Bảo đảm an toàn cho BN 91 khi vận chuyển bệnh nhân về nước

NDO -

NDĐT - Bệnh nhân 91 cần bảo đảm an toàn trên ba phương diện: tiếp tục điều trị, phục hồi chức năng; bảo đảm vận chuyển an toàn và liên hệ các cơ sở y tế để tiếp nhận bệnh nhân an toàn và điều trị tốt nhất cho người bệnh mới có thể về nước trong thời gian tới đây.

Các chuyên gia đầu ngành tại buổi hội chẩn quốc gia về BN91.
Các chuyên gia đầu ngành tại buổi hội chẩn quốc gia về BN91.

Chiều ngày 22-6, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị Covid-19, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị; PGS, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm đồng chủ trì cùng các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã hội chẩn quốc gia về tình hình bệnh nhân 91. Buổi hội chẩn còn có các chuyên gia đầu ngành trong Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch thuộc lĩnh vực phổi, hô hấp, truyền nhiễm…

BN 91 cần 2-3 tuần mới phục hồi để an toàn khi di chuyển

Tại buổi hội chẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy đã báo cáo tình hình BN 91, hiện sức khỏe bệnh nhân tri giác tỉnh hoàn toàn; sức cơ hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ hai chân; phổi cải thiện trên 85%, đã ngưng ô-xy, thở khí phòng. Ngày hôm nay, bệnh nhân đã tự ăn uống trên giường bệnh.

Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, chăm sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng. Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng để đảo có thể đi lại an toàn khi di chuyển.

Phát biểu tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân; thực hiện và tăng cường phục hồi chức năng phù hợp; test đi bộ sáu phút, đánh giá mức độ đi lại, phục hồi cho người bệnh. Do bệnh nhân nằm viện lâu ngày, các chuyên gia cũng đề nghị bệnh viện chăm sóc tinh thần cho người bệnh; giảm lo âu và lo lắng cho bệnh nhân; thực hiện các liệu pháp tâm lý, âm nhạc… đối với người bệnh.

GS, TS Nguyễn Gia Bình Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam chia sẻ, trải qua 96 ngày, rất nhiều lần chúng ta hết hy vọng về bệnh nhân nhưng bằng trí tuệ tập thể, đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ điều trị trực tiếp của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy. “Thành công đến thời điểm này không chỉ cứu sống bệnh nhân mà đó còn là thể hiện tính nhân văn của chúng ta trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân người nước ngoài”, GS Nguyễn Gia Bình nói.

Bảo đảm an toàn cho BN 91 khi vận chuyển bệnh nhân về nước ảnh 1

Các chuyên gia đưa ra các phương án an toàn khi vận chuyển bệnh nhân về nước.

Bảo đảm an toàn cho BN91 khi về nước

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc đưa bệnh nhân này về nước chỉ thực hiện khi bảo đảm các yêu cầu an toàn đủ sức khỏe ra khỏi phòng hồi sức, an toàn trong quá trình vận chuyển và sự chuẩn bị đón tiếp/tiếp nhận bệnh nhân của bệnh viện phía quê hương bảo đảm an toàn.

“Bệnh nhân cần bảo đảm an toàn trên ba phương diện: tiếp tục điều trị, phục hồi chức năng; bảo đảm vận chuyển an toàn và liên hệ các cơ sở y tế để tiếp nhận bệnh nhân an toàn và điều trị tốt nhất cho người bệnh”, Thứ trưởng nói.

Đánh giá về tình trạng bệnh nhân 91, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hiện giờ bệnh nhân 91 có đủ điều kiện ra khỏi khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân có thể hít thở khí trời, phổi bệnh nhân có thể nở ra 85%, tình trạng cơ lực chân tay đã cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, để bảo đảm điều kiện an toàn tốt nhất cho người bệnh, Tiểu ban điều trị đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục sử dụng các biện pháp hồi sức để nâng cao hơn nữa thể trạng trạng để bệnh nhân có điều kiện luyện tập hít thở tốt hơn, bảo đảm dinh dưỡng và tăng cường điều trị vết loét tại khoa Hồ sức tích cực.

Tại buổi hội chẩn PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho biết, bản thân ông đã vào thăm, trò chuyện và động viên bệnh nhân. Nam phi công đã bày tỏ lời cảm ơn đến các y, bác sĩ Việt Nam đã tận tình cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, bệnh nhân 91 đã được kết hợp tất các các chuyên khoa chuyên ngành từ nội khoa, ngoại khoa, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, y học cổ truyền để giúp phục hồi nhanh nhất cho người bệnh.

Cũng tại buổi hội chẩn, PGS, TS Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy cử một đội cơ động phản ứng nhanh xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ quản lý, điều trị các bệnh nhân dương tính là công dân Việt Nam từ Kuwait trở về.

Sau 94 ngày điều trị, chi phí điều trị của bệnh nhân 91 đã được công ty bảo hiểm chi trả 3,5 tỷ đồng cho 65 ngày (18-3 đến 22-5) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Số tiền này bao gồm chi phí về thiết bị tim phổi ngoài cơ thể (ECMO), lọc máu, thở máy, thuốc chống đông máu, kháng sinh, thuốc kháng nấm... Từ 22-5 đến nay, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và chưa xác định được chi phí.

Đây là bệnh nhân có thời gian nằm viện dài nhất Việt Nam và là ca bệnh nguy kịch nhất khi bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho nam bệnh nhân này. Bệnh nhân phải sử dụng ECMO từ ngày 6-4 và nhiều dịch vụ khác như lọc máu liên tục, thở máy...