AstraZeneca đồng hành cùng Việt Nam kiểm soát hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

NDO -

NDĐT - Ngày 18-10, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Việt Nam và AstraZeneca chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Chương trình “Vì Lá phổi khỏe tại Việt Nam 2017-2020” trước sự chứng kiến của GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Y tế và Phó Chủ tịch AstraZeneca phụ trách Khu vực Châu Á- ông Joris Silon.

AstraZeneca đồng hành cùng Việt Nam kiểm soát hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT) là hai căn bệnh mạn tính về đường hô hấp gây ra những gánh nặng lớn về y tế, kinh tế và xã hội trên toàn cầu, với tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong không có dấu hiệu suy giảm mặc cho những phát triển không ngừng về điều trị.

Theo dự đoán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BPTNMT sẽ trở thành nguyên nhân tử vong thứ ba trên toàn thế giới, vượt cả tỷ lệ tử vong gây ra do HIV/AIDS và ung thư phổi vào năm 2020. Một số nghiên cứu cho thấy, mặc dù ước tính có hơn 4,2% dân số bị mắc BPTNMT nhưng đáng lo là phần lớn hiện nay vẫn chưa được chẩn đoán do thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhận thức kém từ phía người dân, cũng như giới hạn về khả năng chuyên môn của y tế cộng đồng, ngay kể cả một bộ phận nhân viên y tế.

Về bệnh hen, ước tính có hơn 300 triệu người mắc bệnh hen với hầu hết tử vong do hen tập trung ở những nước thu nhập thấp hay trung bình. Mặc dù Hen và BPTNMT gây ra những gánh nặng lớn, với tỷ lệ chẩn đoán và tỷ lệ đạt kiểm soát kém, hiện hai căn bệnh này vẫn chưa được sự quan tâm và chú ý đúng mức như là một bệnh mạn tính cần quản lý ngoại trú lâu dài.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, BPTNMT và Hen là những bệnh mạn tính không lây phổ biến trên toàn cầu. Nguyên nhân chính của BPTNMT là do phơi nhiễm với khói thuốc lá. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, bụi và khói nơi làm việc. Một số trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn do mắc hen trong thời gian dài.

Từ năm 2015, phòng và kiểm soát Hen và BPTNMT đã được đưa vào Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm 2015-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này thể hiện sự cam kết, ưu tiên của Chính phủ, ngành y tế trong phòng, chống Hen và BPTNMT. Mục tiêu của Chiến lược là nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh, tăng tỷ lệ người bệnh được phát hiện sớm, được điều trị, tăng tỷ lệ bệnh nhân được kiểm soát hen và BPTNMT theo hướng dẫn, tăng cường năng lực của hệ thống y tế để thực hiện nhiệm vụ phòng, kiểm soát hen và BPTNMT.

Thứ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của AstraZeneca với Bộ Y tế Việt Nam trong công tác phòng, chống bệnh tật, nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh Hen và BPTNMT.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Chương trình Vì Lá phổi khỏe sẽ phối hợp với các đối tác triển khai hoạt động để xây dựng các đơn vị quản lý ngoại trú Hen và BPTNMT đạt chuẩn, cải thiện năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh Hen và BPTNMT thông qua đào tạo y khoa liên tục (CME) cho cán bộ y tế chuyên trách các đơn vị quản lý, hỗ trợ tầm soát để chẩn đoán bệnh sớm. Các đơn vị này có vai trò giúp bệnh nhân hen và BPTNMT được tiếp cận chẩn đoán sớm, điều trị ngay tại địa phương, ngăn ngừa đợt cấp cho người dân do không phải cấp cứu nhập viện, từ đó giảm gánh nặng chi phí nhập viện và tỷ lệ tử vong, góp phần giảm gánh nặng cho xã hội.

Thông qua phối hợp cùng các đối tác để tổ chức các buổi đào tạo y khoa liên tục (CME), hội nghị chuyên khoa và cung cấp các tài liệu cập nhật các thông tin y khoa, chương trình sẽ nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và quản lý cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, thành phố, quận, huyện trên cả nước nhằm quản lý tốt bệnh Hen và BPTNMT. Mục tiêu là 80% cán bộ y tế chuyên trách ở các đơn vị được thành lập sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý Hen và BPTNMT.

Chương trình “Vì Lá phổi khỏe tại Việt Nam 2017-2020” là sáng kiến đa quốc gia của AstraZeneca nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh Hen và BPTNMT tại chín quốc gia châu Á, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình này.