25 người nhập cảnh mắc Covid-19, được cách ly ngay

Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 15-4 Việt Nam ghi nhận 25 người mắc Covid-19 tại tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa, Bến Tre, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Ðà Nẵng và Bắc Ninh (người bệnh từ thứ 2.734 đến 2.758).

Ðây là các ca bệnh nhập cảnh, được cách ly ngay. Hiện các người bệnh được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa; Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Bến Tre; Bệnh viện dã chiến Củ Chi; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2; Trung tâm Y tế huyện An Phú; Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 38.743 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 517 người, số còn lại cách ly tập trung tại cơ sở khác, cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tiếp tục thực hiện các chỉ đạo về công tác giám sát, cách ly, xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19; lãnh đạo các địa phương tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn… UBND các tỉnh, thành phố phối hợp các Bộ Quốc phòng, Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an phối hợp chính quyền địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ, xuất nhập cảnh qua biên giới. Khẩn trương triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo số lượng đã phân bổ và kế hoạch sử dụng vắc-xin tại địa phương bảo đảm đúng tiến độ, xong trước ngày 15-5…

Ngày 15-4, UBND thành phố Ðà Nẵng ban hành văn bản về việc tiếp nhận, cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với công dân Việt Nam nhập cảnh vào TP Ðà Nẵng. Theo đó, để bảo đảm công tác phối hợp, hỗ trợ giải quyết việc tiếp nhận công dân Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam thông qua Sân bay quốc tế Ðà Nẵng và thực hiện cách ly tự trả phí tại các khách sạn trên địa bàn được công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện, khả năng tự ứng phó, xử lý dịch Covid-19, UBND thành phố yêu cầu từ ngày 14-4 đến hết ngày 31-5, chỉ thực hiện công tác tiếp nhận, cách ly y tế công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh vào Ðà Nẵng do các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay có phương án cách ly y tế người nhập cảnh đã được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt… Sau ngày 31-5, xem xét nếu có ý kiến tiếp nhận mỗi tuần nhiều nhất hai chuyến bay đưa công dân nhập cảnh, cách ly y tế tại khách sạn do các doanh nghiệp tổ chức, bảo đảm đúng quy trình, quy định...

Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang tổ chức tập huấn hướng dẫn tiếp nhận sử dụng, bảo quản vắc-xin Covid-19 và theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng cho các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Trước đó, tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận 4.500 liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Từ ngày 19- 4, sẽ triển khai tiêm phòng tại TP Tuyên Quang và đầu tháng 5 sẽ triển khai tiêm phòng tại các huyện.

Ngày 15-4, UBND tỉnh An Giang họp khẩn liên quan đến hai ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh trái phép từ Cam-pu-chia vào Việt Nam, đó là hai vợ chồng ông, bà D.D.Q. và T.T.B. ngụ ở huyện An Phú (An Giang). Ngày 13-4, cả hai nhập cảnh trái phép qua Ðồn cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú thì bị tổ công tác phát hiện, đưa đi cách ly, mấy mẫu xét nghiệm. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm ông Q. và bà B. nhiễm Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cho cán bộ, chiến sĩ; trong đó, khi tiếp xúc với người nhập cảnh phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, khử khuẩn, đồng thời ngành y tế phải thực hiện xét nghiệm nhanh cho lực lượng này để bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ; đối với hàng hóa nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch về vận chuyển hàng hóa; thực hiện nghiêm việc đóng cửa các cửa khẩu, không thông quan hàng hóa sau 18 giờ hằng ngày. UBND tỉnh yêu cầu Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì cùng Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh xây dựng lực lượng dự phòng sẵn sàng thay thế cho lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch…

Ngày 15-4, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra thông tin báo chí cho biết: trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá hiện nay về hiệu quả, tính an toàn của vắc-xin phòng Covid-19, WHO khuyến cáo tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch Covid-19. Các nước cần đẩy mạnh tiêm vắc-xin để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng Covid-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bùng phát. Ðể nhanh chóng ngăn dịch lây lan, độ bao phủ hiệu quả của vắc-xin phòng Covid-19 phải đạt tới 75% dân số thế giới, bảo đảm tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất.

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành các kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19, các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về tổ chức buổi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin, hướng dẫn tiêm an toàn, hướng dẫn giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng và triển khai tập huấn cho toàn hệ thống. Sau hơn một tháng, đã tiêm chủng vắc-xin cho hàng chục nghìn người là các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố, bảo đảm an toàn tối đa. Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến. Ðến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi
tiêm chủng.

Do các loại vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay được nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng trong tình huống khẩn cấp, phục vụ cấp bách cho phòng, chống dịch cho nên khi triển khai tiêm chủng đại trà trên nhiều nhóm đối tượng, địa bàn rộng lớn có thể xuất hiện nhiều trường hợp có phản ứng thông thường, thậm chí sẽ có một số rất ít trường hợp xuất hiện phản ứng quá mẫn nặng hoặc nghiêm trọng. Mặt khác, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cũng như các loại vắc-xin khác và thuốc đều có thể gây ra các phản ứng sau tiêm ở các mức độ khác nhau. Do vậy, Bộ Y tế, WHO, UNICEF sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên xác thực và cung cấp đầy đủ các thông tin khoa học, chính xác về hiệu quả, tính an toàn của vắc-xin phòng Covid-19, sự liên quan giữa vắc-xin và những phản ứng nặng sau tiêm chủng; cung cấp các khuyến cáo đến người dân và cộng đồng; thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm người dân Việt Nam được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 an toàn, góp phần vào thành công của cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

PV

Sau 35 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng, 21 ngày không có ca mắc mới Covid-19, ngày 15-4, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND các cấp về việc triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Các cấp, ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống dịch Covid-19; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là vì dịch bệnh có thể xuất hiện trở lại ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời điểm nào; chủ động ứng phó với dịch trong mọi tình huống với phương châm "4 tại chỗ". Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền toàn dân thực hiện nghiêm túc "thông điệp 5K" của Bộ Y tế; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường và ở nơi công cộng; tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19…