TP Hồ Chí Minh quyết liệt xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Xây dựng không phép, sai phép đang trở thành vấn đề gây nhiều bức xúc trong quá trình phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Thời gian qua, mặc dù thành phố thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhưng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn chưa được kiểm soát. Mới đây, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã dành thời gian phân tích, nhận diện rõ nguyên nhân, kể cả việc buông lỏng của cán bộ quản lý. Hy vọng đây sẽ là liều thuốc đặc trị, nhằm chấm dứt tình trạng này.

Một công trình nhà “3 chung”: chung giấy chứng nhận, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà tại huyện Bình Chánh.
Một công trình nhà “3 chung”: chung giấy chứng nhận, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà tại huyện Bình Chánh.

Vi phạm gia tăng

Quận Thủ Đức, cửa ngõ phía đông của TP Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa cao và tình trạng vi phạm xây dựng (VPXD) diễn biến phức tạp. Bí thư Quận ủy Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong các năm 2016, 2017, VPXD trên địa bàn giảm nhưng từ năm 2018 đến nay lại tăng. Trong sáu tháng đầu năm 2019, số công trình xây dựng không phép, sai phép tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2018 (121 công trình không phép, 59 công trình sai phép). Các công trình không phép chủ yếu nằm trên các khu đất hiện đang quy hoạch như: Đất quy hoạch Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (phường Linh Trung); khu đất dự trữ xây hồ điều tiết ở phường Tam Phú; xây dựng nhà ga Bình Triệu ở phường Hiệp Bình Chánh…

Huyện Bình Chánh luôn là điểm nóng của tình trạng xây dựng không phép, sai phép trong 10 năm trở lại đây và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Phụng thông tin, trong giai đoạn 2014-2016, số vụ vi phạm đất đai, xây dựng ở huyện là 2.910 trường hợp, trong đó chỉ 180 vụ (chiếm khoảng 6%) được phát hiện, xử lý ngay từ đầu. Tuy nhiên, trong các năm 2017, 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, trong số 2.180 trường hợp VPXD thì có đến 1.590 vụ được phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu. Bình Chánh là huyện vùng ven, diện tích rộng, lượng người nhập cư cao (tăng 30.000 dân/năm) nên nhu cầu về nhà ở lớn, trong khi quy hoạch về đất ở hiện rất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng VPXD diễn biến phức tạp.

Tình trạng VPXD tại huyện Hóc Môn cũng diễn ra căng thẳng, mặc dù địa phương này đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo và chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, xây dựng và chỉnh trang đô thị trên địa bàn. Nghị quyết đặt yêu cầu 100% trường hợp vi phạm được phát hiện kịp thời; 100% công trình có giấy phép khi khởi công phải bảo đảm điều kiện và 100% đảng viên cam kết không vi phạm. Tuy vậy, số vụ lẫn quy mô vi phạm ở một số công trình trong năm 2019 vẫn tăng so với năm 2018. Từ đầu năm đến nay, huyện Hóc Môn phát hiện 52 trường hợp vi phạm (4 sai phép, 48 không phép).

Nhận diện nguyên nhân

Theo báo cáo của Ban cán sự đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong các năm 2017, 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, tổng số công trình xây dựng không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố là 2.573 trường hợp, chiếm tỷ lệ 73,5% tổng số công trình xây dựng không phép; chiếm 37,6% tổng số công trình vi phạm. Các hành vi VPXD phần lớn là tình trạng xây dựng không phép (chiếm 51,2%), tập trung nhiều ở các quận vùng ven, huyện ngoại thành, địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao. Trong đó, phổ biến nhất là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xây dựng trên đất không được cấp phép xây dựng; người dân tự ý phân lô bán nền nhằm xây dựng nhà trên đất nông nghiệp… dẫn tới phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không dịch vụ, tiện ích, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên được đánh giá là do pháp luật chưa đủ chế tài để xử lý các VPXD. Đơn cử như Nghị định 139/2013/NĐ của Chính phủ không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm nhà ở riêng lẻ (không phép, sai phép) ở khu vực nông thôn dẫn đến khó khăn trong việc xử lý. Mặt khác, với tốc độ đô thị hóa nhanh tại một số địa bàn trọng điểm dẫn đến tình trạng VPXD diễn biến phức tạp. Một số công ty kinh doanh bất động sản, lợi dụng nhu cầu nhà ở của người dân để tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp để kinh doanh.

Về phía Nhà nước, việc triển khai thực hiện quy hoạch đối với các dự án phát triển nhà ở, các dự án hạ tầng kỹ thuật và công trình phúc lợi xã hội chậm, dẫn đến tình trạng người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được xây dựng nhà ở… Một số đảng ủy cơ sở chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, chưa chủ động đấu tranh, phát hiện ngăn ngừa vi phạm. Chính quyền một số địa phương còn buông lỏng quản lý, đánh giá chưa đúng thực trạng, chưa phân tích, dự báo tình hình dẫn đến phát sinh các trường hợp vi phạm. Công tác phối hợp giữa địa phương và lực lượng thanh tra xây dựng còn bất cập, chồng chéo…

Kiên quyết xử lý

Trước những hạn chế, bất cập nêu trên, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình đề xuất bảy giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong thực thi pháp luật về xây dựng trên địa bàn thành phố. Trong đó có giải pháp đẩy mạnh hoàn tất quy hoạch điểm dân cư nông thôn trên các huyện ngoại thành; rà soát chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất ở vùng ven và ngoại thành phù hợp tình hình dân số và tốc độ đô thị hóa của từng địa phương. Cùng với đó là giải pháp tổ chức bộ máy, nhất là triển khai đề án thí điểm thành lập lực lượng trật tự xây dựng tại địa phương; chuyển đội thanh tra xây dựng địa bàn từ Sở Xây dựng về các quận, huyện.

Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp hiệu quả trong thời gian qua; đồng thời bổ sung một số giải pháp mới, nhất là quy trình phối hợp, ngăn chặn hiệu quả ngay từ đầu các công trình sai phép. Trong vòng bảy ngày, từ lúc đội thanh tra xây dựng địa bàn lập biên bản mà chưa ban hành quyết định xử lý thì UBND huyện sẽ ban hành quyết định và áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi sai phép. Huyện sẽ sử dụng ảnh viễn thám kết hợp phần mềm tự động phân tích các vị trí có dấu hiệu VPXD để phát hiện, xử lý kịp thời các công trình vi phạm. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ, thực hiện số hóa ngay từ đầu trong tiếp nhận hồ sơ để tạo sự liên thông giữa các phòng, ban, các bộ phận và với các xã, thị trấn. Qua đó, huyện Hóc Môn rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo thuận lợi trong công tác cấp phép xây dựng, góp phần giảm tình trạng VPXD trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận xét, công tác quản lý trật tự xây dựng tại thành phố đang “có vấn đề” dẫn tới tình hình xây dựng sai phép, không phép còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Đây là một thách thức, phải có các biện pháp khắc phục. Đồng chí yêu cầu, các Quận ủy, Huyện ủy trực thuộc Đảng bộ thành phố phải có nghị quyết chuyên đề chấn chỉnh vi phạm xây dựng trên địa bàn mình. Nghị quyết phải nêu các giải pháp đầy đủ và nêu rõ trách nhiệm của bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện. Đến đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới, trật tự xây dựng trên địa bàn các địa phương phải được chấn chỉnh, khắc phục…