Triển khai các biện pháp ứng phó hạn, mặn

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền nam, việc giảm xả từ các thủy điện Trung Quốc với thời gian kéo dài 20 ngày sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2. Dự báo, độ mặn sẽ lên cao nhất từ ngày 8 đến 16-2, đúng dịp Tết Nguyên đán. Ðộ mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 50 đến 70 km và 85 đến 95 km trên sông Vàm Cỏ… Các địa phương cần chủ động biện pháp phòng chống hạn, mặn ngay từ bây giờ.

Sau một năm hoạt động, Cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu) đã điều tiết độ mặn cho vùng nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu, vùng ngọt Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang. Ảnh: TÙNG ÐINH
Sau một năm hoạt động, Cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu) đã điều tiết độ mặn cho vùng nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu, vùng ngọt Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang. Ảnh: TÙNG ÐINH

★ Tại huyện Long Phú (Sóc Trăng) độ mặn ghi nhận tại các cửa sông, cống ở đây bắt đầu tăng. Cụ thể, tại bến phà Ðại Ân là 6,5‰, cống Bà Xẫm 3,2‰, cống Cái Oanh 0,8‰, cống Cái Xe 0,4‰... Ðể ứng phó hạn, mặn trong những ngày tới, địa phương đóng tất cả các cống để giữ nước ngọt bên trong.

★ Tỉnh Bạc Liêu đã chủ động phương án giảm thiệt hại có thể xảy ra do hạn, mặn. Theo đó, diện tích sản xuất lúa đông xuân của tỉnh sẽ giảm 3.400 ha ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt. Trong trường hợp khẩn cấp, toàn tỉnh sẽ đắp hệ thống 380 đập tạm để tổ chức bơm chuyền trữ nước ngọt cho vụ lúa đông xuân, đồng thời huy động nguồn vốn để xây dựng các trạm cấp nước tập trung để cấp nước sạch cho người dân và hạn chế tình trạng khoan giếng tự phát, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm.

★ Tại Tiền Giang, chính quyền địa phương và người dân đang tích cực trữ nước ngọt cho hơn 80 nghìn héc-ta cây ăn trái. Bên cạnh vận hành các cống ngăn mặn, tỉnh đang triển khai đắp các đập tạm, ngăn kênh tích trữ nước ngọt. Dự kiến, toàn tỉnh đắp khoảng 7 đến 8 đập tạm.

★ Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, trong điều kiện hạn, mặn ít gay gắt, toàn tỉnh sẽ chủ động tưới tiêu cho 112.855 ha đất nông nghiệp kiểm soát mặn tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện hạn, mặn gay gắt như mùa khô năm 2019 - 2020, tỉnh sẽ có hơn 18 nghìn héc-ta cây trồng bị thiếu nước tưới và khoảng 3.000 ha cây trồng bị nhiễm mặn. Ðể chủ động đối phó, tỉnh cần triển khai đê bao khép kín kết hợp hoàn thiện các công trình cống, đập để chủ động kiểm soát mặn.

★ Mùa hạn mặn năm nay, tỉnh Bến Tre chủ động phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt và thực hiện các giải pháp công trình ngăn mặn. Ðến nay, các cống ngăn mặn như Trung Nhuận, Xẻo Rắn, cống Cây Da và cống Trục kênh 418 đã được thi công hoàn thành có thể khép kín, bảo vệ được cánh đồng 12 nghìn héc-ta ở huyện Giồng Trôm và một phần của huyện Ba Tri. Bên cạnh đó, một số cống ngăn mặn ở An Hiệp, Sơn Ðông đã thi công xong và sẵn sàng khép kín khi hạn mặn đến.

★ Tại tỉnh Cà Mau, triều cường dâng cao đã làm ngập 332 nhà, 446,4 ha nuôi tôm, hai ha rau màu và vỡ 85 bờ bao nuôi tôm tại các huyện Ngọc Hiển và Phú Tân. Ước tổng thiệt hại khoảng 276 triệu đồng. Hiện chính quyền địa phương đang khẩn trương giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, khôi phục sản xuất.

★ Theo Tổng cục Thủy lợi, đến ngày 15-1, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ đã có 88.021 ha có nước sản xuất, đạt 16,8% kế hoạch. Ðể tiếp tục lấy nước hiệu quả, Tổng cục Thủy lợi đề nghị ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác vận hành các phương tiện lấy nước để đưa nước lên ruộng, tích trữ vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ.

★ Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Phòng chống thiên tai, rét đậm, rét hại trong những ngày qua tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Ðiện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã làm 1.882 con gia súc và 335 con gia cầm bị chết. Rét cũng làm 108 ha rau màu, 1.050 chậu địa lan bị thiệt hại.

★ Theo UBND huyện Tân Uyên (Lai Châu), địa phương sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan liên quan để cho gia súc chết đói, chết rét, đầu tiên là người đứng đầu các địa phương như chủ tịch UBND các xã, thị trấn và trưởng các thôn, bản. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, gần 130 con gia súc bị chết. Ðợt rét này còn làm thiệt hại 16 ha lúa và mạ non tại xã Nậm Hàng, Mường Mô của huyện Nậm Nhùn.

★ Hàng trăm con trâu, bò, dê, lợn tại các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông (Nghệ An)… bị chết rét trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, có 325 con trâu, bò bị chết rét. Nguyên nhân trâu, bò chết là do đồng bào thả rông trong rừng.

★ Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã đề xuất hỗ trợ khoảng 40 tấn cám gạo phục vụ công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc. Trước mắt, xuất cấp 14 tấn cám gạo cho các hộ chăn nuôi. Ðồng thời có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống đói, rét.

★ Ngày 15-1, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 và trao quà Tết tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ðến thời điểm này, tỉnh đã gieo cấy được gần 10 nghìn héc-ta, huy động hơn 60 nghìn ngày công, khôi phục được hơn 300 ha đồng ruộng, hơn 400 ha màu, sửa chữa hơn 30 km kênh mương thủy lợi. Ðoàn đến kiểm tra khu vực chăm sóc gần 70 nghìn gà con, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ  người dân vùng lũ Quảng Trị.

★ Ðến nay, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 820 ha lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 bị dịch bệnh gây hại. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chỉ đạo cho các hợp tác xã nông nghiệp vận động và hướng dẫn nông dân phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Thực hiện tốt biện pháp phòng trừ sâu, bệnh, chuột hại.

Ngày 15-1, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đã tiếp Ðại sứ Ấn Ðộ tại Việt Nam P.Vơ-ma để tiếp nhận tượng trưng số hàng cứu trợ lũ lụt của Chính phủ Ấn Ðộ tặng nhân dân ở các tỉnh miền trung bị ảnh hưởng do lở đất, lũ lụt vừa qua. Cùng dự có đại diện Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai. Số hàng gồm 3.000 bộ đồ dùng cá nhân.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao nghĩa cử của chính phủ và nhân dân Ấn Ðộ; nhấn mạnh rằng, hành động chia ngọt sẻ bùi này càng làm sâu sắc thêm tình cảm thân thiết, gắn bó giữa hai nước.

Các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ có rét đậm, rét hại

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, trong đêm nay (16-1) và sáng  17-1 ở Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ; từ ngày 17-1 ở các tỉnh Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa và dông. Ngày 17-1, ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, rét hại (trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai), khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết; ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 140C đến 180C; từ đêm 17-1, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đêm và sáng trời rét; Nam Bộ trời lạnh vào đêm và sáng sớm. Từ ngày 18-1, Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại vào đêm và sáng sớm, ngày nắng.