Xử lý nghiêm những sai phạm tại Trường THCS Trần Văn Ơn

NDO -

NDĐT - Ngày 25-10, NDĐT đăng bài “Cần làm rõ những sai phạm tại Trường THCS Trần Văn Ơn ở Đắk Lắk”, phản ánh về việc một số giáo viên của Trường THCS Trần Văn Ơn, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk gửi đơn kiến nghị, tố cáo đến Văn phòng thường trú Báo Nhân Dân tại Đắk Lắk và các ngành chức năng của huyện Krông Pắk về những sai phạm xảy ra thời gian dài tại trường này nhưng chậm phát hiện, xử lý, gây bức xúc trong cán bộ, giáo viên nhà trường.

Trường THCS Trần Văn Ơn, nơi xảy ra các sai phạm.
Trường THCS Trần Văn Ơn, nơi xảy ra các sai phạm.

Sau khi bài báo được đăng tải, UBND huyện Krông Pắk đã có Báo cáo số 445/BC-UBND do Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk Ngô Thị Minh Trinh ký, phản hồi thông tin liên quan đến bài báo. Báo cáo cho rằng, trong năm nội dung bài báo phản ánh thì có ba nội dung phản ánh không đúng, hai nội dung là đúng. Tuy nhiên, theo những tài liệu mà chúng tôi thu thập được thì những vấn đề bài báo phản ánh là có cơ sở và qua báo cáo phản hồi này, dư luận đặt câu hỏi liệu UBND huyện Krông Pắk có bao che về những sai phạm tại Trường THCS Trần Văn Ơn hay không?

UBND huyện Krông Pắk có bao che sai phạm?

Vấn đề thứ nhất mà UBND huyện Krông Pắk cho rằng bài báo phản ánh không đúng là... “những nội dung tố cáo về các sai phạm xảy ra tại Trường THCS Trần Văn Ơn là có cơ sở, thậm chí có nội dung sai phạm nghiêm trọng nhưng không được cơ quan chức năng của huyện phát hiện xử lý”. Theo UBND huyện, sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND huyện về xử lý đơn tố cáo, ngày 23-9-2019 Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện đã giao cho bộ phận chuyên môn tham mưu ban hành Quyết định số 755/QĐ-PGDĐT ngày 1-10-2019 của Phòng GD-ĐT huyện về việc quyết định thành lập đoàn xác minh theo đơn tố cáo của giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn, đến ngày 4-10-2019, đoàn kiểm tra công bố quyết định kiểm tra và làm việc với các cá nhân liên quan đến nội dung tố cáo, thời hạn giải quyết đơn tố cáo trong 30 ngày làm việc. Do đó, kể từ ngày công bố quyết định vào ngày 4-10-2019 đến thời điểm Báo Nhân Dân đăng là ngày 25-10-2019 trong thời hạn giải quyết đơn thư...

Về vấn đề này, UBND huyện Krông Pắk trả lời không đúng nội dung bài báo phản ánh là những sai phạm xảy ra tại Trường THCS Trần Văn Ơn diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí có nội dung sai phạm nghiêm trọng nhưng không được cơ quan chức năng của huyện Krông Pắk phát hiện, xử lý mà chỉ đến khi các giáo viên có đơn thư khiếu nại, tố cáo thì Phòng GD-ĐT huyện mới về kiểm tra. Đồng thời, tại kết luận nội dung tố cáo của Phòng GD-ĐT huyện cũng khẳng định “... để sai sót kéo dài, dẫn đến khiếu nại tố cáo làm mất uy tín cá nhân, tập thể nhà trường”. Rõ ràng, những sai phạm tại Trường THCS Trần Văn Ơn đã kéo dài nhiều năm qua.

Vấn đề thứ hai UBND huyện Krông Pắk cho rằng bài báo phản ánh chưa chính xác, một chiều, đó là ... “theo tố cáo của các giáo viên từ năm học 2009-2010 đến năm học 2018-2019, hằng năm là bà Nguyễn Thị Dung đều tự ý mua bảo hiểm thân thể (bảo hiểm tự nguyện) cho giáo viên mà không thông báo với giáo viên nên giáo viên không biết trong chừng ấy năm”. Theo phản hồi của UBND huyện Krông Pắk thì hằng năm vào đầu năm học (tháng 9 hằng năm), nhà trường đều có thông báo lên bản tin về việc tham gia bảo hiểm thân thể và đều thống nhất trừ qua lương; các bảng lương tháng 9 qua các năm từ năm 2009 đến năm 2018 các giáo viên đều ký nhận và biết rõ việc trừ lương để tham gia bảo hiểm tự nguyện...”.

Về vấn đề mua bảo hiểm thân thể (bảo hiểm tự nguyện) trong bài báo phản ánh rất rõ ý kiến của các giáo viên gửi đơn tố cáo và các thông tin mà người viết thu thập được. Ở đây cần nói thêm rằng, việc mua bảo hiểm thân thể (bảo hiểm tự nguyện) phải được giáo viên đồng ý, không phải chỉ cần có thông báo lên bản tin về việc tham gia bảo hiểm thân thể là có thể trừ lương giáo viên để đóng cho Công ty bảo hiểm.

