7,7% số cặp vợ chồng ở Việt Nam bị hiếm muộn

NDO -

NDĐT - Đó là thông tin được các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản đưa ra sáng 7-9, tại hội thảo tư vấn nằm trong chiến dịch “Tháng nâng cao nhận thức về hiếm muộn 2014” do công ty Merck Serono và Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội phối hợp tổ chức.

7,7% số cặp vợ chồng ở Việt Nam bị hiếm muộn

Hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết về khả năng sinh sản của những cặp vợ chồng dưới 40 tuổi; hướng dẫn các cặp vợ chồng thực hiện đúng trình tự các bước để nỗ lực có con của họ có kết quả.

Theo nghiên cứu dịch tễ do Bộ Y tế thực hiện, tại Việt Nam có 7,7% số cặp vợ chồng bị hiếm muộn. Từ nghiên cứu này, ước tính Việt Nam có hơn một triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn cần khám và điều trị. BS Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội) cho biết, các nguyên nhân dẫn đến hiến muộn do: nam giới (40%), phụ nữ (40%) và chưa rõ nguyên nhân (20%).

Tuy vậy, vẫn còn nhiều cặp vợ chồng chưa biết các yếu tố nguy cơ và các sự thật về khả năng sinh sản. Nhiều cặp vợ chồng vẫn còn trì hoãn việc điều trị do không biết rằng tuổi tác là một yếu tố chính quyết định cơ hội thành công của họ. Bên cạnh đó, nhiều người gặp khó khăn trong việc thuyết phục người bạn đời cùng đi gặp bác sĩ nên việc sinh con càng gặp bế tắc. Chưa kể, các cặp vợ chồng chưa có thói quen khám sức khỏe tiền hôn nhân để tầm soát hiếm muộn, vô sinh.

Nỗ lực có con có thể hết sức gian truân nhưng hiện nay hành trình này không còn khó khăn nhiều như trước nữa. Những cải tiến vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã biến ước mơ có con của nhiều cặp vợ chồng thành hiện thực. Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia đi đầu trong một số kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở khu vực Đông - Nam Á. Do đó, lời khuyên của các bác sĩ dành cho các cặp vợ chồng dưới 35 tuổi và đang cố gắng có con trong ít nhất một năm, hoặc hơn 35 tuổi và đã cố gắng có con trong 6 tháng là nên sớm nhận ra tình trạng của mình và có phương pháp điều trị thích hợp.

Theo nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới (WHO), các cặp vợ chồng trong độ tuổi 35 tuổi và đang cố gắng có con trong ít nhất một năm, hoặc trên 35 tuổi và đã cố gắng có con trong 6 tháng thì rất có thể, họ đã gặp vấn đề về hiếm muộn. Tâm lý chung của những người gặp phải vấn đề này thường là buồn chán, cảm thấy mất mát, sốc, tức giận, lo lắng, xấu hổ và dễ bị tổn thương. Những biến động về tâm lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bản thân và gia đình. Nó có thể khiến họ rơi vào tình trạng đau đầu, khó chịu, mất ngủ thường xuyên và không có khả năng tập trung vào bất cứ việc gì, làm tăng căng thẳng trong hôn nhân.

Thông thường, quá trình nỗ lực có con có thể rất khó khăn và nhiều căng thẳng khi mà tất cả những việc họ làm dường như đều không có kết quả. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, các cặp vợ chồng nếu chẳng may rơi vào trường hợp này thì nên biết rằng, mình không hề đơn độc. Hơn nữa, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì khả năng khắc phục là rất cao.

Các biện pháp phòng tránh vô sinh - hiếm muộn
Phụ nữ: Chế độ dinh dưỡng phù hợp, chống béo phì, suy dinh dưỡng... Dẫn đến rối loạn chuyển hóa; Khám định kỳ và điều trị kịp thời viêm nhiễm đường sinh dục; Quan hệ tình dục lành mạnh; Lưu ý có thai trong lứa tuổi sinh đẻ.

Nam giới: Chế độ dinh dưỡng phù hợp tránh các bệnh béo phì, rối loạn chuyển hóa...; Không hoặc hạn chế dùng các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá; Quan hệ tình dục lành mạnh, chống viêm nhiễm đường sinh dục.