Về nơi nguồn cội

Những ngày đầu tháng 3, khi hoa mơ, hoa mận còn đang khoe sắc, những khóm trà hoa vàng chuẩn bị lên đợt nụ mới, chúng tôi về xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn).

Người dân xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn thu hái nụ trà hoa vàng.
Người dân xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn thu hái nụ trà hoa vàng.

Nằm trọn trong vùng An toàn khu (ATK) Chợ Ðồn, xã Nghĩa Tá hội đủ các điều kiện để được Trung ương Ðảng lựa chọn là căn cứ địa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng tại đây, cách nơi ở của Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh không xa, Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) đã đặt trụ sở, hoạt động sôi nổi trong những ngày gian khó.

Về Khuổi Ðăm

Cụ Ngôn Văn Vàng năm nay đã 91 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày cùng thanh niên trong làng đi đón cán bộ Báo Sự Thật về đặt nhà in, nơi ở, làm việc tại khu Khuổi Ðăm, thôn Nà Khằn vào năm 1947. Khi ấy, khu Khuổi Ðăm, có dòng suối nhỏ chảy qua, tựa lưng vào núi, rừng rậm, đi lại rất khó khăn nên rất bí mật, an toàn. Như sống lại những ngày trai trẻ, cụ Vàng phấn khởi kể: "năm ấy tôi mới gần 17 tuổi, được cán bộ xã, thôn quán triệt nên hiểu rõ tầm quan trọng của việc thôn Nà Khằn được đón một cơ quan của Trung ương về đóng trên địa bàn. Khi Báo Sự Thật đi vào hoạt động, có nhiều cán bộ, thanh niên trong làng vui lắm, thường xuyên vào để giúp đỡ. Anh em còn trồng rau bí, rau muống để cung cấp cho các cán bộ của Báo".

Theo cuốn Lịch sử Ðảng bộ xã Nghĩa Tá (giai đoạn 1948 - 2016), vào năm 1946, thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Ðảng và Chính phủ chọn căn cứ địa Việt Bắc (trong đó có huyện Chợ Ðồn) làm thủ đô kháng chiến. Ðể bảo đảm an toàn, bí mật, các cơ quan Trung ương lần lượt rời Thủ đô Hà Nội lên ở và làm việc tại ATK. Một số cơ quan Trung ương đến đóng tại huyện Chợ Ðồn, trong đó có Báo Sự Thật.

Theo các nhân chứng địa phương, vào khoảng năm 1947, cơ quan Báo Sự Thật sơ tán đến xã Nghĩa Tá. Ðoàn có nhiều người mang nhiều máy móc cồng kềnh, trong đó có chiếc máy khoảng 18 đến 20 người khiêng. Ban đầu đoàn trọ ở nhà dân, sau đó chính quyền và nhân dân địa phương tìm địa điểm giúp dựng lán làm xưởng, nhà ở, nhà làm việc. Tại địa điểm Khuổi Ðăm, cơ quan Báo Sự Thật chia làm ba khu, gồm: Khu lán dành cho xưởng, khu dành cho công nhân, khu dành cho cán bộ lãnh đạo. Cơ quan báo hoạt động thường xuyên, nhiên liệu dùng cho máy móc vận hành là than củi.

Trong thời gian đóng tại Khuổi Ðăm, Báo Sự Thật đã in và phát hành nhiều sách, báo nói về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Những bài đăng trên báo là những phóng sự từ mặt trận gửi về, các bài viết mang tính lý luận góp phần nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, chiến sĩ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng và Chính phủ, hăng hái thi đua giết giặc lập công. Ðặc biệt là các bài viết của Bác Hồ, đăng trên báo với bút danh X.Y.Z, A.G, L.T, Lê Nhân...

Báo Sự Thật là tiền thân của Báo Nhân Dân, phát hành số đầu tiên từ ngày 5-12-1945 với danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Các Mác ở Ðông Dương, nhưng thực chất Báo Sự Thật là tờ báo của Ðảng. Báo Sự Thật ra đời đã góp phần quan trọng vào công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đấu tranh cho nền độc lập, tự do của đất nước, khơi dậy niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng. Ngày 21-12-1950, Báo Sự Thật ra số cuối cùng, hoàn thành vai trò lịch sử của mình, nhường vị trí cho sự ra đời của Báo Nhân Dân vào năm 1951. Với sự kiện quan trọng của cơ quan Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân ngày nay) đặt trụ sở làm việc, sinh hoạt trong điều kiện hết sức khó khăn tại ATK Chợ Ðồn thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 2011, UBND tỉnh Bắc Kạn đã xếp hạng di tích Khuổi Ðăm là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Khuổi Ðăm những ngày này vẫn rì rào gió hát. Những sải rừng trồng xanh mượt ôm trọn khu di tích. Dòng suối nhỏ vẫn róc rách chảy qua di tích như kể lại những ngày gian khổ từ năm 1947 đến 1950. Bằng nhiều nỗ lực, Báo Nhân Dân đã đầu tư xây dựng được điểm, bia ghi di tích tại Khuổi Ðăm. Từ quốc lộ 3C vào tới khu di tích không xa cho nên dù đường vào còn nhỏ, hẹp nhưng di tích đã đón nhiều du khách tới tham quan. Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tá Hoàng Văn Vụ chia sẻ, di tích là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho lớp trẻ. Nhân dân xã Nghĩa Tá luôn tự hào việc được là nơi ở, làm việc của các cơ quan Trung ương trong đó có Báo Sự Thật.

