An toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo được đặt lên hàng đầu

NDO -

NDĐT – Đó là tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế đối với các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành sau sự cố tai biến y khoa nghiêm trọng tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

An toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo được đặt lên hàng đầu

Ngày 2-6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi toàn ngành y tế về thông điệp phải đặt an toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, chạy thận nhân tạo chu kỳ (lọc máu chu kỳ) tại Việt Nam đã triển khai từ rất nhiều năm nay. Có hàng ngàn lượt người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ mỗi ngày tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tại một số bệnh viện tuyến huyện an toàn, hiệu quả.

Sau sự cố y khoa với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình làm 7 người tử vong, niện nay, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai... đang tích cực giải quyết các vấn đề chuyên môn liên quan và cùng các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân dẫn đến sự cố nghiêm trọng này.

Theo đó, để phòng tránh các sự việc tương tự, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị trực tiếp thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc có chạy thận nhân tạo tuân thủ đúng Hướng dẫn quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo được ban hành kèm theo Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11-9-2014; Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận ban hành kèm theo Quyết định số 1338/2004/QĐ-BYT ngày 14-4-2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đồng thời, phải tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống phản vệ, quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung liên quan khác đến chạy thận nhân tạo.

Liên quan đến sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, ngày 1-6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đã có công văn gửi Sở Y tế Hòa Bình đề nghị kết hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, khẩn trương thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét, kết luận nguyên nhân xảy ra sự cố y khoa nêu trên và đề xuất hướng khắc phục để sớm đưa đơn nguyên thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Theo đó, Hội đồng chuyên môn do Lãnh đạo Sở Y tế làm Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên Hội đồng có các chuyên gia liên quan đến quy trình chạy thận nhân tạo như máy thận nhân tạo, quy trình vận hành, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, điện, nước... của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội... và các lĩnh vực liên quan khác do Sở Y tế mời hoặc chỉ định tham gia.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu Sở Y tế Hòa Bình động viên cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện đa khoa tỉnh ổn định tâm lý, yên tâm trong công tác khám, chữa bệnh để phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương.

Đồng thời, Sở phải báo cáo và cập nhật báo cáo hàng ngày gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh về các nội dung liên quan đến tình hình điều trị, điều phối, vận chuyển người bệnh chạy máy lọc thận chu kỳ của tỉnh Hòa Bình chuyển về Hà Nội điều trị, việc khắc phục sự cố nêu trên của Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Đến nay, sau 5 ngày xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng trong lĩnh vực chạy thận nhân tạo khiến 7 người tử vong, sức khỏe của 10 bệnh nhân nhẹ hơn, được chuyển xuống Hà Nội đang dần bình phục sức khỏe. Bệnh nhân nặng nhất còn lại trong số 18 người bị sốc phản vệ là chị Nguyễn Thị Bích Nguyên (45 tuổi), vẫn đang nằm ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và được chăm sóc y tế đặc biệt. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân vẫn nặng, men gan cao, phổi vẫn còn tổn thương nhưng đã có những hy vọng. Các thầy thuốc đang nỗ lực để điều trị cho tình trạng của bệnh nhân tốt lên để có thể chuyển về Bệnh viện Bạch Mai để có điều kiện điều trị, chăm sóc tốt nhất.