Xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn

Bài 2 : Khắc phục khó khăn, giành kết quả vững chắc hơn
 
 Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thời gian qua đã đạt được những kết quả to lớn, toàn diện, tạo nên một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và được cả hệ thống chính trị vào cuộc, mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng hưởng ứng và nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, hạn chế. Để xây dựng NTM ở vùng ĐBKK đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, cần có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện từng vùng, miền; phấn đấu trong giai đoạn tới các xã ở vùng ĐBKK đạt từ 15 tiêu chí xây dựng NTM trở lên.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Pha Long (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) chuyển đổi đất trồng lúa kém năng suất sang trồng cải bắp trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: QUỐC HỒNG
Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Pha Long (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) chuyển đổi đất trồng lúa kém năng suất sang trồng cải bắp trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: QUỐC HỒNG

Còn nhiều bất cập, hạn chế
 
 Đánh giá kết quả Chương trình xây dựng NTM vùng ĐBKK giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Thanh Nam nêu rõ, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn ĐBKK giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước); trong đó, cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 4,4%. Có tám huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK và 14 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thoát khỏi tình trạng khó khăn. Có 130 xã thuộc 85 huyện nghèo và 337 thôn, bản ĐBKK được công nhận đạt chuẩn NTM. Về cơ bản đã đạt mục tiêu của chương trình là không còn xã dưới năm tiêu chí.
 
 Tuy nhiên, kết quả đạt chuẩn NTM của các địa phương vùng ĐBKK giai đoạn qua còn chênh lệch khá lớn so với vùng, miền khác của cả nước. Vùng miền núi phía bắc có 35,1% xã đạt chuẩn NTM, Tây Nguyên 45,4%, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 61%. Đến nay, vẫn còn chín tỉnh có tỷ lệ đạt chuẩn NTM dưới 30%, có 762 xã đạt dưới 10 tiêu chí, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên; 40 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a thuộc 18 tỉnh còn “trắng” xã NTM. Tiến độ và kết quả thực hiện các tiêu chí NTM ở các địa phương vùng ĐBKK đạt thấp so với bình quân chung cả nước. Hạ tầng thiết yếu mặc dù đã được quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư, nhưng kết quả còn thấp, 36% số xã chưa đạt tiêu chí giao thông, trong đó 13 xã chưa có đường ô-tô đi đến trụ sở UBND xã; 1.422 thôn, bản chưa có điện sinh hoạt... Sản xuất nông nghiệp của người dân còn hạn chế. Chương trình OCOP chưa được phổ biến tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa; du lịch cộng đồng chủ yếu mang tính tự phát và chưa thật sự bền vững… Vệ sinh và bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Đồng chí Mùa A Đại, Chủ tịch UBND xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết, hiện nay chín bản trong số 11 bản của xã chưa có điện lưới quốc gia. Nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng trong mùa khô. Ở địa bàn các xã có đường biên giới dài, nhận thức của người dân còn hạn chế, vẫn còn tình trạng phụ nữ ra nước ngoài làm thuê trái phép. Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, tại ba huyện giáp biên là Bát Xát, Mường Khương và Si Ma Cai, có gần 20 nghìn người, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số sang nước khác làm thuê, bỏ bê nhà cửa, nương vườn, con cái bỏ học giữa chừng.
 
 Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới những hạn chế nêu trên. Trước hết là do xuất phát điểm của các địa phương thuộc vùng ĐBKK rất thấp, kinh tế chậm phát triển, nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là rất lớn, nhưng nguồn lực hạn chế, khả năng đóng góp của người dân và của các tổ chức rất khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) Đồng Văn Liệt cho biết, các tuyến đường nối từ trung tâm xã đến các bản tương đối dài, địa hình phức tạp, thường xuyên bị sạt lở, các bản ở cách xa nên rất khó lồng ghép nguồn vốn. Có dự án, ước tính đầu tư tuyến đường và điện lưới quốc gia đến bản chia đều cho mỗi hộ dân là hơn 2 tỷ đồng/hộ. Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hà Giang Đỗ Tấn Sơn cho biết, các tiêu chí đạt thấp là những tiêu chí cần kinh phí đầu tư, hỗ trợ lớn từ Nhà nước. Đến nay, mới có 39% số xã của tỉnh đạt chuẩn tiêu chí về đường giao thông nông thôn; dưới 50% số xã đạt chuẩn các tiêu chí về trường học, nhà văn hóa.
 
 Về chủ quan, vẫn còn một số ít cấp ủy, chính quyền, một bộ phận người dân chưa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Ở Điện Biên, các xã Mường Mươn, Na Sang, Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) có điều kiện thuận lợi hơn về giao thông so với các huyện khác, nhưng cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, một bộ phận người dân lại thờ ơ, cho nên kết quả xây dựng NTM ở các xã này đạt thấp. Đến cuối năm 2018, Ma Thì Hồ mới đạt năm tiêu chí; Na Sang đạt tám tiêu chí và Mường Mươn đạt 15 tiêu chí. Từ năm 2019, sau khi có sự đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh, huyện, các xã này đã có sự bứt phá, đến cuối năm 2020, hai xã Mường Mươn, Na Sang đều đạt 16 tiêu chí; xã Ma Thì Hồ đạt 13 tiêu chí. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa nêu thực trạng một số ít cấp ủy, chính quyền địa phương nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại; cá biệt có đơn vị còn “không muốn” về đích NTM nhằm giữ nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
 
 Phát huy nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại
 
 Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, cấp ủy và chính quyền các tỉnh có vùng ĐBKK đều xác định triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó mấu chốt là phát huy nội lực của địa phương, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tăng cường huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; củng cố hệ thống tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM.
 
