GS, TS Nguyễn Gia Bình:

“Dồn tổng lực điều trị cho bệnh nhân 91, được hoặc thua chỉ trong một tuần”

“Dồn tổng lực điều trị cho bệnh nhân 91, được hoặc thua chỉ trong một tuần”
GS, TS Nguyễn Gia Bình: “Dồn tổng lực điều trị cho bệnh nhân 91, được hoặc thua chỉ trong một tuần” -0

Tuần đầu tiên chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, nam phi công người Anh nguy kịch, suy sụp đa phủ tạng, chỉ còn chưa đầy 10% cơ hội sống. Trong cuộc hội chẩn khẩn cấp quốc gia, các thành viên trong Hội đồng phải đưa ra quyết định cân não “Phải tổng lực điều trị cho BN 91, được hoặc thua chỉ trong tuần này!”.

Là chuyên gia đầu ngành về hồi sức tích cực, tham gia vào quá trình đưa ra những quyết định cân não trước ca “thập tử nhất sinh” chưa từng gặp trong y văn thế giới như bệnh nhân 91, GS-TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ hội chẩn các bệnh nhân Covid-19 nặng, Tiểu Ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có những trải lòng khiêm tốn. 

Trong cuộc trò chuyện, ông luôn nói: “Hãy ghi nhận nỗ lực cứu chữa thành công  của những đồng nghiệp tuyến đầu, đang ngày đêm không quản ngại khó khăn, vất vả và nguy hiểm để giành giật sự sống cho người bệnh, còn  chúng tôi chỉ là những người đứng đằng sau”. Phải thuyết phục rất lâu, ông mới kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về cuộc chiến mà ông nói rằng, có thể dựng thành phim “Giải cứu bệnh nhân người Anh”.GS, TS Nguyễn Gia Bình: “Dồn tổng lực điều trị cho bệnh nhân 91, được hoặc thua chỉ trong một tuần” -0

Phóng viên: Hơn 100 ngày bệnh nhân 91 đã được điều trị bằng tổng lực của Việt Nam để có được sự hồi sinh như ngày hôm nay. Ông và các đồng nghiệp của mình, đã vượt qua cuộc chiến này như thế nào?
GS, TS Nguyễn Gia Bình: Bệnh nhân 91 có nhiều diễn biến bất thường, từ ban đầu thở máy không xâm nhập, không nặng lắm bỗng đột nhiên trở nặng phải thở bằng máy. Sau khi điều chỉnh tối ưu các thông số trên máy thở, diễn biến xấu rất nhanh, khả năng trao đổi khí của phổi tồi đi, lượng ô-xy trong máu ở  mức nguy hiểm không thể cầm cự được nữa, phải chuyển sang  kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường khẩn cấp. Chúng tôi đặt các ống thông lớn vào mạch máu, hút máu ra với lưu lượng lớn trộn với ô-xy qua màng trao đổi sau đó bơm trả lại vào mạch máu người bệnh (ECMO). 
Quả lọc cho bệnh nhân EMCO thông thường dùng được nửa tháng, nhưng với bệnh nhân 91, chỉ bốn ngày đã phải thay tới ba quả do tình trạng đông máu trong màng lọc. Các thuốc chống đông ở Việt Nam không có tác dụng với bệnh nhân. Một mặt bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cầm cự bằng  thuốc hiện có, điều chỉnh liều làm sao vừa tránh đông máu trong màng lọc vừa hạn chế nguy cơ chảy máu để tránh nguy cơ tử vong. Mặt khác, Bộ Y tế khẩn cấp cho mua thuốc chống đông mới từ nước ngoài về để kịp thời điều trị cho bệnh nhân. 
Quotes_01-1593680054961.jpg

 Nguy cơ đông màng lọc được giải quyết thì hệ thống miễn dịch của cơ thể ông này gần như bị tê liệt nên rất dễ bị tấn công bởi các nguyên nhân khác như vi khuẩn, nấm… dẫn đến suy sụp đa phủ tạng (phổi, tim, thận, gan, não, rối loạn đông máu…). Bệnh viện xác định bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn trực khuẩn mủ xanh đa kháng thuốc và tràn khí màng phổi bên phải, kèm theo nấm. Chúng tôi phải dùng các loại kháng sinh mới chống vi khuẩn và chống nấm mới nhập về nhưng bệnh nhân tiến triển rất chậm. Nguy cơ  tử vong lên tới 80 - 90%. 

Hội đồng quyết định thay đổi các thuốc chống vi khuẩn, chống nấm, điều chỉnh các máy hỗ trợ chức năng sống như thế nào cho phù hợp thể trạng người bệnh.  

