Yên Bái cảnh giác với lũ quét, sạt lở đất

Một điểm sạt lở đất.
Một điểm sạt lở đất.

Năm 2005 trên địa bàn đã xảy ra ba trận lũ quét làm 65 người thiệt mạng; trong đó chỉ trong chín ngày từ 18 đến 27-9 cơn bão số 7 và 8 đã gây hai trận lũ quét trên diện rộng ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ làm chết và mất tích 58 người (còn sáu người chưa tìm thấy xác), bị thương 12 người, thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 300 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã chủ động lập kế hoạch, tổ chức diễn tập phòng, chống lũ, bão, có phương án quyết liệt di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.

Chúng tôi trở lại xã Cát Thịnh (Văn Chấn), nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất của trận lũ quét năm trước, với hơn 30 người thiệt mạng, nỗi đau mất mát về người và tài sản đã nguôi ngoai, sự sống mới dần hồi sinh. Ðược chứng kiến các phương án phòng, chống lụt bão (PCLB) của xã đã được huyện Văn Chấn phê duyệt, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban PCLB tỉnh thăm và kiểm tra nơi ăn ở của từng hộ dân đã được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, kiểm tra việc dự trữ lương thực. Ông nêu một tình huống bất ngờ để cán bộ xã xử lý: hiện tại bản Làng Lao, Táng Khờ cách trung tâm xã hơn 25 km bị lũ quét cần chi viện gấp. Ngay lập tức, các đội dân quân tại chỗ được báo động tập trung; các xe mô-tô được huy động; cơ số thuốc cấp cứu và lương thực bảo đảm được xuất khỏi kho; dưới sự chỉ huy của Phó Chủ tịch UBND xã cơ động nhanh theo đường mòn để tới nơi theo dự kiến.

Ngoài việc luyện tập theo phương án "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), đến đầu tháng 6-2007 các huyện phía tây của tỉnh đã bảo đảm dầu đốt, muối ăn đủ cơ số trong 20 ngày.

Công ty xăng dầu Yên Bái đã dự trữ đủ xăng và yêu cầu không được bán nguồn dự trữ trong ba ngày đầu có sự cố ách tắc giao thông. Ngành giao thông chuẩn bị 500 rọ thép, 1.000 m3 đá hộc cùng hai dàn cầu thép sẵn sàng cơ động bảo đảm giao thông trong mùa mưa bão.

Do đặc thù phân bố dân cư, các dân tộc thiểu số trong tỉnh thường sống tập trung từng bản, làng với quy mô nhỏ tại các thung lũng hoặc ven sông suối. Việc cư trú như vậy tuy thuận lợi cho canh tác, nhưng khi mùa mưa đến có thể xảy ra lũ quét bất ngờ, gây thiệt hại về người và tài sản. Mặt khác, những năm qua, việc phát nương làm rẫy, khai thác gỗ rừng, xây dựng các công trình giao thông miền núi... đã làm giảm diện tích che phủ của rừng, tạo các ta-luy dốc, cản trở dòng chảy là căn nguyên của thời gian gần đây thường có lũ quét xảy ra. Ðể hạn chế tình trạng trên, ngoài việc lồng ghép các chương trình dự án như: 134, 135, xóa đói, giảm nghèo, trồng rừng phòng hộ đi đôi với phát triển diện tích rừng kinh tế, phấn đấu đưa độ che phủ rừng của tỉnh đạt 54%. Nhằm cảnh báo sớm lũ quét, tỉnh đưa vào sử dụng 280 thiết bị đo mưa đơn giản ở chín huyện, đưa 10 mốc cảnh báo lũ trên các suối Thia, suối Nặm Tăng, ngòi Nhì, ngòi Lao.

Ông Hà Ngoan ở xã Thạch Lương (Văn Chấn) nơi giáp suối Thia đưa chúng tôi xem cốc thủy tinh đo mưa đơn giản, tay gõ cóc cóc vào chiếc trống cái đặt ngay đầu hồi nhà, rồi nói như giảng giải: "Cán bộ bảo khi nào mưa lâu mà cốc nước nó đầy đến vạch đỏ (khoảng 200 mm) thì phải đánh trống báo động cho bà con trong bản nơi gần suối sơ tán ngay. Tránh như năm trước có người trong bản tiếc cái máy bơm hút cát để ở gần suối chạy ra cứu, bị cái nước lũ nó ập đến cuốn đi, may mà bám vào ngọn tre chờ gần ba giờ nước rút mới thoát chết đấy".

Sạt lở đất, sạt ta-luy đường là nỗi lo thường ngày của một bộ phận người dân sống trong thành phố Yên Bái. Do sức ép về dân số, cứ đường giao thông mở đến đâu là có nhà dân làm nhà ở ven đường chỗ đó, hiện có khoảng 70% số hộ dân toàn tỉnh đang sinh sống ở các sườn núi, chân đồi núi, ven các ta-luy đường. Nhiều hộ dân làm nhà ở sát dưới mái ta-luy có độ chênh cao đến 40 m, cứ mỗi độ mưa lớn lại chạy sơ tán đi ngủ nhờ, không là chuyện lạ ở nơi này.

Năm 2005, riêng ở thành phố có bốn người thiệt mạng trong cùng một nhà; năm 2006 có bốn người thiệt mạng trong hai nhà đều bị vùi trong đất do sạt ta-luy.

Ðể phòng tránh, tỉnh Yên Bái đã chi hơn hai tỷ đồng hỗ trợ di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, khơi thoát các cống ngầm chống úng ngập làm hỏng mái ta-luy gây sạt lở đất, bố trí lực lượng thường trực PCLB để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Trong tháng 4-2007, Ủy ban PCLB tỉnh đã tổ chức diễn tập quy mô cấp tỉnh, các phương án đã được thao diễn và đạt được những kết quả tốt, trong đó chú trọng việc cấp cứu người bị nạn, di dời dân khỏi nơi ngập lụt, huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Trong 16 năm (1990-2005) tại khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc đã xảy ra 28 trận lũ quét, làm chết và mất tích 988 người, bị thương 698 người; đổ trôi 13.280 căn nhà; 114.849 ngôi nhà bị ngập; gần 180.000 ha lúa và hoa màu bị ngập và hư hỏng nặng... Những con số này cảnh báo thiên nhiên luôn chứa đựng những hiểm họa những yếu tố bất thường đối với mỗi gia đình trong vùng. Yên Bái đã và đang chủ động phòng, chống bão, lũ, chống sạt lở đất, tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần ổn định đời sống đồng bào các dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.