 Tỉnh Hà Giang đã có những chương trình thu hút nguồn vốn hiệu quả. Năm 2019, tỉnh Hà Giang thực hiện chương trình xóa nhà tạm cho hộ cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo ở các xã biên giới, với nguồn kinh phí để thực hiện hoàn toàn xã hội hóa thông qua việc kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước ủng hộ. Mức đầu tư cho các hộ thuộc diện xóa nhà tạm cũng cao hơn hẳn so với các chương trình đã thực hiện trước đây, mỗi hộ được nhận 60 triệu đồng và có sự góp công, góp sức của người dân trong thôn, trong xã. Hàng nghìn doanh nghiệp, cá nhân trong nước đã ủng hộ Hà Giang với số tiền hơn 230 tỷ đồng. Chỉ hơn một năm, Hà Giang đã thực hiện xóa nhà tạm cho hơn 3.500 hộ cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo ở các xã biên giới. Tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), để có nguồn lực xây dựng NTM, huyện đã vận động toàn bộ cán bộ, giáo viên, lực lượng vũ trang trên địa bàn ủng hộ hai nghìn đồng/ngày. Bình quân mỗi năm, nguồn quỹ này thu được hơn 2,5 tỷ đồng. Số tiền được huyện quản lý và phân bổ cho các địa phương có nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Do đó, đến cuối năm 2020, ngoài 43 xã đạt chuẩn NTM, thành phố Hà Giang về đích NTM, tỉnh có thêm 36 thôn ở các xã vùng ĐBKK về đích NTM.
 
 Vùng ĐBKK có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế, ít giao lưu với bên ngoài, tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, cho nên các tỉnh cần tập trung đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chủ động và tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM ở thôn bản của mình, tập trung mạnh vào các tiêu chí: tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập; xóa nhà dột nát và nâng cao điều kiện vệ sinh. Theo đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Lào Cai, trong rất nhiều hình thức vận động, tuyên truyền, Lào Cai tập trung vào tuyên truyền miệng, thông qua các buổi họp thôn, chợ phiên, tập huấn sản xuất, ngày hội đại đoàn kết toàn dân, các lễ hội truyền thống hằng năm… Ở mỗi xã ĐBKK đều thành lập Ban Tuyên vận, do đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban kiêm nhiệm. Tại thôn bản, thành lập tổ tuyên vận, “đến từng ngõ, rõ từng nhà” để tuyên truyền tại chỗ, tại hiện trường, “cầm tay chỉ việc” cho người dân. Nhờ vậy công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM ở các xã ĐBKK đạt hiệu quả cao.
 
 Để hạn chế tình trạng đồng bào vùng cao ly hương sang tỉnh khác hoặc nước ngoài làm thuê, các địa phương cần tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Thực tế tại Bắc Kạn cho thấy, nhờ Chương trình OCOP đã thu hút nhiều người trẻ, có trình độ về thành lập hợp tác xã nông, lâm nghiệp.
 
 Cần quyết tâm lớn để thực hiện mục tiêu cao hơn
 
 Chương trình xây dựng NTM của các địa phương vùng ĐBKK đề ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 là cơ bản hoàn thành các tiêu chí hạ tầng thiết yếu theo quy định (hạ tầng giao thông, điện, môi trường, nước sạch, trung tâm y tế đạt chuẩn, hạ tầng giáo dục, hạ tầng vùng nguyên liệu tập trung, hạ tầng thủy lợi liên xã, hạ tầng công nghệ thông tin); có ít nhất 200 trong số 1.815 xã ĐBKK (khoảng 11%) và khoảng 420 xã an toàn khu (100%) đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 15 tiêu chí; có ít nhất 2.109 trong số 3.513 thôn, bản, ấp (60%) thuộc các xã ĐBKK khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng vào cuộc của người dân.
 
 Tại hội nghị tổng kết xây dựng NTM vùng ĐBKK giai đoạn 2016 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM yêu cầu, việc triển khai xây dựng NTM tại các xã ĐBKK cần có cách làm sáng tạo, linh hoạt hơn, không máy móc, không rập khuôn, cần phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng miền. Trong đó phải lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Cùng với đó là phát triển nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe người dân, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng dân cư gắn với phòng, chống các tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị, giữ vững chủ quyền của quốc gia. Phó Thủ tướng yêu cầu sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là vai trò người đứng đầu. Đặc biệt, cần tập trung phấn đấu không còn huyện trắng xã NTM. Mỗi tỉnh có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và không còn xã đạt dưới năm tiêu chí xây dựng NTM. Việc xây dựng NTM tại khu vực ĐBKK phải gắn với việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối của vùng và của quốc gia. 
 
 (★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 25-2-2021.