Vĩnh Phúc hỗ trợ hiệu quả các hộ nghèo

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đồng hành cùng chính quyền địa phương chăm lo đời sống người nghèo.

Người dân xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mở rộng mô hình trồng cây ba kích từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Người dân xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mở rộng mô hình trồng cây ba kích từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" của các cấp và các nguồn hỗ trợ khác, một năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ xây dựng 161 nhà đại đoàn kết với tổng số tiền gần chín tỷ đồng. Quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh và huyện chi gần sáu tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Mới đây, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ công tác an sinh xã hội. Theo đó, tăng cường hỗ trợ về cây, con giống và vốn sản xuất tới hộ nghèo; tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ưu tiên hỗ trợ xây mới nhà ở với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ tại tất cả huyện, thành phố. Ủy ban MTTQ tỉnh tham mưu Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp triển khai hoạt động hợp tác thỏa thuận hỗ trợ người nghèo giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các thành viên Ban vận động trong việc rà soát, tổng hợp, đề xuất hỗ trợ người nghèo, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, góp phần giúp người nghèo sớm vượt qua khó khăn.

* Trên địa bàn TP Ðà Nẵng hiện có 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 20 trường cao đẳng, sáu trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 cơ sở khác với tổng quy mô tuyển sinh đào tạo khoảng 53 nghìn học sinh, sinh viên với 260 ngành nghề đào tạo khác nhau. Thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm đổi mới, cập nhật những nội dung, phương pháp, góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề. Từ đó, số lượng, chất lượng lao động có tay nghề cao của thành phố đang được cải thiện. Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tạo điều kiện cho học viên đến thực tập tại doanh nghiệp; ký kết tuyển dụng học viên vào làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Trước tình hình việc phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề còn hạn chế; công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh học nghề hiện nay chưa đủ mạnh để tác động làm chuyển biến nhận thức của người dân; chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo, đánh giá và tuyển dụng lao động…

Thành phố triển khai nhiều chủ trương giải pháp lâu dài, bền vững để giáo dục nghề nghiệp, nghiên cứu sự dịch chuyển lao động, sự cạnh tranh nguồn lao động có tay nghề cao trong khu vực ASEAN, từ đó đề ra chiến lược nâng cao vị thế và uy tín trong việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, không chỉ cho thành phố mà cho cả khu vực.