Xử lý tình trạng sạt lở bờ sông và bờ biển

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển theo Quyết định số 957/QÐ-TTg ngày 6-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền trung.

Ngày 11-8, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo kiểm tra, bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN và PTNT chỉ đạo kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi, nhất là đối với các hồ đập xung yếu trong khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất tại Mộc Châu, Sơn La vừa qua theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 995/CÐ-TTg ngày 27-7-2020 và số 999/CÐ-TTg ngày 28-7-2020; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi theo chức năng quản lý nhà nước được giao...

★ UBND tỉnh Ðắk Nông vừa phê duyệt hai dự án chống sạt lở ven sông Krông Nô (đoạn chảy qua huyện Krông Nô) với tổng kinh phí gần 62 tỷ đồng. Dự án thứ nhất là đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ dân cư và vùng trọng điểm sản xuất lương thực dọc sông Krông Nô với kinh phí 40 tỷ đồng và Dự án kè chống sạt lở sông Krông Nô, đoạn qua xã Ðắk Nang, với tổng kinh phí gần 22 tỷ đồng. Dự án sẽ hạn chế sạt lở, bảo vệ an toàn cho các hộ dân hai bên bờ sông, cũng như đường quản lý công trình hồ Ðắk Nang (xã Ðắk Nang).

★ UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hoàn thiện dự án đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu với tổng vốn đầu tư 1.268 tỷ đồng. Toàn tuyến đê bao dài 24 km gồm cả đường và 13 cống đi qua các huyện: Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình và Trà Ôn. Công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ và vốn ngân sách địa phương, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2025…

★ Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, dọc các tuyến sông trên địa bàn thành phố hiện có 365 điếm canh đê, trong đó có tới 41 điếm cần phải tu sửa để bảo đảm công tác PCTT. Ðể tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đê điều, thành phố đã đầu tư, xây dựng 17 trụ sở Hạt Quản lý đê tại các địa phương ven sông nhưng vẫn còn sáu Hạt Quản lý đê cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

★ Bình Ðịnh có ba cảng để tàu cá của ngư dân vào neo đậu trú bão là cảng cá Tam Quan, cảng cá Ðề Gi và cảng cá Quy Nhơn ở TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, cảng cá Tam Quan và Ðề Gi thường xuyên bị bồi lấp, nên vào mùa mưa bão, hầu như toàn bộ tàu cá hơn 6.300 chiếc của ngư dân Bình Ðịnh đều tập trung về cảng cá Quy Nhơn để neo đậu. Do diện tích mặt nước của cảng cá Quy Nhơn hiện nay chật hẹp nên tàu cá neo đậu tránh trú bão tại đây thường xuyên bị va đập hư hỏng khiến ngư dân bị tổn thất.

★ Theo Cục Bảo vệ thực vật, do thời tiết phức tạp, nên sâu bệnh đang có nguy cơ lây lan trên cây lúa. Ở các tỉnh Bắc Bộ, rầy nâu, rầy lưng trắng: Tiếp tục phát triển và gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa mùa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đòng trỗ. Sâu cuốn lá nhỏ phát triển và gây hại tăng, hại diện hẹp lúa mùa chính vụ - muộn, mức độ hại chủ yếu từ nhẹ - trung bình, hại nặng cục bộ trên các trà lúa muộn tại các tỉnh ven biển. Tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn,... tiếp tục phát sinh và gây hại tăng trên lúa hè thu giai đoạn đòng trỗ - chắc xanh, mức độ hại phổ biến từ nhẹ - trung bình, hại nặng cục bộ trên lúa hè thu chính vụ - muộn tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) ngày 11-8 có Công văn số 2997 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân năm 2020. Theo đó, đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ các diễn biến thiên tai để kịp thời hướng dẫn người dân phòng ngừa. Chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng và chuẩn bị phương án cứu trợ thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ" phù hợp điều kiện của địa phương; huy động nguồn lực tại chỗ cứu trợ kịp thời hỗ trợ dân sinh, ổn định đời sống trước, trong và sau thiên tai; hướng dẫn nhân dân chủ động gia cố nhà cửa, dự phòng lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các vật dụng thiết yếu khác khi mùa mưa bão đến…

PV