Vượt lên số phận

“Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm” - đây là câu thơ quen thuộc về sức mạnh của đôi bàn tay, của sự kiên trì, ý chí quyết tâm, điều có thể tạo ra những thứ kỳ diệu, đôi khi cả kỳ tích nữa. Niềm tin ấy, sức sống lạc quan ấy đã giúp chàng trai Nguyễn Văn Chung vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, chiến thắng thương tật để khởi nghiệp thành công.

Gian hàng xà-bông thảo dược tự nhiên Sam - Sôn của anh Nguyễn Văn Chung tại Phiên chợ Xanh - Tử tế năm 2019.
Gian hàng xà-bông thảo dược tự nhiên Sam - Sôn của anh Nguyễn Văn Chung tại Phiên chợ Xanh - Tử tế năm 2019.

Vấp ngã ở đâu đứng dậy ở đó” - Nguyễn Văn Chung, ông chủ cửa hàng xà-bông thảo dược tự nhiên Sam-Sôn, kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời anh bắt đầu từ câu nói ngắn gọn ấy. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có sáu anh chị em, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bố mất sớm, từ nhỏ Chung đã ao ước sau này lớn lên sẽ tìm được một công việc tốt để đỡ đần mẹ. Tuy nhiên 18 năm trước, tai họa ập đến. Ngày 19-5-2002 trong một lần đi làm ruộng về, Chung xuống trạm bơm của xã bơi, bị ống của trạm bơm hút vào. Sau khi được anh trai cứu, Chung chỉ biết thốt lên: Anh ơi, em làm khổ bố mẹ rồi, vì Chung biết mình đã vĩnh viễn mất đi đôi chân. Ðó là năm Chung 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của mình nhưng anh vẫn chưa làm được gì giúp đỡ mẹ.

Lúc đó anh nghĩ, cuộc đời này bây giờ và cả về sau mình lại là gánh nặng của mẹ. Mọi thứ đều đảo lộn khi đôi chân không còn. Sau hai tuần điều trị ở Bệnh viện Việt - Ðức, sáu tháng tiếp theo điều trị ở quê, đó là quãng thời gian như địa ngục với Chung khi bắt gặp ánh mắt ái ngại, thương cảm của mọi người.

Ðã rất lâu rồi, nhưng khi ngồi kể lại, đôi mắt Chung vẫn ngấn lệ như câu chuyện mới diễn ra ngày hôm qua. Chung nói: “Ðã có lúc muốn buông xuôi tất cả, nhưng lại nghĩ 18 tuổi mà buông xuôi trong khi chưa làm được gì báo hiếu cho mẹ. Những gì mình trải qua so với nỗi đau của mẹ, chưa là gì cả”. Chung quyết tâm tập đi. “Mỗi chúng ta khi sinh ra và chập chững biết đi luôn luôn có cha mẹ, người thân dìu dắt. Nhưng trong lần tập đi thứ hai của mình, đó là những lần tập trong đau đớn, thậm chí cả máu và nước mắt. Bất cứ việc gì cũng phải nhờ đến chị gái và mẹ. Nhưng chị cũng chỉ có thể giúp một thời điểm nhất định, còn mẹ rồi cũng sẽ già yếu không thể trông cậy mãi. Ðiều đó càng khiến tôi quyết tâm hơn” - Chung nhớ lại.

Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Cuộc đời tôi có hai bước ngoặt lớn. Bước ngoặt thứ nhất là ngày 6-11-2002, tôi một mình lên Bệnh viện Bạch Mai ăn, ở, tập và làm quen để lắp chân giả suốt hai năm sau đó. Trong số những người cùng cảnh ngộ lên lắp chân giả, tôi được một người bạn động viên xin vào luyện tập tại câu lạc bộ thể thao người khuyết tật TP Hà Nội. Trong một lần tham dự lễ kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật tháng 12-2002 ở Công viên nước hồ Tây, Chung bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của bể bơi. Chung tự hỏi: “Không biết mình còn bơi được nữa không?”. Mất hơn 10 phút do dự, anh quyết định nhảy ùm xuống hồ bơi nhưng chìm nghỉm. Lấy lại tinh thần, anh quờ tay bơi ếch thay cho đôi chân, cứ thế khua khoắng tay rồi cũng vào đến bờ. Chung sung sướng reo lên, “mình vẫn còn biết bơi”. Ngay sau khi gia nhập câu lạc bộ thể thao người khuyết tật TP Hà Nội, bộ môn đầu tiên Chung tham gia là ném lao - đẩy tạ. Cứ thế, hằng ngày anh lăn xe từ Bệnh viện Bạch Mai đến câu lạc bộ Khúc Hạo tập rồi lại quay về. Sau đó anh xin ban lãnh đạo câu lạc bộ cho tham gia thêm nội dung bơi. Sau giải đấu tiền Para Games, Chung đạt được nhiều thành tích cao ở cả hai nội dung thi đấu ném lao - đẩy tạ và bơi. Ðiều tuyệt vời đã đến khi Chung được chọn vào danh sách chính thức của đoàn thể thao Việt Nam tham gia thi đấu tại Para Games năm 2003. Tuy nhiên anh chỉ được chọn một trong hai nội dung thi đấu nêu trên. Sau hơn một ngày suy nghĩ, Chung quyết định: Vì bơi mà mình mất đi đôi chân, cho nên tôi sẽ chọn bơi để tìm lại cuộc sống của mình.

