80% số người tăng huyết áp chưa được điều trị

NDO -

NDĐT - Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc, trong 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Có tới 70% số người có nguy cơ tim mạch hiện không được tư vấn, quản lý dự phòng.

80% số người tăng huyết áp chưa được điều trị

Sáng nay, 25-3, Cục Y tế dự phòng tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm dự phòng và quản lý tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Đặt trọng tâm là hoạt động dự phòng và quản lý bệnh tim mạch tại tuyến y tế cơ sở, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch của Việt Nam và thế giới đã cùng chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị áp dụng những giải pháp phù hợp với Việt Nam.

Tại hội thảo, TS Trương Đình Bắc cho biết, ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong năm người trưởng thành thì có một người mắc. Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim làm cho hàng trăm ngàn người bị tử vong, liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm. Ứớc tính năm 2012, cứ 10 ca tử vong thì có 7 ca do bệnh không lây nhiễm và trong đó có 3 ca tử vong do tăng huyết áp. Năm 2014, tử vong do tăng huyết áp ở Việt Nam khoảng 8.848 người (chiếm 1,88% tổng số tử vong)

Con số này ở trên thế giới, theo báo cáo của WHO vào năm 2012 là khoảng 17,5 triệu ca tử vong do bệnh lý tim mạch, chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Con số này cao hơn nhiều lần so với tử vong do các bệnh truyền nhiễm khác cộng lại.

Bác sĩ Dương Ngọc Long (Viện Tim mạch Việt Nam) cho biết, trong một khảo sát mới nhất tại 1.179 xã, phát hiện số bệnh nhân tăng huyết áp là 365.182/2.203.893 người khám sàng lọc. Trong đó, số người mới phát hiện là 49,8%. Đây là con số đáng báo động về thực trạng thiếu nhận thức về tăng huyết áp và hành vi thích hợp trong chăm sóc; hệ thống y tế tại các trạm y tế chưa đủ nhân viên hoặc trang thiết bị chẩn đoán và điều trị cũng như chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về tăng huyeetse áp để theo dõi bệnh nhân theo thời gian, hoặc để hỗ trợ tuân thủ và duy trì điều trị.

Việt Nam đang bắt đầu tăng cường triển khai các dịch vụ dự phòng, quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường và các các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế xã và tại cộng đồng. Vì thế, việc áp dụng các gói can thiệp bệnh tim mạch cho tuyến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu được WHO khuyến cáo như WHO-PEN, gói HEART rất quan trọng.

Hiện nay, dự án Cộng đồng vì trái tim khỏe với mục tiêu kiểm soát huyết áp của 2 triệu người dân (khoảng 700.000 người trên 40 tuổi) ở Việt Nam thông qua tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chất lượng cao có tính khả thi, bền vững và có thể nhân rộng đang được triển khai ở bốn quận tại TP Hồ Chí Minh từ 2016-2018.

Dự án đã giúp thêm 141,840 người tiếp cận với thông điệp về tăng huyết áp, cụ thể: 14,617 người trên 40 tuổi được sàng lọc tăng huyết áp; 6.995 (47,6%) người huyết áp cao được gửi đi chẩn đoán xác định và 5.032 (72,4%) người nhận chẩn đoán và 3.463 (69,1%người bị tăng huyết áp) đang điều trị. Dự án đã thiết lập mạng lưới phát hiện và quản lý tăng huyết áp dựa vào cộng đồng với 55 cán bộ y tế được đào tạo và cung cấp dịch vụ; 106 cộng tác viên được đào tạo và đang hoạt động; 144 điểm đo huyết áp đã được đào tạo và đang hoạt động. Bên cạnh đó, thông tin cơ bản của những người bệnh này đã được nhập vào phần mềm theo dõi quản lý tăng huyết áp. Và với cấu phần mHealth đang thử nghiệm, đã có tin nhắn SMS thúc đẩy sự tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống tích cực với những người tham gia chương trình.

Tại hội thảo, bà Helen McGuire, Giám đốc chương trình PATH đã chia sẻ những kinh nghiệm từ việc triển khai Sáng kiến toàn cầu về quản lý bệnh lý tim mạch (Global Hearts Initiative). Theo đó, các công cụ của HEART được chủ trương lồng ghép vào hệ thống y tế và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, lấy người bệnh làm trung tâm hơn là các can thiệp mang tính chương trình dọc. Do đó, bà Helen McGuire khuyến cáo, đã đến lúc cần phải chuyển đổi sang mở rộng công tác quản lý bệnh tim mạch tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đồng quan điểm này, bác sĩ Dương Ngọc Long (Viện Tim mạch Việt Nam) cho rằng, Việt Nam cần chú trọng hoạt động sàng lọc và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp tại trên các xã/phường. Tăng cường hỗ trợ cho tuyến xã nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ để thực hiện các hoạt động đồng bộ; truyền thông giáo dục sức khỏe phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm.