Xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, xu thế xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng dần và đạt cao nhất từ hôm nay 8-4 đến ngày 13-4.

Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 110 đến 135 km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 65 đến 70 km; Sông Hàm Luông từ 80 đến 85 km; Sông Cổ Chiên từ 60 đến 70 km; Sông Hậu: phạm vi xâm nhập mặn 50 đến 60 km; Sông Cái Lớn từ 55 đến 63 km… Trong đợt mặn cao điểm này, các địa phương hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

* Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Trung Trung Bộ, cho nên trong các ngày 8, 9-4, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.

* Tại Bến Tre, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú cho biết, nắng nóng và xâm nhập mặn từ giữa tháng 2 đến nay, đã làm 1.400 ha trong tổng số 3.800 ha tôm càng xanh trên địa bàn huyện bị thiệt hại. Tại huyện Chợ Lách, nước mặn xâm nhập đã đe dọa trực tiếp đến 8.575 ha cây ăn trái và 1.300 ha cây giống, hoa cảnh. Trong đó, có khoảng 20 triệu sản phẩm cây giống như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi... bắt đầu ghi nhận thiệt hại do mẫn cảm với nước mặn.

* Khô hạn xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Long An. Trước tình hình này, UBND tỉnh Long An đã kêu gọi “Toàn dân tham gia phòng, chống hạn mặn”. Hiện, hạn mặn xâm nhập đã làm khoảng 2.100 ha lúa bị giảm năng suất, trong đó, huyện Tân Trụ 1.300 ha, huyện Thủ Thừa 800 ha; khoảng 1.220 ha thanh long và 6.520 ha chanh bị giảm năng suất. Huyện Cần Giuộc hiện có khoảng 7.940 hộ dân tại bốn xã: Tân Tập, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Tây, Phước Vĩnh Đông thiếu nước sinh hoạt. Long An đã lên phương án hỗ trợ nước sinh hoạt khẩn cấp cho người dân vùng bị ảnh hưởng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng…

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết, môi trường nước bất lợi, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm làm môi trường nước trong ao không ổn định đã gây thiệt hại cho gần 720 ha tôm nuôi của tỉnh, với hơn 560 triệu con tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tôm chết hầu hết do bị nhiễm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy và bệnh đường ruột.

* Tại tỉnh Ninh Thuận, UBND huyện Thuận Nam cho biết, do không có nước tưới, huyện đã phải ngừng sản xuất 1.800 ha lúa và 1.000 ha cây hoa màu. Qua rà soát đợt một, toàn huyện có 4.680 hộ, tổng số 18.924 nhân khẩu đang cần được hỗ trợ lương thực dịp giáp hạt do ảnh hưởng của hạn hán. Huyện Thuận Nam đang đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí khoảng 11 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán.

* Tại tỉnh Đắk Nông, đập thủy lợi núi lửa Thuận An, huyện Đắk Mil là một trong những công trình chứa nước lớn nhất trên địa bàn tỉnh hiện đã cạn nước, trơ đáy. Theo UBND xã Thuận An, địa phương này đã có khoảng 100 ha cây trồng, chủ yếu là cà-phê, bị thiệt hại do đập thủy lợi Thuận An không đủ khả năng cung cấp nước. Nhiều hồ, đập, suối trên địa bàn xã cũng đã kiệt nước.

* Sáng 7-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng trong vụ đông xuân tại các tỉnh, thành phố phía bắc”. Năm nay, các tỉnh, thành phố phía bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) gieo cấy hơn 1,1 triệu ha lúa đông xuân. Theo Cục Bảo vệ thực vật, ở vùng Bắc Trung Bộ, lúa đông xuân sớm đã trỗ hơn 84 nghìn ha, trà lúa chính vụ dự kiến trỗ từ ngày 5 đến 20-4, sẽ có nguy cơ rất cao bị bệnh đạo ôn cổ bông gây hại nặng nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh (nhiệt độ 23 đến 25oC và ẩm độ cao kéo dài). Thực tế, diện tích lúa đông xuân ở khu vực này bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông đang tăng cao so cùng kỳ năm trước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan, đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng, chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương lên Trung ương theo quy định để phối hợp, chỉ đạo kịp thời...

* Tỉnh Nghệ An hiện gieo cấy được 91.673 ha lúa đông xuân. Hiện, diện tích lúa đã trổ vào khoảng 10.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Yên Thành, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Thái Hòa. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh gây hại đang xuất hiện khá phổ biến. Cụ thể, bệnh đạo ôn lá với quy mô nhiễm bệnh hơn 2.019 ha. Ngoài vấn nạn đạo ôn, có khoảng 7.450 ha lúa cũng bị nhiễm khô vằn...

* Ngày 7-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, cuối tháng 3 vừa qua là thời điểm lúa đông xuân tại Quảng Bình bị bệnh đạo ôn nghiêm trọng nhất với gần 1.000 ha. Nhờ chủ động phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời, cho nên dịch bệnh đã được ngăn chặn. Đến nay, cả tỉnh còn khoảng 270 ha lúa bị nhiễm đạo ôn lá, tập trung chủ yếu ở huyện Lệ Thủy. Hiện, lúa đông xuân ở Quảng Bình trổ đòng gần một nửa diện tích. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh đạo ôn cổ bông và rầy nâu để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

* Tỉnh Vĩnh Phúc có toàn bộ 130 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác phòng dịch, tỉnh có bảy xã, thị trấn gồm Đình Chu, Vân Trục, Liễn Sơn, Hoa Sơn (huyện Lập Thạch); Đôn Nhân, Như Thụy (huyện Sông Lô) và thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo) chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Hiện, chăn nuôi của tỉnh được duy trì ổn định với 400 nghìn con lợn, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 24 nghìn tấn.

* Thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên đang cấp phát cho các địa phương hơn 43 nghìn liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò; gần 92 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng, hơn 147 liều dịch tả lợn; gần 110 nghìn liều tụ dấu lợn, hơn 130 nghìn liều vắc-xin phòng dại chó và hơn 2,5 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm. Đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố và thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiêm phòng cho đàn vật nuôi một cách hiệu quả, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.