Bệnh viện Nội tiết Trung ương kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển

NDO -

NDĐT - Ngày 10-9, tại Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức Kỷ niệm 50 năm thành lập (16-9-1969 -16-9-2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đến dự và gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên Lá cờ truyền thống của bệnh viện.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Bệnh viện Nội tiết (BVNT) Trung ương được thành lập ngày 16-9-1969 nhằm chăm lo sức khỏe cho nhân dân nói chung và các hoạt động phòng, chống bệnh bướu cổ cho đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi phía bắc nói riêng. Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, Bệnh viện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Bệnh viện hiện có hai cơ sở khám, chữa bệnh khang trang quy mô gần 1.100 giường bệnh và hơn 900 cán bộ nhân viên, mỗi ngày bệnh viện đã thực hiện khám và điều trị cho khoảng 2.000 người bệnh.

Đồng thời là đơn vị chỉ đạo và thực hiện Dự án Phòng chống đái tháo đường và Phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt thuộc Chương trình Mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020; thực hiện chỉ đạo chuyên môn 63 đơn vị thuộc Hệ thống Nội tiết - Chuyển hóa trên toàn quốc, bệnh viện hạt nhân của sáu bệnh viện vệ tinh là các bệnh viện đa khoa, bệnh viện nội tiết tuyến tỉnh.

Những năm gần đây, tập thể thầy thuốc của bệnh viện đã nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều đề tài khoa học có giá trị cao, điển hình là đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi tuyến giáp trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp” do PGS, TS Trần Ngọc Lương thực hiện. Đây là một trong những kỹ thuật làm nên danh tiếng của BVNT Trung ương. Đến nay, đã có hàng nghìn ca bệnh về tuyến giáp được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi này… Đặc biệt, hơn 300 giáo sư, bác sĩ, học viên từ nhiều nước trên thế giới đã học tập và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật này.

Đáng chú ý, BVNT Trung ương là cơ sở y tế đầu tiên và duy nhất trên cả nước triển khai hoạt động chuyên ngành chăm sóc bàn chân và tổn thương trên người bệnh đái tháo đường; áp dụng các thủ thuật, phương pháp điều trị liền thương tiên tiến nhằm hỗ trợ điều trị loét bàn chân; phục hồi chức năng bàn chân, hạn chế mức thấp nhất việc phải cắt cụt chi, rút ngắn thời gian nằm viện cho người bệnh.

Phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chúc mừng và đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu và kết quả mà BVNT Trung ương đạt được trong 50 năm qua.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, nhất là các bệnh: tim mạch, đái tháo đường, ung thư… Do vậy, BVNT Trung ương cần phải tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, phấn đấu sớm trở thành một trung tâm y tế hàng đầu trong nước và khu vực về phát hiện và điều trị bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa; là điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.

Để không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Phó Thủ tướng đề nghị đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế và người lao động BVNT Trung ương cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với phương châm “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”; coi người bệnh là trung tâm, lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo chuẩn mực cho mỗi cán bộ y tế, trở thành địa chỉ tin cậy, là điểm đến an tâm của người bệnh.

Thường xuyên tập huấn đào tạo để nâng cao chất lượng chuyên môn, trình độ của đội ngũ y, bác sĩ; đồng thời tích cực hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến, đặc biệt là chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới. Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực cho phát triển cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, thân thiện, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao, phù hợp với diễn biến phức tạp của các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong công tác đào tạo đội ngũ thầy thuốc và nghiên cứu điều trị. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh, sàng lọc phát hiện sớm đái tháo đường, ung thư tuyến giáp để người dân hiểu rõ hơn về những nguy cơ của căn bệnh này.