Bảo đảm an toàn người bệnh

An toàn người bệnh là cung cấp dịch vụ y tế với việc hạn chế rủi ro và nguy hại cho người sử dụng dịch vụ, bảo đảm người bệnh được an toàn trong quá trình chăm sóc, điều trị, không để xảy ra các tổn thương bất ngờ (ngoài diễn tiến bệnh lý). Tuy nhiên, những sự cố y khoa ngoài mong muốn vẫn khó tránh khỏi, do thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc.

Những năm qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức luôn thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn cho người bệnh ở mức cao nhất. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật tại Khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao.
Những năm qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức luôn thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn cho người bệnh ở mức cao nhất. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật tại Khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao.

Mặc dù trong chăm sóc sức khỏe là không được gây tổn hại cho người bệnh, nhưng mỗi ngày trên thế giới, đang có hàng nghìn người bệnh bị tổn thương do các sự cố có thể phòng ngừa được hoặc bị đặt vào tình trạng có nguy cơ tổn thương trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 người bệnh thì có một người bị tổn thương khi tiếp nhận dịch vụ khám, chữa bệnh, trong đó có 50% số nguyên nhân là phòng tránh được. Cứ 10 người bệnh thì có tới bốn người bị tổn hại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị ngoại trú. Hơn một triệu người bệnh chết do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành một trong mười nguyên nhân gây chết và tổn thương hàng đầu trên thế giới. Sự cố y khoa và hành nghề y khoa không an toàn gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh và tốn kém hàng tỷ USD mỗi năm; chiếm 14,3% chi phí tại bệnh viện để điều trị hậu quả các sự cố. Nhiễm khuẩn bệnh viện ảnh hưởng tới 10% số người bệnh nhập viện; chẩn đoán chậm và không chính xác là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây hại cho người bệnh và ảnh hưởng tới hàng triệu người bệnh. Ðáng chú ý, theo số liệu thông kê, có 134 triệu sự cố y khoa xảy ra tại bệnh viện ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Ðây cũng chính là nguyên nhân gây ra 2,6 triệu ca chết mỗi năm tại các quốc gia này.

PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bệnh viện là nơi các sự cố có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, từ bất kỳ dịch vụ khám, chữa bệnh nào. Có thể khẳng định rằng, ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình chẩn đoán, chăm sóc điều trị đều có các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Hơn nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý. Vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp là ngoài tầm kiểm soát. Khi sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, nhất là đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố không mong muốn, làm ảnh hưởng sức khỏe, bị khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, thậm chí chết. Trước tình trạng nêu trên, tại Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Y tế toàn cầu năm 2016 (tại Vương quốc Anh) đã khởi xướng mục tiêu an toàn người bệnh. Vấn đề an toàn người bệnh đã được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu, đã đệ trình và thông qua Ðại hội đồng Y tế thế giới vào tháng 5-2017, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) và đã chính thức lấy ngày 17- 9 hằng năm là “Ngày An toàn người bệnh thế giới”. Việc phát động Ngày An toàn người bệnh thế giới nhằm nâng cao nhận thức về an toàn người bệnh, với mục tiêu không gây nguy hại cho người bệnh, đồng thời tạo môi trường cởi mở và “không đổ lỗi” để xây dựng văn hóa an toàn người bệnh.

Tại Việt Nam, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn người bệnh luôn được Bộ Y tế xác định là vấn đề quan trọng và tập trung chỉ đạo quyết liệt, như: Bộ Y tế đã tham mưu cho Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (năm 2009). Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định các điều kiện bảo đảm an toàn về chuyên môn, kỹ thuật trong khám, chữa bệnh; quy định về áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám, chữa bệnh; quy định về sai sót chuyên môn, kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm công tác khám, chữa bệnh. Bộ Y tế xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến các vấn đề, như: thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám, chữa bệnh; thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế... Ðồng thời, thường xuyên chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước về việc thực hiện sáu mục tiêu toàn cầu về an toàn người bệnh: Xác định chính xác người bệnh; bảo đảm giao tiếp hiệu quả; bảo đảm an toàn sử dụng thuốc; bảo đảm phẫu thuật; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; giảm nguy cơ và hậu quả do ngã.

Ðể bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhất là hạn chế các sự cố y khoa, sự cố nhiễm khuẩn bệnh viện, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa tại các khoa lâm sàng và toàn bệnh viện, bao gồm báo cáo bắt buộc và tự nguyện; xây dựng quy trình đánh giá sai sót chuyên môn, sự cố y khoa để xác định nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống và nguyên nhân chủ quan của nhân viên y tế; xử lý sai sót chuyên môn, sự cố y khoa và có các hành động khắc phục đối với nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống và nguyên nhân chủ quan để hạn chế sai sót và phòng ngừa rủi ro kịp thời; bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người bệnh, khách tham quan, nhân viên y tế, nhất là tránh tai nạn, rủi ro, phơi nhiễm nghề nghiệp… Ðó cũng là những hành động thiết thực hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất năm 2019, với thông điệp “Hãy nói ra vì sự an toàn của người bệnh”.