Tròn một tuần cách ly toàn xã hội: Khi ở nhà là yêu nước

NDO -

NDĐT- “Tôi nghỉ việc không lương”, “thu nhập của tôi giảm một nửa”, “tôi bị tồn cả một kho hàng”, “tôi nghỉ chạy xe cả tháng nay rồi”, “tôi đã đóng cửa hẳn quán trà sữa”, “nhiều tháng rồi tôi chưa được gặp con”, “gia đình tôi gắn kết hơn, có thời gian chăm con hơn, nhà cửa gọn gàng hơn”,… “tôi hoàn toàn ủng hộ thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch”.

Từ ngày nghỉ ở nhà, chị Trần Thị Kim Anh (vợ của anh Nguyễn Bằng Việt) có thêm nhiều thời gian học và chơi cùng con.
Từ ngày nghỉ ở nhà, chị Trần Thị Kim Anh (vợ của anh Nguyễn Bằng Việt) có thêm nhiều thời gian học và chơi cùng con.

Trên đây là trả lời của những người được hỏi khi phóng viên thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ về tình hình của họ và gia đình trong một tuần thực hiện cách ly toàn xã hội vừa qua sau Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết, cuộc sống của các gia đình đã chịu tác động, thay đổi ít nhiều với những góc cạnh khác nhau. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, tất cả những người được phỏng vấn đều có một điểm chung là họ đều bày tỏ sự ủng hộ với việc thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 với mong muốn góp phần dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Vì dịch... thu nhập giảm nhiều hoặc là không có

Là một chủ hộ kinh doanh chuyên bán buôn quần áo trẻ em với lượng lớn hàng thường được gửi đi các tỉnh khắp cả nước, anh Bùi Ngọc Thịnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình anh đã nghỉ bán hơn tháng nay. Khối lượng lớn hàng mùa hè anh đã đặt từ trước Tết Âm lịch đến giờ vẫn ở yên trong kho, không xuất đi được. Từ khi nghỉ bán vợ chồng anh chỉ ở nhà, có ra ngoài chỉ đi siêu thị với chợ không thì ở nhà xem thời sự.

“Nhà nước yêu cầu toàn dân cách ly từ đầu tháng mà tôi đã nghỉ bán, tự cách ly cả tháng nay rồi. Bây giờ người ta không mua hàng nữa, nếu có mua thì cũng không gửi được. Nếu có khách quen thì mới gửi bưu điện thôi mà có gửi qua bưu điện thì cũng ít, không đáng kể. Cách ly xã hội tôi thấy rất cần thiết lúc này và rất ủng hộ, chỉ mong hết hai tuần cách ly và sớm hết dịch để có thể sinh hoạt, buôn bán lại bình thường. Tình trạng này nếu cứ kéo dài gia đình tôi cũng khó trụ vững”, anh Thịnh chia sẻ.

Tròn một tuần cách ly toàn xã hội: Khi ở nhà là yêu nước ảnh 1

Kho hàng hè đặt từ trước Tết Âm lịch của gia đình anh Thịnh bị tồn từ đó đến giờ, không bán và không gửi đi được.

Anh Vũ Trường Giang, một lái xe ô-tô qua ứng dụng Grab cũng đã nghỉ chạy xe cả tháng nay. Anh cho biết, anh về quê từ hôm phát hiện bệnh nhân thứ 17 tại Hà Nội và nghỉ luôn từ lúc đấy không lên Hà Nội nữa.

“Từ Tết đến giờ cánh lái xe chúng tôi làm ăn chán lắm. Về nghỉ Tết xong, lên Hà Nội được hai tuần thì có bệnh nhân số 17 nên lại về. Ăn rồi ở nhà nên cũng không lấy đâu ra thu nhập. Khi nào hết cách ly toàn xã hội thì tôi phải lên Hà Nội làm tiếp thôi chứ bây giờ không thể ở nhà được nữa rồi. Nếu có lên thì tôi lên một mình, để vợ con ở quê tiếp bao giờ dịch ổn thì mới lên”, anh Giang nói.

