Xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn

Trong giai đoạn 2016 - 2020, với nguồn lực hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội, sự quyết tâm của hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của người dân, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng đặc biệt khó khăn (ÐBKK) đã có nhiều khởi sắc, đạt kết quả đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tuyến đường nông thôn ở xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông) do người dân hiến đất, góp ngày công xây dựng.
Tuyến đường nông thôn ở xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông) do người dân hiến đất, góp ngày công xây dựng.

Nhưng kết quả này chưa bền vững, cần được nhìn nhận, đánh giá toàn diện để khắc phục trong thời gian tới, thúc đẩy xây dựng NTM ở vùng ÐBKK vững chắc hơn, theo kịp tiến trình của cả nước.

Bài 1: Vùng sâu, vùng xa khởi sắc

Từ những cơ chế, chính sách của Trung ương, các địa phương đã vận dụng sáng tạo và ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ và huy động các nguồn lực triển khai các công trình hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững tại các vùng ÐBKK...

Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng

Các thôn, bản, xã nằm trong diện ÐBKK thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình trắc trở, đi lại khó khăn, đầu tư giao thông tốn kém. Vì vậy, khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở vùng ÐBKK, các tỉnh đã vận dụng sáng tạo và ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ và huy động các nguồn lực triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, để từ đó phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Hà Giang là tỉnh nghèo có nhiều thôn, bản, xã nằm trong diện ÐBKK, nguồn vốn của Chương trình xây dựng NTM hằng năm của tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư. Do đó, để bảo đảm cho các xã thực hiện các tiêu chí NTM, tỉnh đã linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác, tập trung ưu tiên cho các xã, thôn nằm trong kế hoạch hằng năm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh huy động được nguồn vốn đầu tư cho chương trình NTM hơn 4.900 tỷ đồng, trong đó vốn chương trình NTM là hơn 2.350 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 510 tỷ đồng, còn lại lồng ghép các nguồn vốn đầu tư khác trên địa bàn, vốn tín dụng, vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Tỉnh đã có một số đề án, chính sách đặc thù nhằm huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM. Năm 2018, tỉnh thực hiện Ðề án "Hỗ trợ một triệu tấn xi-măng" để đầu tư hạ tầng nông thôn và xây dựng NTM theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, giai đoạn 2017 - 2020. Ðến cuối năm 2020, tổng nguồn kinh phí đã phân bổ để thực hiện đề án là gần 600 tỷ đồng, người dân hiến hơn 431 nghìn mét vuông đất và góp hàng triệu ngày công lao động. Từ đề án này, tỉnh đã thực hiện được hơn 1.780 km đường bê-tông các loại; gần 13 km kênh mương nội đồng.

Tỉnh Bắc Kạn còn thực hiện phong trào Dân vận khéo trong xây dựng NTM, phân công toàn bộ các sở, ngành của tỉnh giúp đỡ hơn 50 xã ÐBKK xây dựng NTM. Ðến cuối năm 2020, tỉnh đã có gần 1.700 mô hình dân vận khéo ở lĩnh vực này. Ở xã Nam Cường, huyện Chợ Ðồn, trước đây, con đường từ trung tâm xã đến các thôn Bản Chảy, Bản Lồm, Bản Quá, Lũng Noong chỉ dài chừng 10 km, nhưng phải đi mất khoảng hai giờ. Triển khai làm đường NTM với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", người dân đã tích cực đóng góp ngày công, nguyên vật liệu. Ðến nay, Nam Cường có hơn 14 km đường trục thôn, liên thôn, trong đó đã cứng hóa được hơn 5 km. Năm 2020, xã thực hiện bê-tông hóa bốn tuyến đường tại các thôn Bản Chảy, Bản Lồm, Bản Quá, Cọn Poỏng, giúp người dân đi lại thuận tiện.

Trước đây đường vào bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là đường đất theo lối mòn nhỏ. Khi có Chương trình xây dựng NTM, những người uy tín trong bản đã vận động người dân hiến đất, góp ngày công mở rộng hai tuyến đường chính đi vào bản và các đường trong bản. Bà con đã đóng góp toàn bộ phần tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để mua sắm vật liệu, tham gia làm các tuyến đường trong bản. Ðến nay, tất cả các tuyến đường trong bản đã được đổ bê-tông đến tận cổng các hộ dân. Ước tính chi phí để làm được hơn 9 km đường là hơn 10 tỷ đồng. Ðồng chí Sùng A Phùa, Bí thư Chi bộ bản Sin Suối Hồ cho biết, từ khi có đường bê-tông lớn, ô-tô vào được bản, các hộ dân phát triển du lịch cộng đồng, mở rộng việc trồng cây thảo quả, hoa địa lan, dệt vải thổ cẩm để bán cho khách du lịch, đưa thu nhập bình quân của các hộ dân đạt gần 200 triệu đồng/hộ/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 100% (năm 2010) xuống còn dưới 10%, đưa Sin Suối Hồ trở thành bản du lịch cộng đồng kiểu mẫu ở khu vực biên giới Tây Bắc.

Kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực

Một nội dung quan trọng khác mà các địa phương tập trung thực hiện khi triển khai Chương trình xây dựng NTM ở vùng ÐBKK là phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân. Tỉnh Lào Cai xây dựng và ban hành Ðề án thí điểm kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, gắn với xây dựng NTM các xã biên giới Việt - Trung. Theo đó, có 13 xã thuộc ba huyện Bát Xát, Si Ma Cai và Mường Khương được hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung, hỗ trợ xây dựng công trình thiết yếu nhằm nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân... Thực hiện đề án trên, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Pha Long - xã ÐBKK của huyện Mường Khương đã tập trung hướng dẫn người dân chuyển đất cấy lúa năng suất thấp sang trồng cải bắp trái vụ. Ông Phương Văn Ngần, dân tộc Nùng, ở thôn Sả Chải cho biết, gia đình ông liên kết 18 hộ khác, trong đó có 11 hộ nghèo nhất xã trồng rau trái vụ trên đất lúa khô hạn, năng suất thấp. Nhờ khí hậu ôn đới, ở trên độ cao hơn 1.600 m so với mực nước biển, chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, cải bắp trái vụ phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi héc-ta cải bắp trái vụ cho năng suất khoảng 30 tấn, giá bán là 5.000 đồng/kg, thu về khoảng 150 triệu đồng, cao gấp tám lần trồng lúa, nhờ vậy cả 19 hộ trồng rau có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, xã vận động người dân trồng cây ăn quả ôn đới như: lê, táo, mận và chăn nuôi gia súc, kết quả là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững. Từ năm 2016 đến nay, 281 hộ trên tổng số gần 700 hộ của xã đã thoát nghèo. Xã Pha Long đã đạt đủ các tiêu chí, được công nhận đạt chuẩn NTM vào ngày 12-1-2021, là một trong hai xã biên giới ÐBKK của tỉnh Lào Cai đạt chuẩn NTM.

Xã Hồng Ca của huyện Trấn Yên (Yên Bái) là xã vùng cao nghèo, có sáu trong số 13 thôn thuộc diện ÐBKK. Ông Vàng A Sò, Trưởng thôn Khe Ron cho biết: Bản có 110 hộ người H’Mông, trước nghèo lắm, đến cái nhà vệ sinh cũng không có. Nay, Nhà nước hỗ trợ theo các Chương trình 134, 135, cho nên đã khá hơn trước nhiều, có điện lưới, có đường bê-tông về bản, trẻ con được đi học. Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn đi đầu trong việc đẻ ít, làm giàu chính đáng, xây dựng nhà cửa hợp vệ sinh, mọi người trong bản đều đến học và làm theo. Người dân trong xã trồng hơn 60 ha tre măng Bát Ðộ, hàng trăm héc-ta quế đang độ thu hoạch, cộng với chè shan, măng vầu ngọt nên nhiều nhà thoát nghèo. Hiện tại, thôn có hai tổ bảo vệ rừng, các thành viên tham gia đều có thu nhập cả chục triệu đồng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ở khu vực duyên hải miền trung, tỉnh Quảng Trị có 12 xã bãi ngang ven biển thuộc diện ÐBKK. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại các xã này, tỉnh ưu tiên, tập trung xây dựng các xã đạt chuẩn làm động lực để từng bước nhân rộng, trong đó có xã Gio Việt của huyện Gio Linh. Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Ðắc Hóa cho biết, khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế của Gio Việt là liên kết khai thác và chế biến thủy, hải sản xuất khẩu. Xã đã tạo được chuỗi sản phẩm hàng hóa từ đánh bắt cá đến chế biến và xuất khẩu, cho nên người dân vừa có việc làm, vừa có thu nhập khá cao. Ðội tàu 110 chiếc đánh bắt xa bờ, trung bờ của xã đánh bắt, cung cấp nguyên liệu cho hơn 50 lò hấp sấy cá khô, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Năm 2020, xã chế biến xuất khẩu hơn 1.200 tấn cá hấp sấy khô, tương đương sáu nghìn tấn cá tươi. Sau 5 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân Gio Việt tăng từ 13 triệu đồng lên 36 triệu đồng/năm.

