Xây dựng hệ thống vận tải công cộng an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em gái

NDO -

NDĐT- Theo một khảo sát của trường Đại học Giao thông vận tải và tổ chức Plan International Việt Nam, chất lượng của những điểm dừng, nhà chờ xe buýt ở Hà Nội mới đạt mức trung bình. Vì vậy, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng tại các đô thị Việt Nam an toàn, thân thiện cho người dân, đặc biệt cho phụ nữ, trẻ em gái là cơ sở phát triển bền vững của giao thông nói riêng và đô thị nói chung.

Ảnh: Plan International Việt Nam.
Ảnh: Plan International Việt Nam.

Ngày 20-6, Trường Đại học Giao thông vận tải phối hợp tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng an toàn, thân thiện, bền vững ở đô thị Việt Nam”.

Chương trình nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, góp ý kiến cho sự phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tại các đô thị Việt Nam an toàn, thân thiện, bền vững cho người dân. Trong đó, đặc biệt chú ý tới nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ trẻ, em gái vị thành niên.

Hội thảo tập trung vào các chủ đề chính như thực trạng hoạt động và kinh nghiệm phát triển VTHKCC an toàn, thân thiện, bền vững ở đô thị Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời, cũng nhấn mạnh tới ứng dụng công nghệ, cơ chế, chính sách hỗ trợ sự phát triển VTHKCC ở đô thị.

Nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Giao thông vận tải và Plan International Việt Nam, hoạt động khảo sát đánh giá các yếu tố an toàn, chất lượng điểm dừng, nhà chờ xe buýt được thực hiện đầu tháng 5 năm 2019 đã đưa ra những đánh giá cụ thể của 80 điểm dừng, nhà chờ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Báo cáo chỉ ra rằng, mức độ chất lượng của những điểm dừng, nhà chờ được khảo sát đạt ở mức trung bình. Xếp loại chất lượng của nhà chờ BRT cao hơn so với mặt bằng chung và đạt mức chất lượng tốt. Các số liệu thu thập được thông qua khảo sát thực tế dựa trên bộ chỉ tiêu “Bảy nguyên tắc an toàn cho em gái ở nơi cộng đồng”, bộ tiêu chí “Chất lượng điểm dừng, nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Từ đó, báo cáo cũng có những khuyến nghị cụ thể, làm cơ sở cho thành phố phát triển hệ thống VTHKCC an toàn, thân thiện, bền vững.

Theo xu thế phát triển chung của thế giới, Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với những vấn đề về giao thông đô thị, như sự gia tăng của phương tiện cá nhân, áp lực về hệ thống cơ sở hạ tầng và nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao. Vì vậy, hệ thống VTHKCC với sự đa dạng của các phương thức vận tải, an toàn và thân thiện để thu hút người dân sử dụng sẽ là cơ sở cho sự phát triển bền vững của giao thông nói riêng và đô thị nói chung.

Một nghiên cứu của Plan International Việt Nam thực hiện vào năm 2018 với hơn 1.000 hành khách cho thấy, 74% người tham gia đã chứng kiến các hành vi quấy rối phụ nữ/em gái ở nơi công cộng. Hơn 40% người tham gia khảo sát cũng cho rằng, bến xe, ga tàu, nhà chờ xe buýt là nơi họ từng chứng kiến các hành vi quấy rối đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Dự án Thành phố An toàn và thân thiện với trẻ em gái bắt đầu thực hiện tại thành phố Hà Nội từ năm 2014. Mục tiêu hướng tới xây dựng thành phố an toàn, có trách nhiệm, thân thiện hơn với tất cả các trẻ em gái. Qua bốn năm thực hiện, dự án đã giúp 11.000 người hưởng lợi trực tiếp và 190 nghìn người hưởng lợi gián tiếp. Chương trình cũng triển khai thành công các giải pháp can thiệp tại hai xã của huyện Đông Anh và hệ thống xe buýt tại Hà Nội.

Trong hai năm tới, Plan International Việt Nam dự kiến nhân rộng mô hình tới tất cả 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Anh, tiếp cận 26.000 em gái và 24.000 em trai. Dự án cũng sẽ tiếp tục hợp tác với Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) trong giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn của trẻ em gái ở nơi công cộng và khi di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Thành công của dự án trong giai đoạn vừa qua đã được chính phủ công nhận và đưa vào Chương trình Quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2021.