Vượt khó sau mưa lũ

Mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày, đồng thời các hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn đồng loạt xả tràn khiến nhiều địa phương ở Hà Tĩnh bị ngập lụt nghiêm trọng. Tính đến ngày 23-10, hơn 100 trường học, 36 trạm y tế và hơn 30 nghìn giếng nước ở Hà Tĩnh bị ngập. Để học sinh sớm được đến trường và đẩy lùi các nguy cơ dịch bệnh bùng phát, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các địa phương, đơn vị ở Hà Tĩnh  đang huy động lực lượng, tập trung khắc phục khó khăn sau mưa lũ. 
 

Dọn dẹp vệ sinh Trường mầm non Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
Dọn dẹp vệ sinh Trường mầm non Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Trường tiểu học Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) nằm ở điểm ngập sâu nhất của vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ. Ngay sau khi nước rút, trời tạnh mưa, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Cẩm Xuyên đã huy động các thầy giáo, cô giáo ở vùng không ngập lụt về đây hỗ trợ nhà trường dọn dẹp trường lớp. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Cẩm Xuyên Hồ Thị Xuân Hoàng, lũ về khiến 30 trường học ở vùng bắc Cẩm Xuyên bị ngập lụt, cá biệt có những trường mực nước lũ cao hơn 2 m. Nước lũ đã làm hư hại trang thiết bị và toàn bộ sách vở của học sinh. Vừa nói chuyện với chúng tôi, cô Hồ Thị Xuân Hoàng vừa vớt những cuốn sách giáo khoa ngâm trong bùn nước lên với tâm trạng rất lo lắng: "Hiện nay, toàn bộ sách vở của các em đã bị hư hại, nhưng với sự quan tâm của cả cộng đồng, tôi nghĩ các em sẽ sớm có sách vở để đến lớp. Tuy nhiên, bộ sách giáo khoa lớp 1 được chúng tôi lựa chọn để áp dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới và bộ sách giáo khoa của khối học sinh lớp 2 trên thị trường đang rất hiếm, nếu không có sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng như các nhà xuất bản sẽ rất khó khăn để tìm được sách giáo khoa thay thế". Chung tâm trạng, cô giáo Hoàng Thị Hoa (Trường tiểu học Cẩm Duệ) chia sẻ, nước lũ lên quá nhanh, hầu hết giáo viên trong trường đều bị cô lập không thể đến trường để di dời thiết bị dạy học. Công tác khắc phục đang được tiến hành khẩn trương nhưng khi nắng lên, tất cả các thiết bị làm bằng gỗ ép ngâm nước lâu ngày sẽ hư hỏng. Mang chổi, xô, vượt quãng đường còn ngập nước đến Trường tiểu học Cẩm Duệ dọn dẹp, cô giáo Biện Thị Tình (Trường tiểu học Cẩm Nhượng) cho biết, trong mấy ngày qua, bố mẹ cô ở Cẩm Vịnh bị nước lũ cô lập, cô chưa kịp về thăm gia đình. Song khi có lời kêu gọi của Phòng Giáo dục và Ðào tạo, mọi người đã có mặt tại đây để hỗ trợ các đồng nghiệp vệ sinh trường lớp.

Khác với những đợt trước, đợt lũ lần này nước dâng cao, nhanh, toàn bộ thiết bị dạy học, sách vở dù đã được các trường học kê cao nhưng vẫn bị nước lũ nhấn chìm. Khi nước bắt đầu rút, trong điều kiện nhiều giáo viên, phụ huynh vẫn bị cô lập, điện chưa có, việc dọp dẹp trường học gặp rất nhiều khó khăn. Ðể khắc phục tình trạng này, những ngày qua, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn đã có mặt tại vùng ngập lụt để hỗ trợ các thầy giáo, cô giáo. Ðại tá Hoàng Viết Dũng, Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết: "Mặc dù nước đã rút nhưng rất nhiều phụ huynh đi tránh lũ chưa về nhà được. Hiểu được những khó khăn ấy, chúng tôi đã huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ và máy bơm nước chuyên dụng đến giúp người dân ở các vùng ngập lụt, mà trọng điểm là các xã bị ngập lụt thuộc huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh tại các điểm trường".

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Tĩnh Trần Trung Dũng cho hay, vẫn còn gần 40 nghìn học sinh chưa thể đến lớp. Quan điểm nhất quán của ngành giáo dục Hà Tĩnh là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới cho học sinh đến lớp. Những trường nào nước rút và hoàn thành công việc dọn dẹp, sửa sang và đường sá đi lại thuận lợi thì mới được tổ chức dạy học trở lại. Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Tĩnh cũng chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, trường học chủ động điều chỉnh kế hoạch, sắp xếp lịch dạy bù.