Ở khu vực Tây Nguyên, xã Thuận Hạnh, huyện Ðắk Song, tỉnh Ðắk Nông trước đây là xã ÐBKK, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25%. Ðịa phương đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với rau, quả, cà phê, hồ tiêu gắn với thị trường tiêu thụ… Ðến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 46 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,6%. Chủ tịch UBND xã Ðoàn Thị Tốt cho biết, kinh tế phát triển, cho nên người dân chủ động, tự giác đồng hành cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM. Các dự án phát triển hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi trên địa bàn không phải đền bù giải phóng mặt bằng, vì người dân tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để chính quyền thực hiện. Ðến nay, toàn bộ 17,5 km đường trục xã đã đạt chuẩn, 47,5 km đường trục thôn đã được cứng hóa; 30 km đường ngõ, xóm được đổ bê-tông giúp người dân vận chuyển hàng hóa, đi lại thuận tiện. Năm 2019, Thuận Hạnh được công nhận xã đạt chuẩn NTM và hiện nay đang xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Một số địa bàn đã khai thác hiệu quả các sản phẩm đặc sản, truyền thống theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bắc Kạn là một trong những điểm sáng về triển khai Chương trình OCOP gắn với xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Ðỗ Thị Minh Hoa cho biết, Chương trình OCOP đã giúp công tác giảm nghèo chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ giảm nghèo của Bắc Kạn đạt 2,46%/năm, đạt chỉ tiêu Ðảng bộ tỉnh đề ra. Riêng các huyện nghèo Ba Bể, Pác Nặm, tỷ lệ này đạt 4,19%/năm. Hầu hết các xã đã đạt chuẩn NTM ở Bắc Kạn đều nhờ phát triển sản phẩm OCOP. Thí dụ, Quang Thuận (Bạch Thông) có sản phẩm cam, quýt, chè; Yên Ðĩnh (Chợ Mới) có sản phẩm chè; Kim Lư (Na Rì) có sản phẩm cam, quýt…

Giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Xây dựng NTM ở các xã vùng biên luôn gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Trước kia, gần 60 hộ dân thôn Hoàng Lao Chải, xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang sống riêng lẻ trên những sườn núi cao, giáp biên giới Trung Quốc. Năm 2013, tỉnh Hà Giang đầu tư xây dựng khu dân cư tập trung và huy động người dân đến ở trong những ngôi nhà mới xây giáp biên giới. Tuy nhiên, do khu dân cư tập trung nằm xa nơi canh tác, nên một số hộ vẫn ở tại nơi cũ. Ðầu năm 2020, xã Thàng Tín chọn thôn Hoàng Lao Chải là thôn điểm thực hiện NTM, cử một đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm Bí thư Chi bộ thôn để nâng cao năng lực lãnh đạo của Chi bộ. Ngay trong năm đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, các tổ chức hội, đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân đến sinh sống ở khu dân cư mới gần biên giới, bởi nơi đây đã được đầu tư các công trình điện, đường, trường học. Ðến nay, tất cả các hộ dân đã đến sống tập trung ở khu dân cư giáp biên. Xã thành lập tiểu đội dân quân thường trực cắm chốt tại thôn, phối hợp cùng với lực lượng biên phòng tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới, vận động người dân phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Huyện Mường Nhé (Ðiện Biên) có đường biên dài gần 132 km, giáp với tỉnh Phông-xa-lỳ (Lào) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), với sáu xã biên giới. Những năm qua, nhiều đối tượng xấu thường xuyên lôi kéo, kích động hoạt động lập "Nhà nước H’Mông"; lôi kéo một bộ phận người dân di dịch cư tự do, theo các tôn giáo trái pháp luật. Huyện ủy, UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo UBND các xã biên giới phối hợp cùng các đồn biên phòng gặp gỡ, đề nghị già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ hỗ trợ phổ biến pháp luật cho người dân, vận động người dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới. Chính quyền các xã củng cố, kiện toàn các tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải ở các thôn, bản, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và quản lý bảo vệ biên giới. Nhận thức được nâng lên, đại diện 27 bản trên biên giới Mường Nhé với 2.957 hộ đã tự nguyện tham gia tự quản 128 km đường biên, 47 cột mốc; 4.687 hộ ở 78 bản tự nguyện tham gia 78 tổ tự quản an ninh trật tự trên địa bàn các xã biên giới.

Xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai có 19 km đường biên giới giáp Trung Quốc, với bảy thôn, 539 hộ dân, đa số là đồng bào dân tộc H’Mông, Dao, Hà Nhì sinh sống. Xác định đẩy mạnh xây dựng NTM tại khu vực này là nhiệm vụ trọng yếu, huyện Bát Xát hướng dẫn người dân tập trung trồng chuối, cam Vinh, xoài, mít và trồng cây sa nhân tím... để xuất khẩu. Ðược cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn và Hợp tác xã sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp A Mú Sung bao tiêu sản phẩm, người dân nắm vững kỹ thuật, thành thạo các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại cây có giá trị kinh tế cao. Mỗi năm, bà con xuất khẩu gần 3.000 tấn chuối, thu hơn 14 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cả xã chỉ còn 50 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,2%).

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