Xây dựng chính sách thích ứng già hóa dân số

Ðến hết năm 2018, Việt Nam có 11 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,95% số dân), trong đó có khoảng gần hai triệu người từ 80 trở lên. Từ năm 2014, nước ta chính thức bước vào quá trình già hóa dân số và là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Ðiều này đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi xây dựng những chính sách thích ứng trong tình hình mới.

Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi, đối tượng chính sách xã Văn Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam).
Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi, đối tượng chính sách xã Văn Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, với tốc độ già hóa như hiện nay thì đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 trở lên của nước ta sẽ khoảng 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Cũng từ năm 2038, số người trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm. Sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới sự phát triển kinh tế - xã hội, nếu không có chính sách phù hợp. Các chuyên gia nhấn mạnh, xu hướng già hóa là tất yếu, chính vì vậy cần có những can thiệp chính sách kịp thời để duy trì cơ cấu dân số hợp lý.

Quá trình già hóa dân số, nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi (NCT) ngày càng tăng, là một thách thức rất lớn với hệ thống an sinh xã hội, hệ thống y tế và cộng đồng khi hiện nay chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để ứng phó. Phần lớn NCT có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu… Số NCT có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng. Hiện nay, khoảng 70% số NCT nước ta sống ở nông thôn làm nông nghiệp; hơn 70% số NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% số NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Phần lớn NCT sống cùng bệnh tật trong một thời gian dài, dẫn đến gia tăng những khó khăn về chức năng thể chất, trong sinh hoạt cá nhân và trong hoạt động hỗ trợ cuộc sống hằng ngày. Khoảng 54,6% số người khuyết tật là người từ 60 tuổi trở lên và hơn hai phần ba NCT gặp ít nhất một khó khăn về vận động, gần 38% số NCT gặp ít nhất khó khăn về sinh hoạt cá nhân (nhóm 80 tuổi trở lên là 50%). Một số nghiên cứu dự báo cho thấy, số lượng và tỷ lệ NCT cần chăm sóc do bị ảnh hưởng bởi ít nhất một chức năng thể chất hoặc tinh thần sẽ tăng từ 2,5 triệu người (năm 2019) lên tới hơn 10 triệu người (năm 2049).

Những con số nêu trên cho thấy, nhu cầu của NCT cần được chăm sóc, hỗ trợ hiện tại cũng như tương lai ngày càng lớn. Nếu không có sự đầu tư ngay từ bây giờ, vấn đề già hóa dân số sẽ là một gánh nặng cho kinh tế - xã hội và cộng đồng.

Ðáng chú ý, hiện tại ngành công tác xã hội với các loại hình dịch vụ chuyên môn về chăm sóc NCT ở nước ta còn thiếu và yếu. Phần lớn chính sách xã hội đối với NCT mới chú trọng tính trợ cấp, cứu trợ. Hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho NCT còn mang tính phong trào, tự phát. Các yếu tố, điều kiện cho sự phát triển ngành công tác xã hội còn thiếu chuyên nghiệp, cho nên không phát huy triệt để cho công tác này.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, để thích ứng với già hóa dân số, cần phát triển và tăng cường quản lý dịch vụ chăm sóc xã hội, cũng như có cơ chế phối hợp công - tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc xã hội. Ðặc biệt, cần khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc NCT cũng như gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội. Cần có câu lạc bộ dành cho NCT, trong đó có những buổi truyền thông, tuyên truyền nội dung tích cực hướng đến khuyến khích NCT tiếp tục đóng góp tri thức, kinh nghiệm cho xã hội.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống chính sách trợ cấp xã hội và các chương trình cung ứng dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc NCT nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng tinh thần cho đối tượng này. Tăng cường hợp tác điều phối liên ngành, cải thiện hệ thống chính sách để phát triển các cơ sở chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng. Ða dạng hóa mô hình chăm sóc NCT hiệu quả, chuyên nghiệp và phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều dưỡng NCT gắn với chăm sóc tại gia đình, cộng đồng.

Đáng chú ý, các chính sách hiện tại của Việt Nam mới tập trung vào hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của NCT, chưa tính đến tác động sâu xa của già hóa tới xã hội và các nhóm trẻ hơn. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc thích ứng với già hóa dân số không chỉ là đáp ứng mong đợi và nhu cầu của NCT mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết các tác động của già hóa dân số đến các nhóm dân số khác. Do vậy rất cần một chính sách tiếp cận toàn diện hơn về già hóa dân số vừa giải quyết các vấn đề hiện tại do tác động của già hóa dân số tới cả NCT và người trẻ tuổi, vừa phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.