Sau ba tháng tập huấn tại TP Hồ Chí Minh, anh quay lại Hà Nội để thi Para Games. Kết quả ngoài sức mong đợi khi Chung giành được hai Huy chương bạc. Tôi hỏi Chung về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thi đấu suốt gần 20 năm qua của anh là gì? Chung bồi hồi: “Nhớ nhất là hai Huy chương bạc ở Para Games năm 2003. Các anh chị ở nhà kể lại, ngày ti-vi chiếu hình tôi thi đấu môn bơi, mẹ sợ thốt lên: “Trời ơi không có chân nhỡ chết đuối thì sao?”. Với số tiền thưởng 30 triệu đồng của hai tấm huy chương năm đó, tôi đã dành tất cả để sửa lại ngôi nhà cho mẹ ở quê”. Sau Para Games năm 2003 ở Việt Nam, Chung tham gia ba kỳ Para Games nữa tại Phi-li-pin năm 2005, Thái-lan năm 2008 và In-đô-nê-xi-a năm 2011, lần lượt giành trọn bộ Huy chương vàng, bạc, đồng ở nội dung bơi. Ðến nay, sau 17 năm thi đấu liên tục Chung không còn tham gia thi đấu quốc tế nhưng vẫn tập luyện và thi đấu trong nước thường xuyên dưới mầu áo đội thể thao khuyết tật Hà Nội.

Trong bể bơi luôn có dung dịch, chất tẩy làm sạch bể cho nên rất có hại cho da, thậm chí làm cho các vận động viên bị ngứa. Năm 2016, may mắn đến với anh khi cùng sống trong khu trọ với người bạn ở Ninh Bình tên Vũ Trung Ðức, một sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành công nghệ sinh học. Thỉnh thoảng cậu sinh viên tặng anh bánh xà-bông, lọ tinh dầu để cải thiện da sau những lần đi bơi. Mỗi khi dùng xong, Chung thấy da mình thay đổi hẳn. Anh nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm này. Chung tâm sự: “Một vận động viên bơi lội như tôi thường xuyên phải ngâm mình trong bể bơi, với nhiều nước hóa chất cho nên da thường nứt nẻ, khô ráp. Tuy nhiên sau khi sử dụng sản phẩm xà-bông có chiết xuất từ thiên nhiên tôi thấy da mềm, dễ chịu hơn hẳn”. Sau khi tìm hiểu về thông tin sản phẩm, Chung được người bạn đó chia sẻ công thức sản xuất. Và giờ đây với một nghề mới, anh viết tiếp giấc mơ mới.

Bước ngoặt lớn thứ hai trong đời Chung là khi anh quyết định chuyển sang theo đuổi và kinh doanh dòng xà-bông thảo dược. Anh tâm niệm, khi một cơ hội mới đến, sẽ sẵn sàng thử để xem năng lực của mình thế nào? Một cánh cửa đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Ðiều quan trọng là ta có tiếp nhận nó hay không. Vốn đã có mối quan hệ từ trước, cảm phục nghị lực và quyết tâm vượt lên số phận của Chung, anh Vũ Trung Ðức quyết định hỗ trợ Chung khởi nghiệp cùng số vốn gần 50 triệu đồng ít ỏi tiết kiệm sau hơn 10 năm thi đấu thể thao. Anh Ðức cố vấn cho Chung về kỹ thuật, cung cấp tất cả các nguyên liệu để Chung có thể sản xuất được những sản phẩm tốt nhất ra thị trường.

Cùng với sự giúp đỡ của Ðức, anh Chung về Ninh Bình tìm đến một trang trại thảo dược. Tại đây, Chung được Ðức giới thiệu công dụng từng cây dược liệu. Ðiều này không chỉ giúp Chung có thêm kiến thức, tự tin phát triển nghề mà quan trọng hơn, những chuyến đi này mang lại cho anh những ý tưởng sáng tạo thêm nhiều dòng sản phẩm mới. Xà-bông thảo dược tự nhiên Sam-Sôn ra đời từ đó.

