Ước vọng của đồng bào Dao ở Thần Sa

NDO -

Bao đời nay, gần 100 hộ đồng bào dân tộc Dao xóm Tân Kim, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) sống trong những căn nhà tựa lưng vào núi, nhìn ra dòng suối. Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, không những sinh kế của họ ngày càng bị thu hẹp mà môi trường sống cũng không an toàn như trước. Người dân mong ước được hỗ trợ để có tương lai tốt đẹp cho con em họ mai sau.

Con em xóm Tân Kim thường xuyên phải đi dọc dưới dòng suối ô nhiễm.
Con em xóm Tân Kim thường xuyên phải đi dọc dưới dòng suối ô nhiễm.

Nguy cơ lũ ống, lũ quét

Từ xa nhìn xóm Tân Kim nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi cao, ở giữa là một khe suối nhỏ và dài, cũng có tên Tân Kim. Trước đây, xóm chỉ có vài chục hộ dân đồng bào dân tộc Dao. Càng về sau, số hộ càng tăng do con em trưởng thành xây dựng gia đình, tách hộ.

Đến nay, Tân Kim có 82 hộ, 100% là dân tộc Dao sinh sống trong những căn nhà gỗ, trong đó nhiều căn là nhà tạm trải dài khoảng 2 km dọc bờ suối. Đất chật, người đông, không gian sinh sống của đồng bào ngày càng trở nên ngột ngạt.

Trưởng xóm Tân Kim Đặng Nho Phúc ví von: “Từ bao đời nay người dân chúng tôi chủ yếu đi lại bằng “đường thủy” nên rất khó khăn, nguy hiểm”. Xóm không có quỹ đất để làm đường đường giao thông, “đường thủy” mà ông Phúc nói đến chính là suối Tân Kim chảy dọc xóm khoảng hai cây số, mọi hoạt động đi lại, vận chuyển, di chuyển giao lưu trong xóm đều diễn ra dưới dòng suối đang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Đất chật người đông, hầu hết các hộ dân đều làm nhà sinh sống, dựng chuồng trại chăn nuôi ngay bên cạnh bờ suối, nước thải từ các chuồng trâu, chuồng lợn, sinh hoạt đều xả thẳng ra suối làm cho dòng nước bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đi lại dưới dòng suối thường phải đeo ủng. Khổ nhất là con em trong xóm đang học tại Điểm trường tiểu học Tân Kim với năm lớp, từ lớp 1 đến lớp 5, ngày nào các em cũng chân trần bì bõm bốn lượt đi về dưới suối.

Thầy giáo Nguyễn Hồ Nam xót xa: “Các cháu chân trần thường xuyên đi lại dưới suối ô nhiễm, các kẽ chân bị lở loét, thương lắm. Các hộ đều nhận thức chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay cạnh suối, chất thải gây ô nhiễm dòng nước, nhưng không thể không chăn nuôi để phát triển kinh bảo đảm cuộc sống gia đình”.

Do không có quỹ đất, nhiều gia đình phải làm nhà sát dòng suối, chỉ cách lòng suối 5-7m, hoặc mấy bước chân. Nguy hiểm nhất là vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, nước từ hai dãy núi chảy xuống, dòng suối dâng cao, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét uy hiếp tính mạng, cuốn trôi nhà cửa các hộ dân.

Nhà ông Triệu Đức Vạn ngay bên bờ suối, nhiều trận lũ nước tràn cả vào nhà. Ông Vạn lo lắng: “Những hôm mưa to, ban đêm không dám ngủ, đồ đạc, thóc ngô cho sẵn vào bao tải để sẵn sàng vác lên núi khi nước dâng cao. Sợ nhất lũ ống, lũ quét bấp ngờ ập đến không kịp chạy”.

Sạt lở đe dọa

Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình ông Triệu Chung Chương phải đào núi để có mặt bằng dựng nhà, ngay phía sau là sườn núi cao. Ông Chương lo lắng: “Thời gian qua, sườn núi phía sau nhà xuất hiện vết nứt rộng và dài, đến nay đã 30m, rộng 60-70cm, sâu nên nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Vào những hôm mưa lớn tôi phải cắt cử người nhà thường xuyên lần lên sườn núi sau nhà xem xét để có phản ứng kịp thời”.

Ước vọng của đồng bào Dao ở Thần Sa, Thái Nguyên -0
 Nhiều nhà dân xóm Tân Kim làm nhà sát dòng suối, nguy cơ bị lũ ống, lũ quét cuốn trôi.

Chủ tịch UBND xã Thần Sa Lê Văn Thanh chia sẻ: Tân Sơn ở vùng sâu vùng xa, cách trung tâm xã hơn 10 km, địa hình đồi núi cao, liên lạc khó khăn, vào mùa mưa lũ, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở bà con nâng cao cảnh giác trước nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét đe dọa tính mạng, nhà cửa.

Đời sống của các hộ trong xóm chủ yếu dựa vào trồng rừng và canh tác lúa, nhưng do ruộng ít, lại ở xa, manh mún, nhiều hộ thường xuyên thiếu lương thực. Trồng rừng trên núi cao, lại ở vùng sâu vùng xa nên chi phí khai thác, vận chuyển lớn, giá trị thu về thấp hơn nhiều so với các xóm gần trung tâm xã. Do đó, Tân Kim có 82 hộ thì có đến 60 hộ trong diện nghèo và cận nghèo.

Ông Lê Văn Thanh tâm sự: “Trăn trở nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương là bà con xóm Tân Kim sống chung với môi trường bị ô nhiễm, lũ ống, lũ quét và sạt lở thường xuyên đe dọa. Cả xóm không có sinh kế bền vững, lâu dài cho nên tới đây áp dụng tiêu chí mới, có lẽ 100% sẽ thuộc diện hộ nghèo và không biết đến bao giờ mới thoát nghèo”.

Ước vọng lớn nhất của các hộ ở đây là có chỗ ở mới để tránh ô nhiễm, sạt lở, lũ ống, lũ quét và có sinh kế lâu dài, nhưng kinh tế khó khăn nên lực bất tòng tâm.

Trưởng xóm Tân Sơn Đặng Nho Phúc chia sẻ: “Thời gian qua, tại cuộc họp thôn nào, bà con cũng mong muốn được chuyển đến nơi ở mới. Ở phía trên có quả đồi thấp, có thể san ủi tạo mặt bằng làm khu dân cư tập trung, nhưng bà con không có nguồn lực để tự san ủi. Nhiều chủ hộ cho biết, cuộc họp thôn tháng 4 này sẽ nộp đơn để gửi lên các cấp, các ngành chức năng xin được quan tâm san ủi quả đồi ấy, xây dựng hạ tầng thiết yếu để chuyển lên sinh sống ổn định lâu dài”.

Với nguyện vọng chính đáng của người dân xóm Tân Kim, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm nghiên cứu, sớm có biện pháp “giải cứu” người dân Tân Sơn trước tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất uy hiếp tính mạng và tài sản.