Vĩnh Phúc nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội cho người dân

Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện các giải pháp đa dạng nhằm tạo việc làm, đầu tư cho y tế, giáo dục, mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và các chính sách hỗ trợ đời sống nhân dân.

Một góc thành phố Vĩnh Yên.
Một góc thành phố Vĩnh Yên.

Bảo đảm các nhu cầu cơ bản, thiết yếu

Trong 10 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến công tác lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tại thời điểm ngày 1-10-2020 giảm 4,68%, trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1,94%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 18,71%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,73%. Cùng lúc đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 5,03%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,77%; ngành sản xuất, phân phối điện tương đương cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,11%. Đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 10 giảm 14,64% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có một số ít ngành công nghiệp có chỉ số tiêu thụ tăng so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng tăng 19,24% so với tháng trước và tăng 72,95% so cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành đều có chỉ số tồn kho tháng 10 tăng cao so cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp cũng gặp khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát nhưng tốc độ tái đàn chậm do giá con giống cao và nguồn cung con giống thiếu hụt. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tất cả những vấn đề đó ảnh hưởng bất lợi đến đời sống của nhân dân trong tỉnh.

Trong điều kiện đó, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chỉ đạo bảo đảm tốt nhất an sinh xã hội cho nhân dân. Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được các ngành, các địa phương triển khai rộng khắp. Tính đến 31-10-2020, toàn tỉnh có hơn một triệu người tham gia đóng bảo hiểm các loại. Trong đó, bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là 210.766 người, BHXH tự nguyện là 8.743 người, bảo hiểm thất nghiệp là 202.568 người và bảo hiểm y tế là 1.077.562 người. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,4% dân số. Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đến 31-10-2020 ước thực hiện 4.075,7 tỷ đồng, đạt 81,23% so với kế hoạch và tăng 383,2% so với cùng kỳ năm 2019. Công tác cấp sổ, thẻ bảo hiểm các loại theo đúng quy trình. Công tác chi trả, nhất là trả lương hưu và trợ cấp BHXH được thực hiện đồng bộ, nhanh gọn và an toàn đến tận tay người dân. Công tác giải quyết các chế độ BHXH được thực hiện kịp thời, đúng quy định cho các đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH với tổng số tiền 3.533,8 tỷ đồng. Trong đó, giải quyết hưởng BHXH hằng tháng cho 899 người; giải quyết hưởng BHXH một lần cho 6.936 người; giải quyết ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 105.327 lượt người; lập danh sách chi trả cho 7.923 lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, thiếu nguồn vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, người lao động phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm lương hoặc nghỉ không hưởng lương... Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ổn định lao động cho các doanh nghiệp. Tỉnh cung cấp kịp thời các thông tin về cung cầu lao động cho doanh nghiệp; khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ở các doanh nghiệp; chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp động viên, hỗ trợ hiệu quả người lao động quay trở lại đơn vị làm việc; tìm kiếm, tuyển dụng lao động mới cho các doanh nghiệp. Để giúp người lao động tìm việc làm mới, nắm bắt thông tin về chính sách lao động việc làm đang có hiệu lực, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm qua tổng đài, website, facebook và fanpage của trung tâm. Chín tháng đầu năm, ước tính đã giải quyết việc làm cho 13.941 lao động, đạt 69,7% so với kế hoạch năm 2020; trong đó, giải quyết việc làm trong nước đối với 13.348 lao động, đưa 593 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ việc tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm định kỳ và hai phiên giao dịch việc làm lưu động, kết quả đã có 225 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động tại sàn giao dịch việc làm, số lao động được tuyển tại các phiên giao dịch việc làm là 1.040 người.

Cơ sở vật chất, thiết bị cho đào tạo nghề được đầu tư, hoàn thiện, trình độ giáo viên dần chuẩn hóa. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã xây dựng các chương trình liên kết đào tạo, bồi dưỡng với các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Năm 2020, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo kế hoạch, đã tổ chức đào đạo trình độ sơ cấp và dưới ba tháng cho 1.478 lao động.

Tỉnh đã phê duyệt kế hoạch giảm nghèo năm 2020; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức ký cam kết về chỉ tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo năm 2020. Các huyện, thành phố đã triển khai các chương trình, đề án, dự án giảm nghèo được cấp có thẩm quyền thông qua, thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công, các đối tượng chính sách theo quy định. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể tập trung thực hiện tốt việc thăm hỏi và tặng quà, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công.

Triển khai Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bảo đảm kịp thời, chính xác và hiệu quả, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn thực hiện; tích cực rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng, thẩm định, phê duyệt danh sách, thực hiện chi trả trước tiên cho các nhóm đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tính đến ngày 31-7-2020, toàn tỉnh đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ khó khăn cho 94.440 đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 125,54 tỷ đồng.

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tiếp tục được cải thiện đáng kể về mọi mặt, các quyền của trẻ em ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động được hơn 30 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cam kết tài trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua Quỹ với tổng số tiền hơn 3,1 tỷ đồng; trao 640 suất quà nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4 và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6; trao tặng thuốc bổ, vật tư y tế, khẩu trang y tế cho trẻ em vùng dịch…

Tính đến ngày 16-10-2020, Vĩnh Phúc có 12 trường hợp mắc Covid-19, đều được chữa khỏi bệnh và xuất viện, tình trạng sức khỏe ổn định. Tổng số trường hợp đã được theo dõi, giám sát tại tỉnh là 14.703 người. Ngành y tế đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 10.234 trường hợp, trong đó có 19 mẫu dương tính; 10.214 mẫu âm tính; một mẫu chờ kết quả xét nghiệm. Tổng số trường hợp đang được cách ly tại tỉnh là 39 người. Từ ngày 4-4-2020, tỉnh Vĩnh Phúc không ghi nhận ca nhiễm mới.

Vĩnh Phúc nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội cho người dân -0

Cánh đồng mẫu lớn ở xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường). Ảnh: KHÁNH LINH

Tập trung thực hiện các chỉ tiêu về an sinh xã hội

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 17 tiến hành từ ngày 13 đến 15-10-2020 đã thảo luận và quyết nghị về nhiệm vụ phát triển văn hóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu nhập thực tế bình quân đầu người đạt 130 đến 135 triệu đồng; tạo việc làm tăng thêm hằng năm từ 16 đến 17 nghìn việc làm mới. Thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp đạt hơn hai lần mức lương tối thiểu vùng; tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo chuẩn mới còn dưới 1%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, cấp chứng chỉ đạt 40%; đạt 15 bác sĩ/vạn dân, 40 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế đạt hơn 95%; tỷ lệ tham gia BHXH đạt 45% lực lượng lao động; diện tích nhà ở bình quân đến năm 2025 đạt 31,3 m² sàn/người. Phấn đấu hết năm 2022, toàn bộ các huyện đạt chuẩn nông thôn mới; hết năm 2025 có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Tháng 7-2020, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Ba mức hỗ trợ như sau: 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Tỉnh đang quyết tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thông qua nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn của tỉnh trong 5 năm tới. Trọng tâm là xây dựng đô thị của Vĩnh Phúc xanh - sạch - đẹp - văn minh, hướng đến phát triển bền vững, hiện đại, có bản sắc và đồng bộ. Xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, xã hội; xử lý tốt ô nhiễm môi trường; phát huy vai trò tự quản của nhân dân; khôi phục, nâng cấp các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng địa phương. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho các cơ sở y tế; hoàn thành đồng bộ, đưa vào sử dụng hiệu quả Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện đa khoa tỉnh mới. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển và quản lý xã hội kỷ cương, bền vững; thực hiện hiệu quả tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hạnh phúc cho nhân dân. Nâng cao một cách rõ nét chất lượng cuộc sống của người dân, chuyển thành quả phát triển kinh tế vào đời sống người dân và xã hội.