Ứng phó tình trạng sạt lở, sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với tình trạng hạn hán, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định là do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); tác động của phát triển thủy điện và khai thác nước ở các quốc gia thượng nguồn; tình trạng khai thác cát, sỏi và nước mặt đất tiếp tục gia tăng ở khu vực này.

Khảo sát tình trạng sạt lở bờ sông tại xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: THIỆN HẢI
Khảo sát tình trạng sạt lở bờ sông tại xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: THIỆN HẢI

Mê Công là dòng sông quốc tế lớn nhất ở Việt Nam, quan trọng nhất vùng Đông - Nam Á, chảy qua sáu quốc gia. Tổng lượng dòng chảy hằng năm khoảng 475 tỷ mét khối nước và dòng sông này vận chuyển hơn 450 tỷ mét khối nước vào ĐBSCL. Sông Mê Công có vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bảo đảm nguồn nước cho hai vùng rộng lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với vùng ĐBSCL và Tây Nguyên là nguồn sinh sống cho 23% số dân của nước ta. Theo Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Bẩy: Kết quả phân tích ảnh viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) năm 2014 cho thấy: Trên toàn bộ lưu vực sông ngoài nước ta có 176 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành hoặc đang xây dựng, trong đó trên dòng chính có tám công trình và trên các nhánh có 168 hồ chứa. Trong thời gian gần đây, việc vận hành xả nước của các hồ chứa thượng lưu sông Mê Công thuộc Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng suy giảm dòng chảy cục bộ trong một số thời gian, nhất là đầu mùa lũ. Cụ thể như mùa khô năm 2015 - 2016, biến động thời tiết do hiện tượng En Ni-nô (El Nino), toàn bộ lưu vực sông Mê Công đã đối mặt với mùa khô rất khắc nghiệt, trong đó vùng ĐBSCL phải chịu tác động nghiêm trọng của hạn hán và xâm nhập mặn, dòng chảy vào ĐBSCL giảm ở mức thấp nhất lịch sử.

Ngoài ra, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ở khu vực này tiếp tục có xu hướng gia tăng. Số liệu thống kê cho thấy: Tính đến năm 2018, khu vực ĐBSCL có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 149 km. Tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô và diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, điểm nguy hiểm nhất được ghi nhận tại tỉnh Cà Mau với chiều dài 14 km. Bên cạnh đó, do việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất, sinh hoạt đã và đang dẫn đến tình trạng sụt lún đất, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn tài nguyên nước dưới đất tại khu vực này. Kết quả đánh giá sơ bộ nghiên cứu giai đoạn một về sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau do Viện Địa kỹ thuật Na Uy thực hiện cho thấy: Sự sụt lún đất ở tỉnh Cà Mau trong vòng 15 năm ở nhiều nơi có thể từ 30 cm đến 70 cm, bình quân khoảng từ 1,9 cm đến 2,8 cm/năm. Nếu tiếp tục gia tăng khai thác nước ngầm thì trong vòng 25 năm tới, dự báo sụt lún sẽ lên tới 90 cm tại khu vực này.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất ở nước ta thời gian qua là do BĐKH đã gây ra các hiện tượng cực đoan (hạn hán gia tăng trong mùa khô, ảnh hưởng của En Ni-nô và La Ni-na (La Nina)...) đang làm thay đổi vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên. Tác động của các công trình thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm suy giảm dòng chảy mùa cạn, suy giảm phù sa, bùn, cát, nhất là tình trạng xâm nhập mặn sẽ gia tăng hầu hết các vùng ven biển. Do tác động lên chế độ dòng chảy, sẽ gây tác động về xâm nhập mặn lớn nhất, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và gây bất lợi cho hoạt động giao thông đường thủy toàn tuyến. Tình trạng khai thác cát vượt quá khối lượng cho phép, khai thác không đúng quy hoạch cũng đang diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân sinh sống ven sông. Khi lượng cát khai thác vượt quá lượng cát từ thượng nguồn chuyển về, sẽ gây ra hiện tượng xói lòng sông, hoặc lở bờ, hay cả hai hiện tượng nêu trên xảy ra cùng một lúc.

Các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng: để giảm tình trạng hạn hán, nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, Việt Nam cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính như: Tập trung xây dựng và sớm ban hành Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công (vùng ĐBSCL) trên cơ sở đó xây dựng, hoặc điều chỉnh quy hoạch các ngành có sử dụng nước, quy hoạch phát triển hạ tầng cho phù hợp. Khẩn trương nâng cấp và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và tài nguyên nước; giám sát biến động bùn, cát trên sông Mê Công; kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phòng, chống sạt lở bờ sông, nhất là việc khai thác cát, sỏi trên sông. Điều tra, khoanh vùng các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, trước hết tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác quá mức. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ phê duyệt và triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất ở địa phương mình. Các bộ, ngành liên quan hợp tác chặt chẽ với các nước thượng nguồn sông Mê Công, bao gồm các nước thành viên Ủy hội Mê Công quốc tế, Trung Quốc, My-an-ma để phát triển bền vững toàn lưu vực sông Mê Công, nhất là việc xây dựng, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn trong việc bảo đảm nguồn nước, hạn chế xâm nhập mặn, hạn chế suy giảm phù sa, nguồn lợi cho ĐBSCL. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn, trong đó cần đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước tập trung được khai thác từ nguồn nước mặt, qua đó giảm dần việc khai thác nước dưới đất phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân như hiện nay.