Tất cả các công đoạn làm ra sản phẩm đều thủ công cho nên tốn công sức. Với một người lành lặn, những công đoạn này đã vất vả. Với một người khuyết tật thì nó gấp lên nhiều lần. Theo anh Chung: “Khó nhất là khâu nấu. Nhiệt độ phải vừa đủ, canh cho phôi tan ra để cho nguyên liệu vào. Nếu sôi quá, xà-bông sẽ nhão, nếu sơ ý, phôi tràn xem như là mẻ đó mất trắng. Bên cạnh các sản phẩm dành cho người lớn, anh Chung còn nghiên cứu cho ra đời xà-bông dành cho trẻ em được làm từ muối đun ở nhiệt độ cao. Sản phẩm này tắm cho em bé để ngăn ngừa các bệnh như: Mề đay, rôm sảy, dị ứng... Không chỉ sáng tạo ra nhiều dòng sản phẩm dành cho mọi lứa tuổi, mọi loại da, Chung còn thay đổi mẫu mã, mầu sắc, mùi hương của sản phẩm, với nhiều hình dạng bắt mắt, nhất là mùi thơm mang hương thảo dược tự nhiên...

Câu chuyện giữa chúng tôi thường xuyên gián đoạn do khách đặt hàng qua facebook và đến mua tại căn nhà hai tầng, khang trang sạch đẹp dù rộng chưa đến 20 m2 nằm trong ngõ Thống Nhất, phố Ðại La (Hà Nội). Chung thuê căn nhà này được hai năm qua. Ðều đặn hằng sáng, Chung tập bơi tại câu lạc bộ. Chiều đến, anh mở hàng bán nhưng lúc nào cũng có khách đến mua. Có những người lúc đầu khi đi qua cửa hàng thấy mùi thơm của thảo dược nên vào hỏi và mua với ý nghĩ ủng hộ anh chủ cửa hàng khuyết tật. Nhưng họ thật sự bất ngờ về tác dụng mà sản phẩm đem lại. “Mặc dù giá sản phẩm 50.000 đồng/bánh không phải là rẻ nhưng nó xứng đáng với công sức mà Chung bỏ ra. Càng bất ngờ hơn khi tôi lại thấy bạn này chăm chút tỉ mỉ giới thiệu sản phẩm cho từng khách hàng. Tôi không hề nghĩ anh ấy là một người khuyết tật”, một khách hàng chia sẻ. Có khách hàng phàn nàn vì sản phẩm tốt, họ mua một lần mà không biết tìm ở đâu để mua nữa. Chính điều này giúp anh Chung có thêm niềm tin viết tiếp giấc mơ của mình. Sau ba năm, những đứa con tinh thần của anh đã được đặt tên, có địa chỉ rõ ràng. Không chỉ tặng người thân và bạn bè dùng thử, chia sẻ, nhờ họ bán xà-bông thảo dược tự nhiên Sam-Sôn trên facebook như năm đầu tiên, bước sang năm thứ hai anh mang sản phẩm tham gia hội chợ trên khắp cả nước từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau,… Năm 2018, Chung tìm đến các phiên chợ xanh, phiên chợ tử tế để quảng bá sản phẩm. Ðến hội chợ nào anh cũng mang theo đồ nghề nồi niêu, xoong chảo nấu xà-bông tại chỗ. Khách hàng tò mò mua về dùng thử, về sau trở thành “mối quen” và truyền tai nhau. Anh bật mí, mỗi hội chợ diễn ra trong khoảng 6 đến 7 ngày. Mức tiêu thụ từ 1.500 đến 2.000 bánh xà-bông anh lãi được khoảng 80 đến 120 triệu đồng.

Nhìn lại chặng đường mà mình đã đi qua, để có được thành công trong suốt quá trình từ khi khởi nghiệp cho đến hôm nay, anh Chung rất biết ơn người bạn cùng xóm trọ Vũ Trung Ðức của mình. Vì nhờ có Ðức mà anh biết đến các bánh xà-bông, biết làm ra sản phẩm xà bông Sam-Sôn với mẫu mã đa dạng, đem lại một sản phẩm thân thiện với môi trường. Những bánh xà-bông này đã đem lại thu nhập, giúp Chung cải thiện cuộc sống, và có thể chăm lo được cho gia đình lớn của mình ở quê.

Tôi hỏi Chung mong muốn điều gì nhất vào lúc này? Anh chia sẻ: Hiện nay sản phẩm xà-bông Sam-Sôn đã đến với khá nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đang phát triển mạnh ở TP Hồ Chí Minh. Anh mơ một ngày nào đó, sản phẩm của mình có thể xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới.

Và tôi tin, Chung sẽ làm được!