Sau đợt nhiễm trùng đầu tiên qua đi, phổi có cải thiện chút ít thì bệnh nhân lại bị nhiễm vi khuẩn khác. Các thuốc điều trị có kết quả trên phòng thí nghiệm, nhưng khi dùng, cơ thể ông này bị dị ứng, vì vậy bệnh diễn biến dai dẳng. 
Có thời điểm, phổi bệnh nhân tồi đi, chỉ còn 10% hoạt động. Theo quy luật diễn biến thông thường, nếu sau gần hai tháng mà không thoát ra được thì nguy cơ xơ phổi và suy thận lâu dài. Phương án ghép phổi và thận cho bệnh nhân đã được tính đến. Chúng tôi một mặt tích cực tìm phương án điều trị mới, mặt khác công tác chuẩn bị ghép cũng được tiến hành khẩn trương. Trong đó chuẩn bị cho việc khi bệnh nhân hết virus Covid-19 thì chuyển sang BV Chợ rẫy để ghép phổi và thận.
Chúng tôi không ai dám trả lời chắc chắn có chữa được hay không, chỉ cố ngày nào qua ngày ấy. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng hiểu khó khăn ngày càng nhiều. 
  Quotes_02-1593680053816.jpg
Khi đánh giá lại tình trạng người bệnh thời điểm đó, bệnh nhân không còn sức chống đỡ với các loại vi khuẩn, nấm cùng lúc. Tổ hội chẩn đã phải phối hợp nhiều loại vũ khí đánh vào vi khuẩn, kể cả loại thuốc mới chưa có ở Việt Nam, phải chấp nhận rủi ro của việc sử dụng liều cao. Lúc đó, chúng tôi không còn đường lùi. Kết hợp với việc chăm sóc toàn diện khác, sau vài hôm tình trạng nhiễm khuẩn và suy đa tạng được kiểm soát và hội phục nhanh chóng đến mức bất ngờ. 
Phóng viên: Trước một loại virus mới lạ và một kho thông tin khổng lồ từ thế giới, nhiều thông tin chưa được khoa học kiểm chứng, làm sao chọn được phác đồ điều trị chuẩn để có những quyết định đột phá cho người bệnh?
GS, TS Nguyễn Gia Bình: Không có hướng dẫn cụ thể nào trên thế giới. Trong khi chưa có thuốc chữa, chúng tôi quyết định lấy các “vũ khí” cũ như thuốc chống sốt rét, thuốc điều trị HIV… để điều trị cho bệnh nhân nặng, giống như mình cầm súng bắn nhưng không biết bắn đi đâu. Về lý thuyết, chúng tôi cố gắng đưa người bệnh vào các tuyến điều trị và cố gắng cầm cự trong hai tuần để người bệnh tự sinh kháng thể là thứ vũ khí hiệu quả chống lại virus. Trong hai tuần đó sẽ có nhiều biến chứng xảy ra, người nhẹ thì sốt, ho, nhưng nặng có thể dẫn tới diễn biến khó thở, phải thở ô-xy, ECMO…. 
Vào thời điểm thế giới còn đang hoảng loạn vì Covid-19, chưa bao giờ các tạp chí y khoa trên thế giới công bố các bài báo về về Covid-19 lại được cung cấp miễn phí. Điều này khác hoàn toàn trước đây phải mua vài chục đô la cho mỗi bài báo. 
Trong hai tháng có khoảng mấy chục nghìn bài báo nghiên cứu Covid-19, có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng. Chúng tôi phải chọn lọc tài liệu để tìm ra thông tin khoa học nhất. Đồng thời, chúng tôi phải chọn cách làm việc “teamwork”, thành lập tổ hội chẩn các bệnh nhân nặng để tập trung trí tuệ của nhiều chuyên khoa hợp lại tìm ra phương án tối ưu và khả thi nhất. 
Mỗi ca nặng, chúng tôi cùng nhau bàn, nhận diện từng góc độ bệnh học của các chuyên khoa, vừa làm vừa theo dõi thế giới bên ngoài. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm thực tế bệnh nhân của mình. Qua mỗi ngày, những hiểu biết của mình về bệnh nhiều dần lên, cách xử trí cũng thay đổi phù hợp với diễn biến của bệnh. 
Phóng viên: Một ca bệnh đặc biệt, chưa từng có trong y văn thế giới hẳn cũng đã làm cho đội ngũ điều trị có nhiều cuộc tranh luận gay gắt?
GS, TS Nguyễn Gia Bình: Mọi thảo luận được đặt lên bàn hội chẩn. Họp trực tuyến nóng bỏng từng phút. Đã có những cuộc tranh luận kịch liệt. Tuy nhiên, việc cân nhắc giữa lợi và hại cho người bệnh là ưu tiên.
Chúng tôi tranh luận đưa đến thống nhất dựa trên các tiêu chí, phải có lý, khả thi và phải phù hợp diễn biến của bệnh. Biện pháp lựa chọn điều trị phải ít ra không có hại cho người bệnh. 
Tôi nhớ, ở thời điểm bệnh nhân gặp vi khuẩn đa kháng trong cơ thể cả một tháng trời, mặc dù kết quả nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cho kết quả tốt. Thuốc kháng sinh đó điều trị được, nhưng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân 91 không hiệu quả. Vi khuẩn vẫn còn ở trong phổi người bệnh suốt cả tháng. 
Chúng tôi quyết định phải đổi đơn thuốc mới, liều  cao, phối hợp 3-4 loại thuốc, chấp nhận rủi ro. Mặt khác đây là bệnh cấp tính và bệnh nhân mới 43 tuổi, chúng tôi hy vọng anh ấy có khả năng hồi phục. Việc quyết định điều trị tổng lực được đặt ra, hoặc được hoặc thua chỉ trong tuần này (thời điểm bệnh nhân chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy - PV).
Quotes_031-1593681345724.jpg
Phóng viên: Chúng ta có áp lực như thế nào trước những ca bệnh là người nước ngoài? Lý do nào để chúng ta phải dồn tổng lực điều trị cho bệnh nhân 91?
GS, TS Nguyễn Gia Bình: Bệnh do virus SARS-CoV-2 hoàn toàn mới. Trước đây mình lờ mờ nhận dạng về dịch Covid-19 từng góc như những mảnh ghép thì đến nay, chúng tôi mới nhận dạng đầy đủ hơn, hiểu tương đối rõ về bệnh dịch. Điều trị cho người nước  ngoài hay người Việt Nam thì chúng tôi đều coi như nhau  Có nhiều kinh nghiệm được rút ra  trong điều trị thành công cho bệnh nhân 91 này. 
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao phải dồn tổng lực điều trị cho bệnh nhân 91. Thực tế, chúng ta làm thì mới hiểu rõ được về virus SARS-CoV-2 nguy hiểm này. Từ đó, sẽ có kiến thức, có kinh nghiệm hơn trong điều trị. Đồng thời, chúng ta cũng cập nhật lại các phác đồ chẩn đoán, điều trị cho từng tình huống, từng người bệnh để chẳng may khi xảy ra dịch lớn hơn với số người bị nặng nhiều hơn, ta đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó để cứu chữa kịp thời. 
Trong những lúc khó khăn này, Việt Nam lại đoàn kết hơn. Hình ảnh  nhiều người dân không quen biết với người bệnh sẵn sàng xin tự nguyện hiến một phần phổi của mình cho bệnh nhân làm cho bạn bè quốc tế xúc động. Họ hiểu rõ hơn về  người dân Việt Nam còn nghèo về tiền bạc nhưng giàu về nhân ái, Việt Nam là một địa chỉ an toàn và thân thiện.
GS, TS Nguyễn Gia Bình: “Dồn tổng lực điều trị cho bệnh nhân 91, được hoặc thua chỉ trong một tuần” -0

Phóng viên: Các bác sĩ ở tuyến đầu của chúng ta đã bước vào cuộc chiến Covid-19 với một tâm thế thật vững vàng. Ông chia sẻ gì về điều này?

GS, TS Nguyễn Gia Bình: Đội ngũ cán bộ y tế của chúng ta còn ít so với thế giới, điều kiện còn hạn chế. Các nước châu Âu, Pháp, Ý có 120-150 máy thở trên một triệu dân nhưng những nước này đều vỡ trận: không đủ giường bệnh, không đủ máy thở cũng như trang thiết bị khác, không đủ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong khá cao 15-20% (tùy từng vùng). 

Nước Đức được đánh giá có cở sở y tế tốt nhất châu Âu (300 máy thở/một triệu dân) nên họ đáp ứng rất tốt không giống như các nước chung quanh. Trong khi, tại Hà Nội có khoảng 8 triệu dân mà chỉ có 300 máy thở. Các khoa hồi sức tại các bệnh viện hàng ngày đã quá tải, nếu xảy ra đại dịch như thế giới thì thật khủng khiếp. 

Ở thế giới, người lạc quan nhất cũng nghĩ Việt Nam chung đường biên giới nhiều nhất với Trung Quốc, không thể chặn được dịch. Nhưng thực tế, chúng ta đã kiểm soát được, thành công trong ngăn chặn, khống chế dịch. Việt Nam chỉ có hai bác sĩ bị lây nhiễm trong quá trình điều trị bệnh và cũng bị nhiễm ở thể rất nhẹ. 

Để điều trị cho bệnh nhân 91, lúc nào cũng có 20 cán bộ y tế gồm tám bác sĩ và 12 điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân trong phòng cách ly đặc biệt. Chưa kể đội ngũ hỗ trợ phía ngoài có đến hàng trăm người tham gia. 

