Bác sĩ có thể sớm khám, chữa bệnh tại nhà cho người bệnh

NDO -

“Trong tương lai không xa, khi chuyên nghiệp hóa hơn việc khám, chữa bệnh từ xa, Việt Nam có thể triển khai việc khám, chữa bệnh và theo dõi bệnh nhân tại nhà như thế giới”, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định.

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ về triển vọng y tế từ xa trong tim mạch.
PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ về triển vọng y tế từ xa trong tim mạch.

Chiều 16-10, trong khuôn khổ Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 đã diễn ra Hội thảo Triển vọng y tế từ xa trong tim mạch.

Tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ về vai trò của nền tảng số đối với lĩnh vực tim mạch trong việc triển khai ứng dụng Telemedicine, Telehealth, Tele-ICU…

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa đã phát triển từ Telemedicine sang Telehealth (tư vấn trực tuyến đa bệnh viện), tiến tới triển khai phòng khám bệnh từ xa và cuối cùng khám bệnh tại nhà người bệnh. 

Theo PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, trong tim mạch có bốn hướng ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chẩn đoán bệnh lý. Đầu tiên, về tầm soát và sàng lọc, nhờ CNTT, các bác sĩ sẽ nắm bắt được thông tin về tỷ lệ mắc bệnh, mô hình bệnh tật. 

Thí dụ, năm 2018, Bệnh viện Đại học Y từng triển khai khám sàng lọc cho ba nghìn trẻ em tại An Giang về bệnh tim. Sau khi sàng lọc, bằng các trang thiết bị tai nghe, điện tâm đồ, siêu âm có phát sóng wifi... các bác sĩ tại Hà Nội đã có kho dữ liệu khổng lồ với 2.910 cháu bé được loại trừ, 106 cháu nghi ngờ, năm cháu khẳng định ngay mắc bệnh tim bằng công cụ tại chỗ. “Nhờ hệ thống này, chúng tôi đã phát hiện tỷ lệ mắc tim bẩm sinh một cách chính xác nhất, khoảng 0,5%”, BS Hiếu nói. 

Về việc ứng dụng CNTT trong điều trị, hiện nay Việt Nam đi đầu trong phẫu thuật 3D, có thể dựng hình 3D nội soi để mổ thay van tim vá lỗ thổng không mở xương ức. Tuy nhiên, trong việc can thiệp từ xa, hiện Việt Nam chưa ứng dụng được. “Tôi đang tìm hiểu hướng đi này có thể can thiệp đặt stent bằng robot, độ chính xác cao hơn con người”, BS Hiếu cho hay. 

Đặc biệt, nhờ hội chẩn từ xa đa bệnh viện sẽ giúp nâng cao vai trò của bệnh viện vệ tinh, người dân tin tưởng hơn có bác sĩ tuyến Trung ương hỗ trợ. Đây là phương pháp để đào tạo hướng dẫn cho bác sĩ trẻ mới ra trường, bác sĩ vùng sâu, vùng xa. 

“Vướng mắc duy nhất hiện nay là các bác sĩ ở tuyến trên không cùng ký đơn thuốc được. Khi sửa Luật Khám, chữa bệnh, trong giai đoạn gần, bác sĩ sẽ dùng chữ ký điện tử để ký khi khám hội chẩn từ xa và từ đó có thể khám, chữa bệnh tại nhà cho người dân”, BS Lân Hiếu nói. 

Nhờ kho dữ liệu khổng lồ, việc ứng dụng CNTT sẽ giúp theo dõi bệnh nhân sau điều trị, tổng kết đánh giá tác dụng điều trị, tác dụng phụ, tránh tác dụng không mong muốn trong sự phối hợp các phương pháp điều trị, phối hợp các loại thuốc với nhau. 

Đặc biệt, chúng ta sẽ có thể tối ưu hóa phương pháp điều trị dựa trên dữ liệu. Hiện nay với công nghệ thông tin sẽ có cách thu thập công nghệ, dự đoán chính xác nhất, đưa ra phác đồ điều trị chính xác nhất. Lúc đó, chỉ cần điều dưỡng, kỹ thuật viên cũng có thể thực hiện kỹ thuật khám bệnh, siêu âm, nghe tim.. và bác sĩ có thể chẩn đoán từ xa.

Với phương pháp tiếp cận này, hiện nay Tổng Công ty Công nghiệp - Công nghệ cao Viettel cũng đã phát triển nền tảng chăm sóc sức khỏe từ xa Ourhealth. Nền tảng này được phát triển với mục đích kết nối trực tuyến bác sĩ, bệnh nhân và người thân để chia sẻ tình trạng sức khỏe hoặc tự động gửi cảnh báo khi có những dấu hiệu bất thường. 

Bác sĩ có thể sớm khám, chữa bệnh tại nhà cho người bệnh -0
Nền tảng OurHealth đã và đang được triển khai thử nghiệm tại Bệnh viện E Hà Nội, Bệnh viện 198 - Bộ Công an, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.

Nền tảng cũng xây dựng một diễn đàn mở giữa người bệnh, bác sĩ và các chuyên gia đầu ngành nhằm xây dựng nên một cộng đồng chia sẻ kiến thức y tế. Ourhealth còn tích hợp kết nối 24/7 tới đường dây nóng của bệnh viện, dẫn đường đến bệnh viện cấp cứu đột quỵ gần nhất.

Tại buổi hội thảo, đại diện Công ty Viettel cho biết, nền tảng Ourhealth sử dụng Big data (Phân tích dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo) nhằm phân tích toàn bộ thông tin bệnh án, quá trình tư vấn, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt của bệnh nhân … nhằm ra đưa cảnh báo sớm về các chỉ số sức khỏe bất thường của người bệnh; các dấu hiệu cần cấp cứu, đồng thời giúp bác sĩ tư vấn chính xác và hiệu quả nhất. Ngay khi ra mắt, Ourhealth đã nhận được sự tham gia của bệnh nhân, các bác sĩ thuộc các chuyên khoa Nội tim mạch toàn quốc.

Đến tháng 10-2020, Ourhealth đã và đang được triển khai thử nghiệm tại Bệnh viện E Hà Nội, Bệnh viện 198 - Bộ Công An, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.

Trong thời gian tới, Ourhealth sẽ tiếp tục triển khai mở rộng tại các bệnh viện trên toàn quốc.

Trong giai đoạn đầu, Ourhealth tập trung hỗ trợ cho các bệnh liên quan đến tim mạch. Đến quý 1-2021, Ourhealth sẽ mở rộng nền tảng cho các bệnh lý khác như tiểu đường, suy thận, bệnh nhi khoa… và đến cuối năm 2021 cơ bản hoàn thiện hệ sinh thái y tế như bảo hiểm, nhà thuốc. 

Hệ thống này do người Việt xây dựng lấy người dân và cán bộ y tế làm trung tâm, cho phép các bác sĩ tuyến dưới tiếp nhận công nghệ nhanh hơn; có khả năng kết nối với nhiều hệ thống phần mềm y tế khác nhau đồng thời được "may đo" theo đúng quy trình khám, chữa bệnh và phác đồ điều trị của Bộ Y tế.