Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tăng dần

Theo dự báo, vùng ven biển Nam Bộ đang vào kỳ triều cao, đỉnh triều ven biển đang lên. Cảnh báo, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với nước dâng nên nguy cơ ngập úng có thể xảy ra tại các vùng trũng thấp, sạt lở đê biển tại ven biển các tỉnh đông và tây Nam Bộ trong các ngày từ 12 đến 15-1.

Kè đê biển Gò Công (tỉnh Tiền Giang) dần được hoàn thành để ứng phó sạt lở, xâm nhập mặn. Ảnh: TUẤN LÂM
Kè đê biển Gò Công (tỉnh Tiền Giang) dần được hoàn thành để ứng phó sạt lở, xâm nhập mặn. Ảnh: TUẤN LÂM

★ Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia nhận định, từ ngày 11 đến 20-1, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất tuần vào ngày 14 đến 16-1.

Theo đó, chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: trên sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây, Hàm Luông, Cổ Chiên, phạm vi xâm nhập mặn từ 35 đến 40 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại, phạm vi xâm nhập mặn từ 40 đến 45 km.

★ Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào. Ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời tiếp tục rét hại với nhiệt độ thấp nhất từ 7 đến 100C, vùng núi từ 4 đến 70C, vùng núi cao có nơi dưới 00C, khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá. Riêng khu vực Hà Nội, hôm nay (11-1), tiếp tục có rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 8 đến 100C.

★ Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở các xã vùng cao huyện Bắc Yên (Sơn La) nhiều nơi nhiệt độ xuống dưới 00C, xuất hiện băng giá trên cây cối, hoa màu. Cơ quan chức năng đã hướng dẫn nhân dân biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi; vận động nhân dân đưa gia súc về chuồng để tránh rét.

★ Tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang), do ảnh hưởng của không khí lạnh khiến nhiệt độ có lúc xuống dưới 00C. Ðể bảo vệ hơn 86.440 con gia súc, UBND huyện đã có công văn hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống đói rét, giữ ấm chuồng trại bảo vệ đàn gia súc; không chăn thả gia súc khi nhiệt độ giảm sâu.

★ Không khí lạnh khiến nhiệt độ ở Ðiện Biên thấp nhất dao động từ 7 đến 90C, riêng Pha Ðin và vùng núi cao từ 0 đến 20C, có nơi dưới 00C. Tại xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo đã xảy ra hiện tượng gia súc bị chết. Không khí lạnh kèm mưa nhỏ và sương mù gây trơn trượt, hạn chế tầm nhìn, nhất là khu vực đèo Pha Ðin.

★ Ngày 10-1, trên địa bàn tỉnh Lai Châu nền nhiệt tiếp tục giảm sâu, một số nơi vùng núi cao xuống còn 10C, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Một số khu vực ở các huyện Tam Ðường, Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ đã xuất hiện băng giá.

★ Những ngày qua, nhiều địa phương ở vùng núi cao Nghệ An nhiệt độ giảm thấp, có nơi 1 đến 20C như Mường Lống, Na Ngoi, Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Ðặc biệt, nhiều nơi đã xuất hiện băng tuyết phủ trắng cây cỏ như ở bản Buộc Mú 1, xã Na Ngoi.

★ Vừa qua, đoàn công tác tỉnh Bình Ðịnh đã đến thăm hỏi, trao hai tỷ đồng hỗ trợ người dân vùng lũ Hà Tĩnh vượt qua khó khăn. Ngày 10-1, tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, Sacombank đã trao gần 1,2 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả thiên tai.

★ Huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đang khoanh vùng, khống chế dịch cúm gia cầm H5N6 trên đàn gia cầm. Trước đó, ngày 9-1, ổ dịch gia cầm H5N6 xuất hiện trên đàn gà của một hộ tại huyện.

★ Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, có hơn 30 con trâu, bò tại các huyện Xín Mần, Mèo Vạc và Yên Minh mắc bệnh viêm da, nổi cục.

★ Tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có hơn 40 gia súc bị bệnh viêm da, nổi cục.

★ Tại huyện Sông Hinh (Phú Yên), hiện khoảng 200 ha mía bị bệnh cháy lá. Ngành nông nghiệp đang hướng dẫn nhân dân làm cỏ, bón phân cân đối đủ hàm lượng đạm, lân, ka li để cây mía sinh trưởng trở lại.

23 khu vực có nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Ngày 10-1, Cục Kiểm lâm cho biết, do nhiều ngày không có mưa, trời khô hanh cho nên 23 khu vực ở các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Ðắk Lắk, Lâm Ðồng, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi… có nguy cơ cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, các địa phương cần thực hiện tốt phòng, chống cháy rừng.