Xâm nhập mặn đang ở giai đoạn cao điểm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019 - 2020.

Các đơn vị chức năng tỉnh Kiên Giang nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: QUỐC TUẤN
Các đơn vị chức năng tỉnh Kiên Giang nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: QUỐC TUẤN

Hiện tại, xâm nhập mặn đang trong thời gian lên cao, đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay với ranh mặn 40/00 tại các cửa sông đạt cao nhất. Ðiển hình vùng hai sông Vàm Cỏ phạm vi từ 100 đến 110 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20 đến 22 km. Dự báo, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông của vùng đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường. Hiện nay, Bộ NN và PTNT và các địa phương đã đưa năm dự án vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn để trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn đến 300.000 ha. Ngoài ra, Bộ sẽ theo dõi sát tình hình, cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Công và đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức đo đạc, theo dõi độ mặn ở các cửa sông, cửa lấy nước vào công trình thủy lợi để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn, thực hiện lấy nước phù hợp…

* UBND tỉnh Kiên Giang vừa công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng thuộc địa bàn. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền cho nhân dân biết tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và sử dụng tiết kiệm nước; chủ động ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", chuẩn bị các phương án sẵn sàng hỗ trợ nhân dân. Hiện, trên sông Cái Lớn mặn xâm nhập sâu khoảng 55 đến 58 km và dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường.

* Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, hiện nay nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng với độ mặn từ 2,50/00 đến 3,50/00 gây ảnh hưởng khoảng 5.300 ha lúa. Số lượng lúa chết hơn 30% diện tích, diện tích còn lại không phát triển, cháy lá; trà lúa đang vào giai đoạn làm đòng cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

* Ngày 14-2, UBND huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, hiện nay nước mặn từ hệ thống sông Tiền và sông Hàm Luông đang lấn sâu vào nội đồng, đe dọa các vùng trồng cây ăn quả của địa phương. Vì vậy, huyện quyết định tạm ứng 7,68 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước năm 2020 cho các xã thi công khẩn cấp các công trình phòng, chống xâm nhập mặn.

* Tại Trà Vinh, hiện nay độ mặn trên sông Cổ Chiên và sông Hậu đang ở mức cao. Theo số liệu quan trắc bên ngoài các cống chính, phía sông Cổ Chiên tại vàm Trà Vinh là 12,90/00, vàm Láng Thé 11,70/00; phía sông Hậu, tại vàm Bông Bót là 6,90/00, vàm Tân Dinh là 6,60/00. Mặn xâm nhập nội đồng đã làm khoảng 5.160 ha lúa bị thiệt hại, trong đó 3.236 ha bị thiệt hại hơn 30%.

* Ðến nay, tại TP Cần Thơ trên sông Hậu, ranh mặn 40/00 trong tuần qua đã vào sâu 65 km, sâu hơn
13 km so với năm 2016. Mặc dù sản xuất nông nghiệp chưa bị thiệt hại nhưng dự báo đến ngày 16-2, xâm nhập mặn trên sông Hậu vẫn duy trì ở mức cao. Ðể chủ động ứng phó, thành phố yêu cầu các sở, ngành và quận, huyện giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt phù hợp nhất.

* UBND tỉnh Bình Ðịnh cho biết, mùa khô 2020 trên địa bàn có hơn 15.800 hộ có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt; trong đó chắc chắn bị thiếu là 5.855 hộ. Do đó, tỉnh yêu cầu tới tháng 5, các địa phương phải hoàn chỉnh việc nâng cấp các công trình cấp nước, hoàn chỉnh phương án, xây dựng các công trình cấp nước tập trung cho người dân vùng thiếu nước.

* Theo Cục Kiểm lâm, hiện nay do nắng nóng, thời tiết khô hanh, cho nên trên địa bàn cả nước có 27 tỉnh, thành phố như Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh… có nguy cơ cháy rừng, trong đó một số khu vực có nguy cơ cháy rừng ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Vì vậy, Cục đề nghị các địa phương có diện tích rừng cảnh báo cháy cần thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

* Trước nguy cơ cháy rừng ở nhiều địa phương khu vực phía nam, Tổng cục Lâm nghiệp đã đi kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng ở một số địa phương. Ngay từ đầu mùa khô, tỉnh Ðồng Tháp đã có kế hoạch và các phương án phòng, chống cháy rừng, trong đó tập trung nạo vét kênh mương trữ nước, chuẩn bị trang thiết bị đầy đủ, bố trí lực lượng giữ rừng trong suốt mùa khô. Hiện nay, vào giai đoạn nắng nóng cho nên một số diện tích rừng bị khô kiệt, vì vậy lực lượng kiểm lâm đã tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng.

* Do nắng kéo dài, nước trong các kênh mương xuống thấp cho nên ở vườn chim Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) đang trong tình trạng cảnh báo cháy rừng cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Ban quản lý vườn chim đang cử lực lượng túc trực nhằm phát hiện sớm đám cháy để xử lý kịp thời; lấy nước vào kênh mương để tạo độ ẩm cũng như dự trữ nước cho công tác chữa cháy.

* Tại An Giang, do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài và nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh… cho nên nhiều diện tích rừng bị khô kiệt, nguy cơ xảy ra cháy cao. Cơ quan chức năng đã huy động lực lượng cùng nhân dân canh gác, tuần tra, giữ rừng trong mùa khô; phát dọn đường băng cản lửa, tích trữ nước để chữa cháy...

* Trên địa bàn hai tỉnh Long An, Kiên Giang hiện nay có nhiều diện tích rừng cũng đang bị khô kiệt do ảnh hưởng nắng nóng. Hiện lực lượng đang tăng cường phòng cháy và sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra...

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, khoảng chiều và đêm nay (15-2), không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía bắc, phía đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến phía tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Do đó, từ chiều tối 15-2, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 16-2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét; riêng phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trong ngày 16 và 18-2 trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại.