Bộ trưởng Y tế quan ngại Việt Nam có thể xuất hiện đợt dịch thứ tư

NDO -

"Trong bối cảnh các nước trong khu vực tình hình dịch còn phức tạp, việc xuất hiện đợt dịch thứ tư tại Việt Nam đang có nguy cơ cao", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.

Sáng 26-3, Bộ Y tế tổ chức họp hội nghị trực tuyến tập huấn bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19 cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, các điểm tiêm chủng tại hơn 700 điểm cầu.

Nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam

GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát thành công ba đợt dịch. Đợt dịch cuối cùng tại Hải Dương có số nhiễm Covid-19 khá cao và đến thời điểm hiện nay vẫn có một số ca mắc mang tính rải rác. Điều này là bởi do chúng ta thực hiện cách ly, truy vết rất tốt, nhưng đôi khi tại một vài địa bàn, một số nơi chưa thực hiện triệt để.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh các nước trong khu vực tình hình dịch còn phức tạp, chúng ta quan ngại xuất hiện đợt dịch thứ tư.

Đầu tiên, do chúng ta có đường biên trải dài, việc quản lý xuất nhập cảnh đường biển hết sức khó khăn. Hiện nay chúng ta duy trì 1.600 điểm chốt với sự tham gia của 10 nghìn cán bộ biên phòng cùng các lực lượng chính quyền địa phương tại các chốt, nhưng việc nhập cảnh trái phép rất phức tạp.

Trong sáng nay, Việt Nam ghi nhận hai ca bệnh nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc về Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng cho biết, đây là trường hợp mắc Covid-19 xác định được do có triệu chứng. "Rất có thể có trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không phát hiện được và có thể có người không có dấu hiệu về mặt lâm sàng, thành nguồn truyền nhiễm trong cộng đồng", Bộ trưởng nói. 

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị, để khi xảy ra dịch sẽ không bỡ ngỡ, luống cuống. Chúng ta xử lý càng nhanh, càng hạn chế mức độ ảnh hưởng với cộng đồng. 

Các địa phương phải bảo đảm an toàn tiêm chủng

Về tập huấn các địa phương trong an toàn tiêm chủng, quản lý tiêm chủng và xử lý trường hợp phản ứng không mong muốn trong tiêm chủng, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, thế giới có hơn 250 loại vaccine được các nước nghiên cứu, phát triển nhưng chỉ có 13 loại được cấp phép với tổng số có 486 triệu liều trên toàn cầu.

Nhiều nước, ngay từ đầu đã đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu vaccine và mua vaccine. Do đó, cuộc đua vaccine và thiếu hụt nguồn cung vaccine đang là vấn đề với cả thế giới. Khi vaccine chưa phát triển, nhiều nước đã mua với số lượng lớn. Hiện nay có gần 30 nước mua quá so với nhu cầu thực tế của người dân, có nước lên tới 400%.

GS, TS Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, Việt Nam cố gắng đàm phán với các hãng vaccine trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng vaccine cho Việt Nam. Trước đó, Việt Nam cũng đã có trao đổi với các nước trong hợp tác nghiên cứu, sản xuất vaccine Việt Nam và sẵn sàng cùng tham gia thử nghiệm giai đoạn 3. Tuy nhiên, việc thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 tại Việt Nam khó khăn vì chúng ta không phải là nước có dịch bùng phát. 

Ngay từ năm 2020, Việt Nam đã thúc đẩy tiến trình nghiên cứu vaccine và đến nay có bốn đơn vị nghiên cứu, trong đó có hai đơn vị đã có vaccine đưa vào thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Việc thử nghiệm này cũng được đánh giá an toàn với người sử dụng, nhưng về hiệu quả vaccine, chúng ta cần phải cần đánh giá kết quả sau khi thử nghiệm giai đoạn 3.

Vừa qua, COVAX thông báo chậm cung ứng vaccine cho Việt Nam. Như vậy, trong ba tuần đầu của tháng 4, Việt Nam sẽ không có bất kỳ vaccine nào để tiêm phòng Covid-19. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có hai văn bản gửi các đơn vị tăng cường tiếp cận nguồn vaccine cung ứng cho Việt Nam. "Việc khan hiếm vaccine là hiện hữu, thách thức với các nước, nhất là nước đang phát triển như chúng ta", Bộ trưởng nói. 

Phản ứng phụ của vaccine nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, có một số người dân có tâm lý e ngại phản ứng không mong muốn sau tiêm vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, mọi loại vaccine cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và phản ứng không mong muốn.

Vừa qua, châu Âu dừng lại việc tiêm vaccine để đánh giá về tình trạng đông máu sau tiêm. Nhưng theo kết quả đánh giá mới nhất của Cơ quan Dược phẩm châu Âu, không có tuyên bố nào về tình trạng đông máu có liên quan đến vaccine này. Hiện nay, một số nước đã quay trở lại tiêm vaccine. "Chúng ta không vì lý do đó mà chậm lại việc tiêm vaccine", Bộ trưởng nói. 

Theo Bộ trưởng, phản ứng không mong muốn sau tiêm vaccine AstraZeneca tại Việt Nam đều nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và của Tổ chức Y tế thế giới. Báo cáo gần đây nhất, tỷ lệ phản ứng của AstraZeneca còn thấp hơn so với một số loại vaccine khác.

“Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, trên quan điểm xử lý cao hơn một mức. Có một số trường hợp có phản ứng sau tiêm mặc dù chưa phải xử lý phản vệ độ 2 nhưng các địa phương đã xử lý ngay. Chúng tôi hoan nghênh các địa phương xử trí kịp thời phản ứng phụ sau tiêm và nâng cao một bước so với hướng dẫn", Bộ trưởng nói.

Về các trường hợp phản ứng sau tiêm, hiện nay, Hội đồng chuyên môn đang đánh giá thực chất mức độ phản ứng như thế nào. Bệnh viện Bạch Mai đã có rà soát kỹ lưỡng và xác định, hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp nào bị đông máu nào có phản ứng nặng.

"Tại buổi tập huấn này, tôi yêu cầu các cơ sở y tế phải có phản xạ nhanh, sau khi tiêm vaccine nếu xuất hiện các triệu chứng phản ứng thì phải xử lý càng sớm, càng tốt, xử lý cao hơn một mức so với quy định, bảo đảm an toàn cho người tiêm. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải bảo đảm an toàn tối đa cho người tiêm. Những địa phương còn dè dặt cần phải triển khai ngay, theo dõi chặt các trường hợp sau tiêm”, Bộ trưởng nói.

Trên cơ sở đó, sau buổi tập huấn hôm nay, các Sở Y tế phải tập huấn cho các cơ sở trên địa bàn để khi có vaccine sẽ triển khai tiêm rộng rãi vì vaccine phòng Covid-19 có thời gian sử dụng ngắn, điều kiện bảo quản khó khăn. 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, tháng 5-2021, Việt Nam sẽ có bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp. Vì thế, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị phải bảo đảm an toàn y tế cho sự kiện này. 

"Các địa phương phải xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác y tế an toàn, đặc biệt lưu ý với phòng, chống dịch bệnh. Trong trường hợp có dịch, nếu người dân phải cách ly thì vẫn bảo đảm quyền bầu cử của người dân. Một số địa phương nếu tình hình dịch căng thẳng, phải có diễn tập trước để bầu cử thành công về mặt chính trị và bảo đảm sức khỏe cho người dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan