Tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp

NDO -

Trên thực tế, tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiêm tốn…

Tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp

Đây là những nhận định được đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị” do Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức ngày 22-9, tại Hà Nội.

Thông tin từ Vụ Bình đẳng giới cho thấy, trong giai đoạn 2011-2020, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực việc xây dựng và triển khai pháp luật, chính sách về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Nhiều thành tựu nổi bật về bình đẳng giới của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong đó, việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đã có những điểm sáng nổi bật. 

Cụ thể như, lần đầu tiên có ba đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, chiếm tỷ lệ 15,78%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 14 đạt 27,31%, tăng 3,11% so với khóa XIII. Lần đầu tiên, Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 71/193 quốc gia, cao hơn mức trung bình của thế giới là 25%. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng tăng hơn so vơi nhiệm kỳ 2010- 2015 ở cả ba cấp tỉnh, huyện và xã.

Tuy nhiên, công tác cán bộ nữ, dù có những chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước, nhưng nhìn chung vẫn còn khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị. Tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. 

Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiêm tốn. Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất. Tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ. Đặc biệt, khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu cũng tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Chưa có những quy định cụ thể trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Phó Chánh Văn phòng Ủy Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Trần Thị Bích Loan cho rằng,  bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau. Thông qua đó, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Với nhận thức sâu sắc, bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng các chính sách và khung pháp lý cơ bản về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng, từ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cho đến Hiến pháp, các đạo luật và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. 

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát tổng kết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020, hầu hết các chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra đều rơi vào mục tiêu 11. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chưa đạt chỉ tiêu đề ra, cả từ góc độ chủ quan và khách quan, từ quy định của chính sách, pháp luật tới quá trình thực hiện trong thực tiễn cuộc sống.
 

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27-4-2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.