Vùng ngọt Cà Mau gượng dậy sau thiên tai

NDO -

Bằng nhiều cách thức khác nhau và sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, vùng bị tổn thương do hạn hán, thiên tai trong năm 2020 ở Cà Mau đang dần hồi phục.

Một đoạn sạt lở dọc chân đê biển Tây, qua huyện Trần Văn Thời trước đây và hiện đã được khắc phục xong.
Một đoạn sạt lở dọc chân đê biển Tây, qua huyện Trần Văn Thời trước đây và hiện đã được khắc phục xong.

Mùa khô này, các kênh, rạch vùng ngọt hóa Trần Văn Thời không còn kiệt khô, trơ đáy. Tuyến lộ ô-tô về trung tâm xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Hưng… cũng không còn bị đứt đoạn như xưa. Những con lộ hư hỏng ngày nào, giờ đã được lấp đất, đá, láng nhựa lành lặn. Tuy không được phẳng phiu như trước nhưng với nhân dân địa phương, được vậy là niềm vui lớn.

Sản xuất đã trở lại bình thường; giao thông liền mạch không còn bị chia cắt; con cá, cọng rau và những nông sản làm ra được thương lái đến tận nhà thu mua; nhà có người đau ốm cũng có xe bốn bánh đến được tận nơi trở đi trạm xá… Những tuyến đường vừa “lành vết thương” ấy còn giúp nhân dân vùng ngọt Trần Văn Thời dễ dàng di chuyển đến tận các điểm bỏ phiếu, thực hiện quyền làm chủ công dân cho ngày hội lớn của dân tộc sắp diễn ra...

TVT_2-1618556797203.jpg
 Kênh rạch vùng ngọt Trần Văn Thời mùa khô hạn 2020.

Trở lại vùng ngọt Trần Văn Thời vào sáng 16-5, các xe trong đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau không còn đi đường vòng. Tình cảnh ấy ngược hoàn toàn với mùa khô năm 2020. Mùa khô ấy, vùng đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu “đại hạn” khốc liệt nhất trong lịch sử. Ở Cà Mau, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là vùng ngọt hóa Trần Văn Thời. Khô hạn kéo dài khiến kênh rạch khô cạn nước. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng loạt tuyến đường nông thôn, đường láng nhựa về trung tâm xã bị "xé toạc", sụp lún, hư hỏng nặng.

Vài địa phương của Trần Văn Thời trong phút chốc trở thành “ốc đảo”, dòng chảy hàng hóa bằng xe cơ giới gần như bế tắc, trong khi giao thông thủy bị tê liệt hoàn toàn. Hệ lụy, nông sản không có người thu mua, nếu có thì bị o ép hoặc mua với giá rẻ. Đó là chưa kể cây trồng, vật nuôi… bị “khát nước” lâu ngày, kiệt quệ… khiến không ít nhà nông thất thu.

Sau “đại hạn”, chính quyền, cơ quan chức năng thống kê thiệt hại ở Trần Văn Thời: 1.287 vị trí sụp lún, sạt lở đất với chiều dài hơn 32,5 km. Trong đó, có 5 tuyến giao thông huyết mạch bị sạt lở, sụp lún: Tuyến đường trên đê biển tây, Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc, tuyến ô-tô về trung tâm xã Trần Hơi, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây; 15 cống ngăn mặn bị rò rỉ, xói đáy, nước mặn từ ngoài xâm nhập vào vùng ngọt ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân… Con số trên chưa bao gồm thiệt hại về sản xuất do cây trồng, vật nuôi chết khô hoặc giảm năng suất vì thiếu nước.

TVT_6-1618556796860.jpg
 Khu vực sụp lún trên đê biển Tây (đoạn Kênh Mới - Đá Bạc) năm 2020.

Mùa khô đi qua, tưởng đã yên nhưng ai ngờ họa trên trời ập đến. Hạn không thấy mưa nhưng khi mưa thì xối xả, dầm dề... Những cơn mưa không có điểm dừng đã khiến 144 tuyến kênh, rạch (tổng chiều dài hơn 306 km) trên địa bàn huyện Trần Văn Thời bị ngập sâu. Kênh ngập, ruộng ngập không nơi nào thoát được nước khiến nhiều tuyến đường nông thôn như biển nước. Trước tình cảnh “không thấy đâu là đường”, chính quyền Trần Văn Thời phải cho học sinh tạm nghỉ học vài ngày chờ tháo úng. Trong tình thế bất khả kháng, an toàn cho các em là trên hết.

Một năm đi qua, mùa khô mới lại vào cao điểm nhưng không khốc liệt như trước. Cũng nhờ vậy, Trần Văn Thời có thời gian khắc phục dần dà những công trình hư hỏng, tổn thương. Dù chưa mỹ mãn như mong đợi nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự hỗ trợ của Trung ương, đến nay, Trần Văn Thời đã khắc phục được hơn 70 tuyến đường (tổng chiều dài gần 17 km) hư hỏng vì sụp lún và đắp bờ bao 144 tuyến kênh bị úng ngập; 14 trong số 15 cống ngăn mặn bị rò rỉ, xói đáy đã được xử lý chống thấm bản đáy, cống còn lại được đắp đập ngăn mặn; các điểm sụp lún, sạt lở dọc đê biển tây qua địa phận Trần Văn Thời được xử lý ổn bằng các kè rọ đá, thảm đá gia cố chân đê.

Qua kiểm tra thực tế trong sáng 16-4, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải ghi nhận, chia sẻ những thiệt hại mà nhân dân vùng ngọt Trần Văn Thời đã hứng chịu. Người đứng đầu cấp ủy Cà Mau yêu cầu chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan khẩn trương hơn nữa, quyết liệt hơn nữa nhằm giải ngân nhanh các nguồn vốn hỗ trợ trong khắc phục hạn hán, sớm hoàn thành các công trình phục vụ dân sinh, giúp nhân dân trong vùng yên tâm tái sản xuất, ổn cuộc sống.