“Tôi thấy chủ trương cách ly toàn xã hội của Nhà nước đề ra là rất tốt và hoàn toàn ủng hộ dù việc này ảnh hưởng rất lớn đến công việc và thu nhập của tôi. Nếu vẫn còn tích trữ đủ để sống qua ngày thì mình vẫn ở nhà. Bao giờ dịch hết mình đi làm là an toàn nhất”, anh Giang chia sẻ thêm.

Tròn một tuần cách ly toàn xã hội: Khi ở nhà là yêu nước ảnh 2

Anh Giang đã nghỉ chạy xe, về quê nghỉ cả tháng nay, thu nhập của cả gia đình anh đều trông chờ vào chiếc xe này.

Tương tự, chị Phan Thị Hồng Thắm, nhân viên một đơn vị xuất bản có tiếng đã làm việc trực tuyến ở nhà ba tuần nay. Cuộc sống, sinh hoạt gia đình, rồi công việc của chị về cơ bản khá xáo trộn vì làm việc ở nhà cũng bị ảnh hưởng.

“Có thể nói là vất vả hơn đi làm bình thường. Làm ở công ty thì tôi còn được nghỉ trưa, làm ở nhà thì trưa ăn cơm xong còn tranh thủ chơi với con. Thỉnh thoảng con quấy thì thôi xác định tranh thủ đêm hôm làm cho hoàn thành tiến độ công việc. Nói chung là vất vả hơn nhưng được cái là tôi có nhiều thời gian chơi với con hơn, ít phải di chuyển ngoài đường. Thu nhập của tôi giảm nhiều, có khi phải tới 50% do cũng bị ảnh hưởng bởi doanh thu chung của công ty nữa”, chị Thắm chia sẻ.

Chị Thắm cho biết thêm, thu nhập của chồng chị cũng cũng bị giảm nhưng mức giảm có phần ít hơn so với của chị, có thể do tính chất công việc và công ty chồng chị trong quý I/2020 vẫn còn những đơn hàng từ năm ngoái “cứu vớt”.

“Công ty chồng tôi thì không làm trực tuyến tại nhà được, từ khi bùng phát dịch vẫn phải tới công ty nhưng nghỉ thêm thứ 7 và trừ bớt lương. Tuần trước khi có lệnh cách ly thì cũng phải ở nhà. Tôi vẫn tự an ủi rằng vợ chồng tôi vẫn còn có thu nhập dù bị giảm nhiều, ít nhất cũng hơn những người bị mất việc hoặc nghỉ hẳn ở nhà không có thu nhập”, chị Thắm chia sẻ.

Khi được hỏi về việc thực hiện cách ly toàn xã hội, chị Thắm cho rằng, thực hiện cách ly là cần thiết và có thể nên làm quyết liệt hơn. “Tôi thì ủng hộ việc cách ly toàn xã hội dù đúng là bức bối khó chịu, đời sống kinh tế cũng ảnh hưởng nữa. Tôi cũng mong thời gian cách ly sớm qua chứ mãi như này cũng ảnh hưởng nhiều về mặt kinh tế. Công ty của tôi là công ty tư nhân nên cũng ảnh hưởng lắm”, chị Thắm nói.

Nhờ dịch... được chăm con tốt hơn, nhà cửa gọn gàng hơn

Khi phải ở nhà một thời gian dài, công việc bị ngừng trệ thì kinh tế, thu nhập của mỗi cá nhân và các gia đình bị ảnh hưởng dù ít hay nhiều là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, chính trong những ngày nghỉ này, nhiều gia đình đã tìm lại được những thói quen, nếp sống mà từ lâu vì cuộc sống bận rộn, áp lực công việc mà họ đã vô tình hoặc hữu ý phải bỏ qua.

Tròn một tuần cách ly toàn xã hội: Khi ở nhà là yêu nước ảnh 3

"Giờ nhờ dịch bệnh mà vợ có thời gian cho gia đình nên cảm thấy gia đình hạnh phúc và gần nhau hơn", anh Việt nói.

Anh Nguyễn Bằng Việt, phóng viên quay phim của một kênh truyền hình vẫn đi làm bình thường vì tính chất công việc. Vợ anh trước đó cũng là biên tập viên của một tờ báo có tiếng nhưng công việc vô cùng bận rộn, vì phải biên tập và duyệt bài từ sáng sớm tới đêm khuya, không có ngày nghỉ cuối tuần hay lễ, Tết, mọi việc nhà gần như phải nhờ ông bà nội hỗ trợ. Trước lúc dịch bệnh chuẩn bị bùng phát thì vợ anh cũng đã quyết định xin nghỉ việc để chuyển sang một công việc khác đỡ áp lực hơn. Đến thời điểm hiện tại vì dịch bệnh, vợ anh Việt vẫn nghỉ ở nhà chưa chuyển đến chỗ làm mới.

“Tôi cảm thấy nhờ có dịch mà tự nhiên gia đình gần gũi hơn, vợ lại có thời gian chăm chồng chăm con, phụ giúp bố mẹ chồng việc nhà. Vợ cũng tranh thủ rèn chữ cho con và học thêm kiến thức trên mạng. Tôi thì vẫn phải đi làm, chạy tin bài mùa dịch cũng vất vả nhưng về được vợ nấu ăn cho nên rất vui khoẻ, cả về thể chất lẫn tinh thần và lại càng mong muốn cống hiến cho công việc. Ngày trước vợ bận nên tôi cũng hay cau có, khó chịu. Giờ nhờ dịch bệnh mà vợ có thời gian cho gia đình nên cảm thấy gia đình hạnh phúc và gần nhau hơn”, anh Việt hạnh phúc chia sẻ.

Anh Bùi Văn Chiểu, Giám đốc một công ty chuyên về nội thất cũng chia sẻ, vấn đề khó khăn nhất mà anh gặp phải khi thực hiện cách ly toàn xã hội là về tài chính, công việc phải tạm ngừng nhưng vẫn phải hỗ trợ nhân viên một phần lương để duy trì cuộc sống, trong khi mình thì không ai hỗ trợ.

Anh Chiểu cho biết, ở gia đình anh trong một tuần vừa qua tiền chi tiêu liên quan đến việc ăn uống nhiều hơn vì ở nhà rảnh nên hay nghĩ đến món nọ món kia để làm. Tuy nhiên, có khoản chi liên quan đến xăng xe, nhậu... giảm bớt là ưu điểm khi ở nhà. Thêm nữa, nghỉ dịch nên gia đình gắn kết hơn, nhà cửa gọn gàng hơn, bố mẹ dành nhiều thời gian cho con cái hơn, vợ chồng sáng tác ra nhiều món ăn ngon hơn, trong nhà anh có thêm một số cây tự trồng kiểu handmade, cây cối được chăm chút nên nhìn cũng tươi tốt hơn.

“Vợ chồng từ hôm cách ly xã hội đến giờ vẫn chưa cãi nhau lần nào. Tóm lại, khó khăn nhất là về tài chính, còn các vấn đề khác thì vẫn có thể cải thiện được. Nếu kéo dài thì khả năng trụ vững cũng khó”, anh Chiểu vui vẻ chia sẻ.

Chị Đoàn Thanh Huyền là nhân viên kế toán và chủ một quán trà sữa nhưng chị cũng mới phải đóng cửa hẳn quán chứ không phải tạm dừng chờ hết dịch nữa.

