Vùng núi phía bắc rét đậm, có nơi rét hại

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sáng sớm 19-1, không khí lạnh tăng cường đến sát biên giới phía bắc nước ta. Các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có mưa, mưa nhỏ. Trong ngày 20 và 21-1, ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét, riêng phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại.

* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2019 - 2020, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ sẽ kéo dài bốn ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 20-1 đến hết ngày 23-1. Trong bốn ngày này, do các hồ thủy điện tăng cường phát điện để phục vụ gieo cấy lúa, nên mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ duy trì ở mức 1,6 m trở lên. Dự kiến lưu lượng xả trung bình tương ứng ngày 20-1 như sau: Hồ Hòa Bình là 1.607 m3/giây, Hồ Thác Bà là 413 m3/giây, Hồ Tuyên Quang là 590 m3/giây; lưu lượng tại Yên Bái là: 95 m3/giây.

* Theo Tổng cục Thủy lợi, năm nay rất khó khăn trong việc lấy nước cho vụ đông xuân của khu vực trung du và đồng bằng sông Hồng. Mực nước tại Hà Nội qua tính toán sẽ không đạt được từ 2,2 m trở lên. Vì vậy, ngành thủy lợi đã phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan, các địa phương xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp.

* Huyện Thường Tín (TP Hà Nội) đã chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Hồng Vân nạo vét kênh mương, tu sửa công trình thủy lợi, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu. Đồng thời yêu cầu các xã kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch sản xuất vụ xuân, tập trung làm đất, chuẩn bị giống lúa, sẵn sàng các điều kiện phục vụ sản xuất. Huyện khuyến cáo người dân cấy lúa đúng khung thời vụ là sau Tết Nguyên đán Canh Tý và xong trong tháng 2 - 2020.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến hết năm 2019, toàn thành phố còn tồn tại 13.182 vụ vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, có 1.798 vụ xả thải vào công trình thủy lợi và 11.384 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khác. Các hành vi vi phạm chủ yếu: Xây nhà cấp ba, cấp bốn; xây dựng nhà xưởng; dựng lều, lán, công trình phụ; xây dựng lò gạch, trồng cây, đào đất, đổ đất, phế thải, vật liệu xây dựng vào công trình thủy lợi...

* Theo dự báo mùa khô 2019 - 2020, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ kéo dài, diện tích cây ăn quả chịu ảnh hưởng do hạn, thiếu nước tưới đến tháng 3-2020. Tại các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn các tỉnh ven biển và cuối nguồn của sông Hậu và sông Tiền có tổng diện tích có khả năng bị hạn, mặn là 80.600 ha, bằng 23% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng ĐBSCL.

* Theo Sở NN và PTNT Sóc Trăng, từ ngày 12-1 đến nay diễn biến xâm nhập mặn sớm hơn năm 2016 là 40 ngày. Mặn theo các cửa sông Hậu, sông Mỹ Thanh lấn sâu vào đất liền khoảng 50 km, có thời điểm độ mặn đo tới 14‰.

* Khoảng 1.300 con vịt của một hộ dân ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) sắp đến ngày xuất bán thì bỏ ăn và chết hàng loạt. Cơ quan thú y huyện trực tiếp đến nắm tình hình; lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn hộ nuôi tiêu hủy số vịt đã chết.

* Liên tục trong những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xảy ra nhiều vụ sạt lở, làm hơn chục nhà dân ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng. Mới đây nhất, vào ngày 17 và 18-1, tại ấp Chợ, khu vực gần cầu Bãi Giá, xã Trung Bình, huyện Trần Đề xảy ra sạt lở đất làm sụt lún 14 căn nhà, rất may không có thiệt hại về người.