Vĩnh Long quyết liệt phòng, chống hạn mặn

NDO -

NDĐT - Ngày 12-12, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020. Nguyên nhân do mấy ngày qua, thực đo độ mặn trên các sông thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long có nơi đạt gần 10‰.

Người dân trữ nước ngọt trong ao vườn, phục vụ công tác tưới tiêu thích ứng với hạn mặn.
Người dân trữ nước ngọt trong ao vườn, phục vụ công tác tưới tiêu thích ứng với hạn mặn.

Theo báo cáo, tại Vĩnh Long, mặn xuất hiện rất sớm, ngay từ những ngày 8 và 9-12, độ mặn trên 5g/l (hay trên 5‰) đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh (trùng với kỳ triều cao rằm tháng 11 âm lịch), sớm hơn mùa khô năm 2018-2019 một tháng. Đến ngày 10-12, độ mặn trên sông Cổ Chiên lên mức xấp xỉ và thấp hơn đỉnh mặn năm 2016 một ít, sông Hậu độ mặn lên cao hơn năm 2016. Trên sông Cổ Chiên tại huyện Vũng Liêm độ mặn từ 5,8 đến 8,2‰, đặc biệt tại vàm Mang Thít (giám huyện Vũng Liêm và Mang Thít) đã lên mức xấp xỉ 5,8‰ (vượt đỉnh mặn năm 2016 là 0,3‰); trên sông Hậu tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) đạt 6,3‰ (vượt đỉnh mặn năm 2016 là 1,4‰).

Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) tỉnh Vĩnh Long, Nguyễn Văn Lợi, cho biết, 38 năm qua, chưa có năm nào tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn như những ngày qua. Theo quy luật nhiều năm, tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn từ tháng 2 đến tháng 5, cao điểm độ mặn cao nhất thường xuất hiện trong tháng 3, tháng 4. Nhưng trong những năm gần đây quy luật này đã biến đổi, mặn xâm nhập sớm hơn và độ mặn cao hơn. Cụ thể chưa có năm nào trong tháng 12 tại Cống Nàng Âm độ mặn cao 8,2‰, tại Vàm Vũng Liêm cao 6,6‰.

Nguyên nhân ban đầu do lượng dòng chảy ở Biển Hồ (Cam-pu-chia) thiếu hụt khá nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN). Hiện tại, tổng lượng Biển Hồ thấp hơn trung bình nhiều năm 21,9 tỷ m3, cao hơn 2015 là 1,05 tỷ m3; Dòng chảy mùa mưa năm 2019 các nơi thấp hơn TBNN từ 30-40°/s. Dòng chảy trên sông Cửu Long ở mức thấp hơn giá trị lịch sử. Tổng lượng nước về đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục suy giảm. Dự báo là từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020, tổng lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long khoảng 25,6 tỷ m3 thiếu hụt so TBNN 3,4 tỷ m3, thấp hơn so năm 2018- 2019 là 10,1 tỷ m3; từ tháng 3 đến tháng 5-2020, tổng lượng dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long khoảng 26,4 tỷ m3 ở mức cao hơn với TBNN 6,9 tỷ m3, thấp hơn năm 2019 là 9,8 tỷ m3; Trạng thái ENSO tiếp tục được dự báo ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng trong tháng cuối năm 2019 và nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái này cho đến nửa đầu năm 2020. Nền nhiệt không chỉ ở khu vực ĐBSCL và trên toàn quốc đều tăng cao lên khoảng 0,5 đến 1,5 độ C.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm, hiện tất các cống đập ngoài sông lớn và sông, rạch nội đồng có nguy cơ nước mặn xâm nhập ở huyện Vũng Liêm tiếp tục được đóng kín để giữ nước ngọt và ngăn không cho nước mặn tiếp tục xâm nhập. Các xã tập trung đo độ mặn trong nội đồng để có những khuyến cáo phù hợp đến nông dân, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc lúa trong điều kiện thiếu nước, xâm nhiễm mặn. Độ mặn có chiều hướng tăng và tiếp tục đi sâu vào nội đồng theo nước triều đợt này.

Theo người dân thị trấn Vũng Liêm, nước mặn nồng độ cao xâm nhiễm từ ngày 7-12 đến nay. Có thời điểm độ mặn đo được lên đến 6,5‰. Xâm nhập mặn đã làm xáo trộn sinh hoạt của người dân bởi thị trấn có hơn 98% số hộ sử dụng nước máy bị nhiễm mặn. Cái khó của người dân hiện nay là thiếu nước ngọt sinh hoạt do thiếu thiết bị dự trữ, những hộ có thiết bị thì trữ nước không kịp. Một cở sở sản xuất nước đóng chai cũng ngưng hoạt động vì nước bị nhiễm mặn không thể hoạt động được.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN đã khuyến cáo người dân dự trữ nước ngọt và tưới nước tiết kiệm cho cây trồng. Trong đó phát huy tối đa các túi chứa nước ngọt; tận dụng hệ thống ao, mương vườn trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất… Tỉnh cũng đang tập trung thực hiện và hoàn thành 83 công trình thủy lợi ứng phó hạn, xâm nhập mặn. Đặc biệt, ngành chuyên môn tiếp tục theo dõi độ mặn xâm nhập tại các cửa sông để cập nhật thông báo kịp thời đến các địa phương, người dân chủ động ứng phó.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long, Lê Quang Trung cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh phải kịp thời thông báo, chủ động tuyên truyền và phối hợp người dân khi sự cố xảy ra. Trước mắt, rà soát tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch sản xuất thích ứng các tình huống kịch bản xảy ra. Bảo đảm nước cho người dân, ưu tiên sử dụng các giải pháp và kinh nghiệm của người dân. Tuyên truyền cho người dân sử dụng nước tiết kiệm, trữ nước và phải bảo vệ môi trường.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm, chỉ đạo các địa phương phải quyết liệt hơn trong công tác phòng chống hạn mặn, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhanh chóng rà soát bổ sung kế hoạch phòng chống hạn mặn của tỉnh và từng địa phương cụ thể. Làm tốt công tác thông tin dự báo chính xác. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi đất sản xuất, thời vụ sản xuất thích ứng với hạn mặn. Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm nay, các địa phương phải xây dựng kế hoạch trực 100%, 24/24 giờ, bảo vệ đê bao trước các đợt triều cường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng vườn cây ăn trái, ruộng lúa và hoa màu của người dân.

Vĩnh Long quyết liệt phòng, chống hạn mặn ảnh 1

Nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy tránh tình trạnh ô nhiễm môi trường và trữ nước trong mùa hạn mặn.