Vững tin theo Ðảng

Dù còn nhiều khó khăn nhưng tiếp nối truyền thống cách mạng, Nghĩa Tá giờ đây đã khởi sắc. Những ngày tháng 3, tấp nập xe ô-tô đến xã chở măng về xuôi tiêu thụ. Những sải rừng tre, vầu, luồng trước đây che chở cán bộ nay trở thành rừng cây cho hiệu quả kinh tế. Theo tính toán của ngành nông nghiệp Chợ Ðồn, các xã ATK, trong đó có Nghĩa Tá, mỗi vụ măng, người dân thu về khoảng 40 tỷ đồng. Trên những cánh rừng ở Nghĩa Tá từ lâu đã có những gốc trà hoa vàng sinh sôi, nảy nở. Loài cây quý này giờ đây trở thành cây làm giàu cho người dân.

Pha ấm trà hoa vàng, sắc nước vàng tươi, nhấp ngụm trà giữa tiết trời se lạnh càng thấy ấm lòng. Cô gái Tày nhỏ nhắn Dương Khánh Ly, đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hòa Thịnh chia sẻ, nhận thấy giá trị kinh tế của cây trà hoa vàng, người dân đã đánh gốc, ươm cây trồng tập trung. Ðến nay, HTX trồng được hơn 5.000 cây trà hoa vàng trên diện tích 6 ha, trong đó, gần 2.000 gốc đã cho thu hái hoa. Thời điểm hoa trà bắt đầu nở và được thu hoạch từ tháng 10 âm lịch đến tháng 2 năm sau, người hái phải chọn thời điểm hoa chuẩn bị nở, sau khi HTX thu mua về sẽ tiến hành chọn, phân loại, rồi hấp cách thủy khoảng năm phút. Sau khi hấp cách thủy, từng bông hoa sẽ được tẽ cánh, sau đó cho vào lò sấy. Tẽ cánh hoa là công đoạn tỉ mẩn, đòi hỏi nhiều thời gian nhất. Từng cánh hoa được nhẹ nhàng tách ra, vừa khéo léo để không bị rách, không ảnh hưởng đến nhụy hoa, vừa phải bảo đảm tính thẩm mỹ. Với giá bán 12 triệu đồng/kg, trà hoa vàng đã trở thành cây chủ lực làm giàu, xây dựng nông thôn mới cho Nghĩa Tá. Sản phẩm của HTX được công nhận xếp hạng OCOP ba sao, xuất bán tới các thành phố lớn.

Càng vui hơn khi những ngày đầu tháng 3 này, xã Nghĩa Tá chính thức được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình sản xuất trên diện rộng, gồm: chăn nuôi trâu sinh sản, trồng trà hoa vàng, trồng dưa hấu dưới ruộng, mô hình cánh đồng 100 triệu đồng/ha, trồng gừng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/năm. Toàn bộ 32 km đường xã, trung tâm xã đến huyện đã được nhựa hóa; đường liên thôn cứng hóa được hơn 82%; kiên cố hóa kênh, mương thủy lợi, bảo đảm tưới tiêu cho 100% diện tích; hơn 98% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia; kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện; bản sắc văn hóa được giữ vững.

Truyền thống cách mạng năm xưa luôn được đồng bào các dân tộc ở Nghĩa Tá gìn giữ, nêu cao. Những việc chung, việc khó luôn được người dân đồng lòng, chung tay giải quyết. Từ năm 2015 đến nay, nhân dân trên địa bàn đã hiến hơn 58.000 m2 đất ruộng, vườn và đất rừng, vật liệu, hơn 1.000 công lao động và hơn 80 triệu đồng tiền mặt để làm đường nông thôn mới. Nghĩa Tá cũng đi đầu trong việc bảo vệ môi trường với mô hình "Dân vận khéo về chung tay bảo vệ môi trường". Trong mỗi buổi vệ sinh, người dân được hướng dẫn phân loại rác, vận động xây dựng bể chứa nước thải chăn nuôi... Công tác bảo vệ môi trường của xã đi vào nền nếp, việc tổng vệ sinh được cố định vào ngày 28 hằng tháng với khoảng hơn 500 người cùng tham gia. Mô hình đã được Huyện ủy Chợ Ðồn công nhận là mô hình "dân vận khéo"
tiêu biểu.

Tuyến quốc lộ 3C nối từ ATK Ðịnh Hóa (Thái Nguyên) tới Chợ Ðồn đi qua Nghĩa Tá vừa hoàn thành cải tạo, phẳng phiu, sạch đẹp. Có đường mới, rồi đây sẽ thêm nhiều du khách được tới thăm những di tích ATK Chợ Ðồn. Sẽ có nhiều người tới với di tích Khuổi Ðăm để biết, để hiểu trong gian khổ, khó khăn, các nhà báo tiền bối đã "tác nghiệp" ra sao để tiếng nói của Ðảng, Chính phủ tới với nhân dân, tạo tiền đề cho sự ra đời của Báo Nhân Dân. Rời Nghĩa Tá, đi giữa những sải rừng trồng bát ngát, trên những tuyến đường liên thôn đã đổ bê-tông hôm nay càng thấy thêm gắn bó, nhớ thương vùng đất cội nguồn cách mạng nặng nghĩa, nặng tình.

TUẤN SƠN