Việt Nam, New Zealand hợp tác về giáo dục nghề nghiệp

NDO -

Ngày 20-7, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Hợp tác liên chính phủ, New Zealand. 

Việt Nam, New Zealand hợp tác về giáo dục nghề nghiệp

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ hai nước Việt Nam và New Zealand đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực. Trong thời gian tới, Chính phủ hai nước sẽ sớm đẩy mạnh và nâng tầm mối quan hệ hợp tác toàn diện lên mối quan hệ hợp tác chiến lược. Sau những chuyến thăm của lãnh đạo hai nước trong thời gian qua, Chính phủ New Zealand đã có một số hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng như chia sẻ kinh nghiệm triển khai Khung trình độ quốc gia; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu về khung trình độ quốc gia tại New Zealand; trao học bổng học tiếng Anh ngắn hạn…

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của New Zealand rất mềm dẻo, linh hoạt và đáp ứng thị trường lao động với sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp hết sức chặt chẽ. Những kinh nghiệm về phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề của New Zealand đáng để Việt Nam nghiên cứu và có những vận dụng phù hợp phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. 

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nhấn mạnh, với những thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của hai quốc gia, đây là cơ hội tốt để hai bên đẩy mạnh và cụ thể hóa mối quan hệ hợp tác về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, cho biết, nền tảng của mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ hai nước trong nhiều năm qua vẫn luôn là giáo dục và đào tạo. New Zealand với sự phát triển mạnh mẽ về hệ thống giáo dục nghề nghiệp cùng sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp cung cấp những kỹ năng cần thiết cho người lao động để giúp họ thành công trong tương lai. Chính phủ New Zealand luôn mong muốn được chia sẻ với Việt Nam những thách thức cũng như kinh nghiệm trong phát triển giáo dục nghề nghiệp của New Zealand, từ đó giúp Việt Nam phát triển giáo dục nghề nghiệp và hình thành nguồn nhân lực có kỹ năng. Đồng thời, mong muốn được học hỏi những kinh nghiệm phát triển giáo dục nghề nghiệp của Chính phủ Việt Nam.

Ngay sau nghi thức ký kết hợp tác, hai bên đã tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan tới sự phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới, những thế mạnh hợp tác giáo dục nghề nghiệp của New Zealand và triển khai thỏa thuận vừa ký kết trong thời gian tới. 

Giáo dục nghề nghiệp luôn là lĩnh vực mà Chính phủ New Zealand đầu tư và coi trọng. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển linh hoạt, mềm dẻo gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thị trường lao động. Điểm nhấn trong hệ thống giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp New Zealand chính là có khung trình độ quốc gia với gần 30 năm xây dựng, cập nhật và hoàn thiện đáp ứng ngày một đầy đủ theo yêu cầu thay đổi ngành nghề đào tạo, thay đổi về việc làm, thị trường lao động. 

Bên cạnh đó, để phát triển giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ nước bạn luôn có chính sách ưu tiên đối với từng lĩnh vực ngành nghề theo những lĩnh vực kinh tế thế mạnh của quốc gia này như: sản xuất chế biến các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu, phát triển du lịch… Vai trò các hiệp hội ngành/nghề, lĩnh vực rất quan trọng trong phát triển khung trình độ quốc gia, kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, các ngành công nghiệp, chuẩn hóa và công nhận trình độ kỹ năng của người lao động.
Phía Việt Nam đề xuất New Zealand hợp tác, hỗ trợ Việt Nam một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Đó là chương trình hỗ trợ phát triển chính thức; trao đổi hỗ trợ xây dựng chính sách về giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; kết nối hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam với cơ sở giáo dục nghề nghiệp New Zealand cả về chiều rộng lẫn chiều sâu...

Bên cạnh đó, để triển khai tốt Thỏa thuận ký kết hợp tác, cần có kế hoạch cụ thể, đánh giá rút kinh nghiệm cho từng giai đoạn triển khai để có kế hoạch phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.