Những ngày nước lũ tràn về, cả Bệnh viện đa khoa Cẩm Xuyên tràn ngập rác thải. Do nằm ở vùng thấp trũng, lại sát với sông Hội nên rác thải tới tấp xuôi về nơi đây. Bác sĩ Phan Thanh Minh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cẩm Xuyên nói: "Thực hiện phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, chúng tôi đã huy động tổng lực trong và ngoài bệnh viện thu gom xác động vật chết, sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn, tránh phát sinh dịch, bệnh truyền nhiễm. Với tinh thần khẩn trương, chỉ một ngày sau khi lũ rút, toàn bộ các phòng khoa, khuôn viên bệnh viện đã được vệ sinh sạch sẽ". Theo bác sĩ Phan Thanh Minh, nước lũ đã làm hư hại ba máy chụp X-quang, toàn bộ thiết bị Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và hệ thống xử lý chất thải lỏng. Ðến ngày 23-10, những phòng bệnh nằm ở tầng một các dãy nhà đều chưa có điện vì hệ thống đường truyền, thiết bị đã hư hỏng. Tại Bệnh viện đa khoa Cẩm Xuyên, bà Ðặng Thị Hương, mẹ của sản phụ Hà ở xã Cẩm Quang nói: "Con tôi chuyển dạ đúng thời điểm đỉnh lũ, đường sá chìm trong biển nước, nhưng may mắn được lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn vận chuyển vào đây. Trong lúc cả bệnh viện mất điện, nước lũ cao gần 2 m, không nề hà, các y bác sĩ đã giúp mẹ con nhà nó vượt cạn thành công". Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Long, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện đa khoa Cẩm Xuyên), chị Hà là một trong 26 sản phụ "vượt cạn" thành công trong đợt lũ vừa qua. Theo chia sẻ của bác sĩ Long, trong điều kiện nước lũ dâng cao gây ngập lụt toàn bộ Khoa Sản, các y, bác sĩ phải liên tục di dời bệnh nhân, thiết bị đến khu vực an toàn. Cả bệnh viện chỉ được một máy phát điện, các y, bác sĩ ưu tiên cho những ca sinh mổ, còn những ca sinh thường thì dùng đèn pin, nến để thực hiện các thao tác hỗ trợ. "Không có điện đồng nghĩa với việc không thể thực hiện kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm cận lâm sàng nhưng nước lũ bao vây tứ bề, bệnh nhân không thể chuyển tuyến được, nếu chúng tôi không chỉ định và phẫu thuật lấy thai thì sản phụ và thai nhi sẽ gặp nhiều bất trắc"- bác sĩ Long cho hay. Trong tổng số 26 sản phụ vượt cạn an toàn vào thời điểm đang lũ, có chín ca sinh mổ trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu, đợt mưa lũ vừa qua đã gây ngập lụt ở 36 trạm y tế, bốn bệnh viện và hơn 30 nghìn giếng nước, gần 35.000 công trình vệ sinh. Tại thời điểm xảy ra lũ lụt, tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế đều được bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế, hóa chất phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch, các bệnh viện cũng cung cấp đầy đủ suất ăn cho bệnh nhân nội trú. Ngay sau khi nước rút, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nếu có. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Khê, tính đến nay đơn vị đã xuất kho gần một tạ cloramin B xử lý được 95% số lượng giếng đào bị nước lũ tràn vào. Ðơn vị cử cán bộ, nhân viên phối hợp các đoàn thể hướng dẫn, giúp đỡ bà con vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng. Tại các địa phương là "tâm lũ" vừa qua như xã Cẩm Thành, Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên); xã Tân Lâm Hương, Thạch Thắng (huyện Thạch Hà)..., Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh đã cử cán bộ chuyên môn đến từng cơ sở để giám sát, phòng dịch theo phương châm "bốn tại chỗ", "nước rút tới đâu làm vệ sinh môi trường tới đó"; duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới; đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt của Bộ Y tế để người dân biết, thực hiện. Trong đợt mưa lũ, CDC Hà Tĩnh đã cấp bổ sung 500 kg cloramin B và 40 nghìn viên aquatab, 20 lít hóa chất diệt muỗi cho các huyện. Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành tại Hà Tĩnh, với nhiều giải pháp tích cực, đã góp phần giám sát, kiểm soát bệnh tật và xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe của người dân và nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường.