Yên Bái chú trọng bồi dưỡng trình độ cán bộ các cấp

Quảng Ngãi quan tâm hỗ trợ khởi nghiệp

Thực hành nghề điện công nghiệp tại Trường cao đẳng kỹ nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: NAM THIỆN
Thực hành nghề điện công nghiệp tại Trường cao đẳng kỹ nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: NAM THIỆN

Xác định đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chuẩn về chính trị, vững về chuyên môn là nhân tố then chốt bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều giải pháp, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Tỉnh định hướng, khuyến khích CBCCVC tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm đáp ứng được tiêu chuẩn, vị trí việc làm; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao từ nguồn ngân sách nhà nước. 

Giai đoạn 2012-2020, tỉnh cử đi đào tạo nâng cao trình độ cho 7.691 người; bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch công chức cho hơn bốn nghìn người; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, vị trí việc làm cho gần 60 nghìn lượt CBCCVC; tất cả đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021 được bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND. Năm 2018 - 2019, tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Tỉnh cử 150 CBCCVC đối tượng của Đề án tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh, doanh nghiệp trong nước; cử 60 cán bộ trẻ tham gia khóa tập huấn, học tập kỹ năng quản lý, lãnh đạo tại nước ngoài với mục tiêu xây dựng nguồn cán bộ kế cận bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, trình độ chuyên môn và lý luận của CBCCVC của tỉnh ngày càng được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ CBCCVC khối hành chính, sự nghiệp của tỉnh có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm 73,6%, trong đó tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 6%. Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có sự tiến bộ vượt bậc, đã có gần 97% đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ...

* Vấn đề khởi nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế cho đoàn viên, hội viên, thanh niên, phụ nữ trong giai đoạn hiện nay đã và đang được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi quan tâm giải quyết. Thời gian qua, trên cơ sở điều tra, khảo sát và đối thoại của lãnh đạo tỉnh, nhiều vấn đề của người lao động trong quá trình khởi nghiệp được các cấp, ngành của tỉnh ghi nhận, có biện pháp tháo gỡ. Tỉnh chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội coi trọng việc liên kết, hỗ trợ lẫn nhau khi khởi nghiệp, cùng nhau thành lập các mô hình, hợp tác xã mới để hoạt động hiệu quả hơn. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp các ngành, đơn vị liên quan vận động hỗ trợ tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm và tạo việc làm cho hội viên.

Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm như: Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; xây dựng sản phẩm OCOP... Quảng Ngãi chỉ đạo các ngành chức năng tăng nguồn vốn ủy thác giai đoạn 2021 - 2025 để thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn, giải quyết việc làm; đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, không ngừng nhân rộng những mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã đạt giải để thu hút thêm nhiều người tham gia…