Xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em

NDO -

NDĐT - Sáng 9-11, tại TP Quảng Ngãi, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia năm 2019 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Diễu hành trên các tuyến phố ở TP Quảng Ngãi tuyên truyền người dân chung tay tham gia phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Diễu hành trên các tuyến phố ở TP Quảng Ngãi tuyên truyền người dân chung tay tham gia phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, với những nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của các cơ quan, tổ chức quốc tế và cộng đồng, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới và thực hiện Chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, khoảng cách giới trong cả tám lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội được rút ngắn đáng kể, góp phần không nhỏ vào thành công ấn tượng của Việt Nam trong việc hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.

Bình đẳng giới là chìa khóa xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Thông điệp này được sử dụng xuyên suốt trong Tháng hành động trong ba năm qua, đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Riêng Tháng hành động năm 2018, cả nước có hơn 16 ngàn hoạt động hưởng ứng với hơn một triệu lượt người trực tiếp tham gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Thời gian qua, có nhiều vụ bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được các phương tiện thông tin đại chúng và người dân phản ánh, đưa ra ánh sáng để đòi lại công bằng cho nạn nhân. Ngày càng có nhiều phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực đã dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực, nhiều thủ phạm gây bạo lực đã được các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, thể hiện tính răn đe của pháp luật. Các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới đã được thành lập và từng bước phát triển. Tuy nhiên, những thách thức về khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực chưa được thu hẹp. Bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn được coi là vấn đề nhạy cảm, nhiều nạn nhân vì các lý do khác nhau đã cam chịu, không tố cáo, nhất là khi người gây bạo lực, xâm hại chính là người thân của họ. Tình trạng mua bán phụ nữ ngày càng phức tạp hơn.

Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất cần một quá trình lâu dài và đòi hỏi nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Bản thân phụ nữ và trẻ em chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại đồng thời cần phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại. Đặc biệt, nam giới và người dân ở cộng đồng phải là những lực lượng tiên phong, nòng cốt, chủ động đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

“Hãy coi công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan quản lý nhà nước mà là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp và cả cộng đồng. Sự vào cuộc chủ động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội sẽ tạo nên sức mạnh to lớn hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em”, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ đồng thời nhấn mạnh: Một xã hội bình đẳng là một xã hội không có bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng cùng chủ động cam kết và có các hành động cụ thể, thiết thực.

Trong khuôn khổ lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia năm 2019 còn diễn ra các hoạt động, gồm: biểu diễn Flashmob -Tuổi trẻ gắn kết, yêu thương; thi vẽ tranh về chủ đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với sự tham gia tích cực của sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng; đi bộ diễu hành qua các tuyến phố tuyên truyền người dân chung tay tham gia phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Dịp này, Ban tổ chức trao tặng ba nhà tình nghĩa cho ba gia đình có công với cách mạng là nữ chủ hộ; 15 suất học bổng và 15 suất quà cho trẻ và phụ nữ em có hoàn cảnh khó khăn; 150 bộ sách “Kỹ năng trẻ em trai và trẻ em gái” cho học sinh ba trường THCS trên địa bàn Quảng Ngãi và 300 chiếc áo ấm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện miền núi.