Xây dựng nông thôn mới ở quê lúa xứ Nghệ

Sau 10 năm nỗ lực phấn đấu, huyện thuần nông Yên Thành (Nghệ An) đã cán đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2019, hoàn thành trước kế hoạch một năm.

Huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn ở huyện lúa Yên Thành.
Huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn ở huyện lúa Yên Thành.

Dồn lực cho vùng khó

Thịnh Thành là xã vùng khó, miền núi cách trung tâm huyện Yên Thành hơn 25 km, cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay nhờ phong trào xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành Nguyễn Đình Phong cho biết: Qua tuyên truyền vận động, người dân đã dần nhận thức được việc mình là chủ thể trong xây dựng NTM, tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, hiến đất, tài sản trên đất để làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa... Cùng các nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện về xi-măng và lồng ghép các chương trình, dự án, từ năm 2015 đến nay, Thịnh Thành đã xây dựng được tuyến đường bê-tông dài hơn 25 km quanh làng trên, xóm dưới thay cho con đường lởm chởm ổ voi, ổ gà trước đây. Trụ sở làm việc, trạm y tế, trường mầm non... từ chỗ xập xệ, xuống cấp, nay đã khang trang. Trên địa bàn xã, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ phát triển bền vững, như trồng rừng, kinh tế trang trại tổng hợp và dịch vụ, thương mại… Những cánh đồng được dồn điền, đổi thửa, cùng hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng đồng bộ, bảo đảm nguồn nước, đem đến những mùa vàng bội thu.

Tại xóm Hồng Thịnh, nhà ngói, xen nhà cao tầng và các tuyến đường bê-tông thẳng tắp, hai bên rực rỡ hoa. Trưởng xóm Phạm Công Viên phấn khởi cho biết: Sau khi bàn bạc, giữa cấp ủy, chính quyền và người dân đã thống nhất, mỗi khẩu đóng góp từ 800 nghìn đến 1,4 triệu đồng để làm đường giao thông. Ngoài xi-măng được cấp trên hỗ trợ, xã còn “kích cầu” hỗ trợ từ một đến 1,5 triệu đồng/100 m đường. Đường làm đến đâu, người dân vui mừng phấn khởi đến đó vì xóa đi cảnh “nắng bụi, mưa lầy” trước đây.

Xã miền núi Công Thành có xuất phát điểm thấp, năm 2016, xem xét các tiêu chí, ngoài nhà văn hóa, trường học, hệ thống điện và thu nhập thì tiêu chí giao thông là gánh nặng do địa bàn xã trải rộng gần 100 km2. Trước tình hình đó, Yên Thành huy động các nguồn lực, tạo cơ chế hỗ trợ Công Thành hàng nghìn tấn xi-măng làm 70 km đường giao thông. Là địa phương có đến 46% số dân là giáo dân, Công Thành đã phối hợp linh mục tích cực vận động lương giáo đoàn kết cùng chung tay xây dựng nhiều công trình NTM. Nhiều gia đình đã gương mẫu hiến đất, hiến tài sản cũng như đóng góp hàng chục triệu đồng làm đường, kênh mương, nhà văn hóa… Tiêu biểu có gia đình các ông: Nguyễn Văn Viện ở xóm Đồng Hiền góp 35 triệu đồng; Lê Văn Công, Lê Văn Thành ở xóm Trung Sơn góp 25 triệu đồng/hộ; Lê Công Hạnh, Hồ Viết Thắng góp 10 triệu đồng/hộ… Có 160 hộ nằm biệt lập ở xóm Rú (xứ giáo Kim Long) góp khoảng một tỷ đồng cùng với sự hỗ trợ của huyện và xã làm 5 km đường vào trung tâm xóm… Nhờ đó đến nay, Công Thành có 186 hộ kinh doanh dịch vụ cùng hàng chục mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cho thu nhập khá.

