, Đại sứ Cu-ba tại Việt Nam.

Đây là loại thuốc đạt chuẩn châu Âu, khi đưa vào cơ thể sẽ kích thích sản sinh kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Toàn bộ số thuốc nêu trên ngay lập tức được vận chuyển cùng các chuyên gia quân y Việt Nam vào tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng chống dịch. Dịp này, đoàn chuyên gia y tế Cu-ba đã được cử đến Việt Nam để hỗ trợ chống dịch Covid-19.

* Chiều 6-8, Bộ Y tế ra thông báo khẩn số 24 và đề nghị những ai đã đến Nhà hàng tiệc cưới Golden Phoenix; Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Phì Lũ và Trung tâm tiệc cưới Biển Xanh ở Đà Nẵng cần: Liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ; gọi điện đến các đường dây nóng của Bộ Y tế (1900.9095) hoặc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (0905.108.844) cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc với mình; khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI tại địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19.