Trong buổi làm việc với phóng viên, cô giáo Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Trần Văn Ơn cũng đã thừa nhận: “Việc nhà trường mua bảo hiểm thân thể tự nguyện cho giáo viên là có nhưng những năm trước đây, do thầy Lê Xuân Hải làm Hiệu trưởng. Kể từ khi tôi được giao Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường từ tháng 7-2019 đến nay, nghe các giáo viên phản ánh, tôi đã chỉ đạo không làm việc này nữa”.

Về việc, UBND huyện Krông Pắk cho rằng bài báo phản ánh việc bà Nguyễn Thị Dung, kế toán Trường THCS Trần Văn Ơn tự ký hợp đồng tham gia bảo hiểm thân thể cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường với Công ty bảo hiểm là không đúng, do Công ty bảo hiểm được chấp thuận, lỗi không phải của bà Dung. Về vấn đề này, theo điều tra của phóng viên, từ năm học 2009-2010 đến năm học 2018-2019, Trường THCS Trần Văn Ơn mua bảo hiểm thân thể tự nguyện cho giáo viên tại hai đơn vị bảo hiểm là Công ty Bảo Việt Đắk Lắk và Bảo Minh Đắk Lắk. Trong đó, từ năm 2009 đến năm 2016, Trường THCS Trần Văn Ơn ký hợp đồng bảo hiểm con người tại Công ty Bảo Việt Đắk Lắk. Làm việc với phóng viên, Công ty Bảo Việt Đắk Lắk cung cấp hợp đồng trong hai năm 2015 và 2016. Theo Hợp đồng bảo hiểm con người giữa Công ty Bảo Việt Đắk Lắk và Trường THCS Trần Văn Ơn, từ tháng 9-2015 đến tháng 9-2016, toàn trường có 62 cán bộ, giáo viên, nhân viên mua bảo hiểm với mức 155.000 đồng/người, tổng số phí bảo hiểm nhà trường đóng cho Công ty Bảo Việt Đắk Lắk là 9.610.000 đồng. Năm 2016, Trường THCS Trần Văn Ơn tiếp tục ký hợp đồng bảo hiểm con người tại Công ty Bảo Việt Đắk Lắk, thời gian từ tháng 9-2016 đến tháng 9-2017, với tổng số 64 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia bảo hiểm thân thể với mức đóng 155.000 đồng/người, tổng số phí bảo hiểm nhà trường đóng cho Công ty Bảo Việt Đắk Lắk là 9.920.000 đồng. Tuy nhiên, tại hai hợp đồng này, đại diện phía Trường THCS Trần Văn Ơn không phải là lãnh đạo nhà trường mà là bà Nguyễn Thị Dung, kế toán nhà trường chỉ ký tên chứ không đóng dấu của nhà trường. Trả lời câu hỏi của chúng tôi hai hợp đồng này có đúng quy định của pháp luật hay không, đại diện lãnh đạo Công ty Bảo Việt Đắk Lắk không trả lời được vì hợp đồng không có dấu của Trường THCS Trần Văn Ơn. Nếu hợp đồng không đúng quy định, không phải người có trách nhiệm của nhà trường ký hợp đồng, khi giáo viên mua bảo hiểm xảy ra sự việc gì về phía Công ty bảo hiểm từ chối thanh toán thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Và thiệt thòi chắc chắn sẽ thuộc về người mua bảo hiểm.

Xử lý nghiêm những sai phạm tại Trường THCS Trần Văn Ơn ảnh 1

Các giáo viên tố cáo những sai phạm của lãnh đạo và kế toán Trường THCS Trần Văn Ơn không đồng tình với kết luận giải quyết của Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk.

Cần xử lý nghiêm

Theo kết luận của Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk về những nội dung tố cáo đối với lãnh đạo và kế toán Trường THCS Trần Văn Ơn thì nhà trường đã để xảy ra một số sai phạm.

Với những sai phạm trên, Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk căn cứ Khoản 1, Điều Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 của Chính phủ đề nghị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi để xảy ra việc sửa chữa học bạ, sổ điểm, phiếu điểm hoặc các tài liệu có liên quan đến việc đánh giá kết quả học tập của người khác; kiến nghị UBND huyện Krông Pắk xử phạt hành chính đối với ông Lê Xuân Hải, nguyên Hiệu trường Trường THCS Trần Văn Ơn; bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó hiệu trưởng phụ trách trường và ông Nguyễn Văn Bai, Phó Hiệu trưởng trường với số tiền số tiền từ 6-12 triệu đồng do vi phạm về việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường khi chưa có giấy phép của Phòng GD-ĐT. Ngoài ra, Phòng GD-ĐT huyện còn yêu cầu các lãnh đạo và nhân viên nhà trường để xảy ra các sai phạm nêu trên phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, cần phải xử lý nghiêm những cán bộ, nhân viên để xảy ra những sai phạm tại Trường THCS Trần Văn Ơn, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, nhất là việc lãnh đạo nhà trường đã thống nhất đồng ý để giáo viên chỉnh sửa điểm, xé trang học bạ, giả chữ ký của giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm, nhằm ổn định tư tưởng của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở ngôi trường này.

* Cần làm rõ những sai phạm tại Trường THCS Trần Văn Ơn ở Đác Lắc