Bệnh nhi được ghép tim nhân tạo nhỏ nhất thế giới

NDO - NDĐT - Một em bé 16 tháng tuổi người Italy vừa được cứu sống nhờ vào việc cấy ghép một bộ phận tim nhân tạo để có thể kéo dài sự sống trong thời gian tìm kiếm người hiến tặng bộ phận cấy ghép. Theo các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật, trái tim nhân tạo được cấy ghép cho cậu bé là bộ phận tim nhân tạo có kích thước nhỏ nhất thế giới.
Thiết bị tim nhân tạo là một chiếc bơm bằng titanium cực nhỏ (ảnh: Reuters)
Thiết bị tim nhân tạo là một chiếc bơm bằng titanium cực nhỏ (ảnh: Reuters)

Các bác sĩ ở bệnh viện Bambino Gesu tại Rome (Italy) cho biết cuộc phẫu thuật đã được thực hiện vào tháng trước và đến nay mới được công bố. Cậu bé có trái tim cấy ghép đã được sử dụng bộ phận tim nhân tạo từ 13 ngày trước khi được cấy ghép và cho đến nay, sức khỏe của cậu đã trở nên ổn định.

Bệnh nhi này, hiện không được tiết lộ danh tính, vốn bị mắc bệnh giãn cơ tim bẩm sinh. Căn bệnh này dần dần sẽ làm cho quả tim yếu đi và khiến giảm khả năng bơm máu. Trước cuộc phẫu thuật, cậu bé thậm chí còn bị nhiễm trùng nặng bởi chiếc bơm cơ khí được dùng để hỗ trợ trái tim bị bệnh của em.

Thiết bị tim nhân tạo được sử dụng để cấy ghép là một chiếc bơm bằng titanium cực nhỏ, có trọng lượng chỉ 11 gram và có khả năng bơm một 1,5 lít máu mỗi phút. Thông thường, một thiết bị tim nhân tạo được cấy ghép cho người trưởng thành có trọng lượng lên tới 900 gram.

Bác sĩ Antonio Amodeo, người tham gia cuộc phẫu thuật cho rằng đây là một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực cấy ghép bộ phận cơ thể con người. Ông cũng nói thêm rằng mặc dù tim nhân tạo được cấy ghép hiện nay chỉ được sử dụng như một chiếc cầu nối trong lúc chờ đợi người hiến tặng bộ phận cấy ghép nhưng trong tương lai có thể nó sẽ được sử dụng lâu dài.

Ông Antonio nói: 'Từ quan điểm của một nhà phẫu thuật, cuộc phẫu thuật không phải là quá khó. Khó khăn duy nhất mà chúng tôi phải đối mặt là đứa trẻ trước đó đã phải trải qua vài lần phẫu thuật khác'.

Các bác sĩ cho biết, thiết bị tim nhân tạo được cấy ghép cho cậu bé là phát minh của một bác sĩ người Mỹ, ông Robert Jarvik. Trước đó, nó mới chỉ được thử nghiệm trên động vật. Và trước khi cuộc phẫu thuật được thực hiện, bệnh viện Bambino Gesu phải nhận được sự cho phép của Bộ Y tế Italy và của bác sĩ Jarvik.