Quotes_041-1593681346401.jpg

Mặc dù đội ngũ y tế của chúng ta ít, nhưng với tình thương yêu người bệnh vốn có của mình, với quyết tâm đã làm mọi thứ hết khả năng, kết hợp với học hỏi kinh nghiệm điều trị từ nước ngoài và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, chúng ta đã có được kết quả rất đáng khích lệ như ngày hôm nay. 

Đến nay, đội ngũ cán bộ y tế vẫn sẵn sàng cập nhật kiến thức y tế, kỹ năng, nâng cao trình độ để làm sao sẵn sàng đối phó với dịch bệnh tốt nhất.

Phóng viên: Chúng ta từng nói đến chuyện, nếu dịch bùng phát, số mắc gia tăng thì Việt Nam cũng sẽ “vỡ trận”. Tuyến điều trị nhẹ nhàng hơn, phần nhiều có phải do dự phòng chúng ta làm tốt?

GS, TS Nguyễn Gia Bình: Tôi vẫn nói với mọi người, thành công của Việt Nam là công tác dự phòng chúng ta làm rất hiệu quả. Ngay từ đầu với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Chính phủ, các hệ thống chính quyền địa phương, chúng ta đã huy động tổng lực các lực lượng biên phòng, công an, chính quyền các địa phương kiểm soát tại các cửa khẩu, biên giới để ngăn chặn nguồn lây. Cả xã hội đều vào cuộc để cùng ngăn chặn, cô lập, khoanh vùng, dập dịch và sau đó mới đến công tác điều trị. 

Hiện nay Brazil và cả Mỹ vẫn đang hỗn loạn vì phản đối cách ly do lo sợ thất thu thuế. Nhưng chúng ta chấp nhận giảm lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và của người dân để bảo đảm an toàn cho người dân. 

Quotes_051-1593681345856.jpg

Người dân Việt Nam rất đồng tình và tuân thủ với các quyết định của Chính phủ. Người dân Việt Nam cũng rất sáng tạo, khi khó khăn luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau. 

Phóng viên: Nỗi lo về Covid-19 vẫn thường trực khi thế giới còn chưa tới đỉnh dịch. Ông nói, chúng ta đã nhận diện rõ hơn về con virus này, vậy chúng ta có thể tự tin để đối phó với Covid-19?

GS, TS Nguyễn Gia Bình: Covid-19 có lây lan trong thời kỳ ủ bệnh, thời điểm người mang virus chưa có triệu chứng lâm sàng. Đột biến của gen của virus này rất nguy hiểm. Một người bệnh có thể lây tới chín người. Không giống như cảm cúm đơn thuần, virus này không chỉ gây ra bệnh về hô hấp mà nó còn tấn công vào hệ thống mạch máu nên có thể gây ra tai biến mạch não, tắc mạch phổi, loạn nhịp tim tắc mạch chi, mạch ruột, suy thận, suy gan… 

Đến bây giờ, thế giới vẫn tiếp tục tranh luận những hiểu biết về bệnh học Covid-19. Sau bốn tháng nỗ lực nghiên cứu, hình ảnh bệnh học SARS-CoV-2 đã rõ dần và chúng ta đã có cách để đối phó với nó. 

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không được lơ là chủ quan vì nguy cơ tái phát bệnh dịch có thể xảy ra. Những chủng virus sau khi biến đổi sang chủng mới, mức độ nguy hiểm cao hơn, mức độ lây lan mạnh hơn. 

Phóng viên: Bài học thành công của Việt Nam đã được tổng kết rất nhiều. Nhưng với ông, một người phải đưa ra nhiều quyết định trước những bệnh nhân Covid-19 nặng, ông thấy đâu là thành công của mô hình làm việc “teamwork” trước ca bệnh nhân Covid-19 nặng?

GS, TS Nguyễn Gia Bình: Đó là làm việc tập thể, phát huy dân chủ, sáng tạo, tôn trọng mọi ý kiến khác nhau kể cả trái chiều. Sau thảo luận, tranh luận, chúng tôi thống nhất lại làm gì, cân nhắc lợi ích của người bệnh là trên hết, dù kể cả trên y văn thế giới chưa có. 
Trong cuộc chiến này, đã có rất nhiều người tham gia vào công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh 91. Mỗi người ở lĩnh vực của mình đều cho một chút ý kiến xác đáng để đóng góp cho thành công ngày hôm nay .

Xin cảm ơn GS, TS Nguyễn Gia Bình!

“Dồn tổng lực điều trị cho bệnh nhân 91, được hoặc thua chỉ trong một tuần” ảnh 9

Ngày xuất bản: 03-07-2020

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - VIỆT ANH

Nội dung: THIÊN LAM

Đồ họa, kỹ thuật: PHAN ANH - ĐĂNG PHI- NGỌC ANH