Nhờ chính sách dồn lực cho vùng khó, cho nên đến cuối năm 2019, cả bốn xã cuối cùng của Yên Thành: Tây Thành, Công Thành, Quang Thành và Thịnh Thành đều lần lượt đón bằng công nhận NTM. Hiện, tất cả 38 xã trong toàn huyện được công nhận NTM và Yên Thành đã hoàn thành toàn bộ 9 tiêu chí huyện NTM.

Cán đích trước dự kiến

Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, Yên Thành vinh dự được chọn làm huyện điểm NTM. Đây quả là một thách thức, bởi Yên Thành là huyện đông dân, thuần nông, đời sống nhân dân còn khó khăn. Nhưng cấp ủy, chính quyền và nhân dân Yên Thành đều xác định xây dựng NTM là việc làm nòng cốt, xuyên suốt và không ngừng nghỉ của cả quá trình phát triển của huyện lúa. Năm 2010, khi bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng NTM, Yên Thành mới đạt bình quân 6,81 tiêu chí/xã, thu nhập theo đầu người chỉ 13,92 triệu đồng... nhưng huyện đã đặt quyết tâm đến năm 2020 sẽ về đích NTM.

Ngay từ khi thực hiện chương trình, ngoài chọn ba xã đại diện cho ba vùng đồng bằng, miền núi, bán sơn địa làm điểm chỉ đạo toàn diện 19 tiêu chí, Yên Thành chọn nội dung cụ thể theo từng năm để tập trung chỉ đạo. Xác định nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của xây dựng NTM, huyện quy hoạch lại đồng ruộng, hệ thống kênh mương nội đồng cho phù hợp và tiến hành dồn điền đổi thửa thành ô thửa lớn đầu tiên ở Nghệ An. Yên Thành cũng là địa phương đi đầu trong quy hoạch, phát triển vùng huyện và vùng nông nghiệp Yên Thành gắn với xây dựng NTM đến năm 2035, định hướng đến năm 2050. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thu hút được các doanh nghiệp, HTX vào liên doanh, liên kết với nông dân, hình thành hàng nghìn ha cánh đồng mẫu lớn lúa chất lượng cao, lúa thảo dược, nhiều vùng trồng dược liệu cùng hàng trăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP… Bên cạnh đó, huyện khuyến khích xuất khẩu lao động hợp pháp. Hiện, toàn huyện có hơn 15 nghìn lao động đang làm việc ở nước ngoài, hằng năm gửi về hơn 200 triệu USD, góp phần nâng cao thu nhập cũng như đóng góp xây dựng NTM…

Một trong những thành công đó là, cấp ủy, chính quyền luôn sâu sát chỉ đạo quyết liệt xây dựng NTM. Hằng năm, huyện lựa chọn những địa phương có khả năng về đích NTM để chỉ đạo và dồn sức đầu tư. Huyện phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, ngành, đoàn thể trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách theo từng tiêu chí xã đạt chuẩn, huyện đạt chuẩn NTM để rà soát, xác định khối lượng cụ thể. Từ đó, xây dựng khung kế hoạch, lộ trình, giải pháp thực hiện theo hằng tháng, hằng quý... Ngoài nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM, nguồn vốn ngân sách của tỉnh, Yên Thành còn ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ, dồn sức cho các địa phương về đích NTM với kinh phí từ hai đến ba tỷ đồng/xã. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, người dân đã tự nguyện đóng góp hơn 1.765 trong số 5.475 tỷ đồng mà Yên Thành đã huy động được để xây dựng NTM trong 10 năm qua.

Từ một huyện thuần nông có điểm xuất phát thấp, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tất cả các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,41%; kết cấu hạ tầng tiếp tục phát triển, làm mới được hơn 710 km đường nhựa, bê-tông cùng hơn 180 km quốc lộ, tỉnh lộ trải dài qua địa bàn toàn huyện; hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; hàng loạt trạm y tế, phòng học, nhà máy nước sạch.. được đầu tư, nâng cấp; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,92%; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm… Đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của huyện lúa xứ Nghệ để vững vàng cán đích NTM trước thời gian dự kiến.