“Tôi hiện giờ phải quay về công việc chính là kế toán, làm việc trực tuyến tại nhà. Chồng tôi làm việc ở Hà Nội còn tôi cùng con về quê. Làm việc ở nhà và chơi với con cùng lúc nên thỉnh thoảng cũng rắc rối một chút. Cuộc sống của gia đình tôi xáo trộn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát được. Tôi ủng hộ thực hiện cách ly toàn xã hội nhưng tôi cũng băn khoăn liệu đến khi hết hạn cách ly xã hội mà vẫn xuất hiện người nhiễm bệnh thì sẽ như thế nào?”, chị Huyền nói.

Tròn một tuần cách ly toàn xã hội: Khi ở nhà là yêu nước ảnh 4

Làm việc trực tuyến ở nhà có phần vất vả hơn nhưng chị Thắm cho rằng, cái được là chị có nhiều thời gian chơi với con hơn dù nhiều khi con quấy khiến mẹ không tập trung làm được việc.

Tương tự, anh Nguyễn Trung Hiếu làm việc tại một bệnh viện mắt tư nhân cũng chia sẻ, anh hiện đang nghỉ việc không lương, vợ anh thì vẫn làm việc ở nhà chỉ thỉnh thoảng lên cơ quan lấy số liệu.

“Vợ chồng có thời gian chăm con tốt hơn, tích cực hơn nhiều, chăm sóc gia đình nhà cửa tốt hơn nhưng kinh tế bị đảo lộn. Việc cách ly toàn xã hội tôi hoàn toàn ủng hộ để xử lý dịch bệnh cho dứt điểm. Sức khoẻ là quan trọng nhất. Có tiền mà không có sức khoẻ thì tiền cũng chẳng để làm gì. Sống chậm lại một tháng cũng có sao đâu”, anh Hiếu nói.

Tuy nhiên, không như anh Chiểu hay anh Hiếu dù cuộc sống bị xáo trộn nhưng vợ chồng, con cái vẫn được ở cùng nhau. Thực tế, dịch bệnh xuất hiện vào thời điểm sau Tết nguyên đán nên nhiều gia đình ở thành phố đã quyết định gửi con ở quê nhờ ông bà chăm giúp ngay từ thời điểm đó và do diễn biến phức tạp của dịch bệnh mà nhiều người hàng tháng qua vẫn chưa thể về quê thăm con.

Anh Nguyễn Nam Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) vốn làm việc xa nhà, mấy tháng mới được về nhưng dù đã về nhà gần một tháng rồi mà anh vẫn chưa được gặp con. Lúc anh được về thì đúng lúc Hà Nội bùng phát dịch. Vợ anh vẫn ở Hà Nội làm việc còn hai con được gửi về quê nhờ ông bà nội trông giúp ngay từ sau Tết Âm lịch.

“Ban đầu tôi tính về Hà Nội tự cách ly 14 ngày rồi về quê đón con nhưng chưa được 14 ngày thì có Chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng nên vợ chồng tôi phải tiếp tục chờ thêm 15 ngày nữa xem tình hình thế nào rồi mới có thể về quê gặp con được. Vợ tôi vì tính chất công việc bận bịu nên từ Tết tới giờ cũng chưa được về quê gặp con. Vợ chồng tôi cũng nhớ con lắm nhưng vì dịch bệnh, tuân thủ yêu cầu cách ly nên đành phải chịu, ở chỗ nào thì ở yên chỗ đó, giữ cho mình và giữ cho con, cho người thân cũng như cộng đồng của mình”, anh Nam Anh nói.

Dịch bệnh bùng phát và việc thực hiện cách ly toàn xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các gia đình, cả theo hướng tiêu cực và tích cực. Tới nay, khi dịch Covid-19 đã lan ra toàn thế giới thì Việt Nam có 245 ca mắc và là một trong ba quốc gia có hơn 200 ca mắc bệnh mà chưa có người tử vong. Kết quả này cho thấy, các biện pháp phòng, chống dịch trong đó có việc thực hiện cách ly toàn xã hội đã bước đầu hiệu quả và Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh.

Tuy nhiên, như khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: Dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng. Nhưng nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.