TP Hồ Chí Minh nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Thời gian qua, các cấp chính quyền TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng như người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Những giải pháp này bước đầu đạt hiệu quả đáng khích lệ, giúp các DN dần trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, người lao động (NLĐ) có việc làm để ổn định cuộc sống.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ CHí Minh). Ảnh: QUÝ HIỀN
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ CHí Minh). Ảnh: QUÝ HIỀN

Những tín hiệu lạc quan
 
 Là DN chuyên may gia công áo ki-mô-nô cho các đối tác của Nhật Bản, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu may thêu Phúc An (đường 51, phường 14, quận Gò Vấp) đứng trước nguy cơ giải thể. Theo Giám đốc điều hành công ty Phạm Thị Bích Kiều, trước dịch Covid-19, với 50 công nhân, bình quân mỗi tháng công ty sản xuất hơn 1.000 sản phẩm, đạt doanh thu 500 triệu đồng. Khi dịch bệnh ập đến, đơn hàng sụt giảm, công nhân phải nghỉ việc. Trước tình cảnh ấy, thông qua Phòng Kinh tế - UBND quận Gò Vấp, công ty nộp hồ sơ để được hưởng các chính sách hỗ trợ. Theo bà Kiều, đến nay tất cả các công nhân đều được hỗ trợ một triệu đồng/người/tháng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Ngoài ra, công ty được Ngân hàng Hàng hải cho vay 150 triệu đồng với lãi suất ưu đãi trong vòng sáu tháng để trả lương cho NLĐ. Nhờ sự hỗ trợ này, công ty đã dần vượt qua khó khăn, 30 công nhân quay trở lại làm việc, hoạt động sản xuất đạt tỷ lệ 70% so với trước khi xảy ra dịch. Tương tự, cũng bằng sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể quận Gò Vấp, Công ty TNHH Một thành viên Quán ăn Sân vườn Hai Châu (268 Nguyễn Văn Khối, phường 9, quận Gò Vấp) nhận được tiền trợ cấp cho NLĐ, được ngân hàng cho vay hai tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để phục vụ kinh doanh và trả lương nhân viên. Đến nay, hoạt động kinh doanh của công ty đã dần ổn định, có doanh thu.
 
 Theo bà Trần Thị Mai Lan, Trưởng phòng Kinh tế - UBND quận Gò Vấp, thời gian qua, quận Gò Vấp đã chuyển hồ sơ 40 DN bị thiệt hại do ảnh hưởng dịch Covid-19 đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh để đơn vị này chuyển các ngân hàng thương mại cổ phần nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN; chủ động kết nối các DN có nhu cầu vay vốn các Ngân hàng thương mại trên địa bàn quận nhằm giải quyết khó khăn về vốn. Đồng thời, hướng dẫn cho 11 nghìn DN hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp. Từ những nỗ lực này, nhiều DNNVV trên địa bàn quận đã dần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
 Không chỉ ở Gò Vấp, thời gian qua, hầu hết chính quyền các cấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng các DNNVV tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phục vụ mục tiêu phục hồi kinh tế. Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình “60 ngày vàng khuyến mãi trên địa bàn thành phố” và chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020” nhằm hỗ trợ DN. Điểm nổi bật của các chương trình này là tổ chức kết hợp hai kênh mua sắm truyền thống và thương mại điện tử; hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng để khuyến mãi lên tới 100%; DN được hỗ trợ 100% chi phí tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020”, được triển khai theo hình thức hội chợ với quy mô 500 gian hàng nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, tháng 9 tới đây, Sở Công thương sẽ tổ chức chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác, nhằm tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa TP Hồ Chí Minh vào hệ thống phân phối các địa phương và ngược lại.
 
 Đối với hệ thống ngân hàng, theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh, các ngân hàng thương mại hỗ trợ DNNVV chủ yếu tập trung vào hai nhóm, gồm giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, dư nợ cho vay trong năm nhóm lĩnh vực ưu tiên là 175 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nhóm DNNVV lên đến 126 nghìn tỷ đồng. Đơn cử, Ngân hàng VietinBank xếp đối tượng DNNVV vào một trong năm nhóm lĩnh vực ưu tiên được đầu tư tín dụng với lãi suất ưu đãi 5%. Dư nợ phân khúc khách hàng DNNVV của VietinBank đạt gần 247 nghìn tỷ đồng, chiếm 26% dư nợ khách hàng DN.
 
 “Tìm đúng bệnh, bốc đúng thuốc”
 
 Theo Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng, cái khó chung của hầu hết các DNNVV hiện nay là sụt giảm doanh thu, khó khăn về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm và bị gián đoạn các chuỗi sản xuất quan trọng. Để khôi phục lại hoạt động kinh doanh, phần lớn DNNVV đều cần đến sự trợ giúp của ngân hàng cho khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay không chuyển nhóm, cho vay mới với lãi suất thấp và nhất là vay lãi suất 0% để trả lương, giữ chân NLĐ. Ông Chu Tiến Dũng kiến nghị, nhằm giúp DN nhanh hồi phục, nên cho tất cả DN đều được hưởng các chính sách hỗ trợ, không phải chứng minh bị tác động của dịch Covid-19, không phân biệt quy mô DN. Các chính sách và gói hỗ trợ DN cần chia làm hai loại như gói chính sách giải cứu, hỗ trợ. Gói giải cứu gồm gói tài khóa, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí theo Nghị định 41 của Chính phủ, hay gói hỗ trợ NLĐ mất việc, cho DN vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội không lãi suất để trả lương cho NLĐ. Còn gói chính sách đồng hành hỗ trợ DN vực dậy sản xuất thì ngân hàng cần sớm thẩm định trả lời cho DN được vay hay không với các điều kiện bảo đảm an toàn cho vay, khả năng trả nợ. Đối với các DN nhỏ, siêu nhỏ rất cần có sự bảo trợ, bảo lãnh vay vốn từ quỹ bảo lãnh tín dụng của Nhà nước. Cùng với quan điểm này, tại kỳ họp mới đây, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất, trong sáu tháng cuối năm nay, thành phố nên cụ thể hóa các đối tượng DN cần được cứu trợ, hỗ trợ và đồng hành. Những nhóm ngành nghề bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 như: dịch vụ, du lịch thì cần phải hỗ trợ ngay để các DN tiếp cận được nguồn vốn với thủ tục nhanh, đơn giản, bởi thực tế hiện nay còn nhiều DN chưa tiếp cận được nguồn vốn.
 
 Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phân tích, hơn 90% số DN ở TP Hồ Chí Minh là DNNVV, các DN có số vốn từ 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm hơn 2% tổng số DN. Do vậy, việc “tìm đúng bệnh, bốc đúng thuốc” để hỗ trợ các DN này ổn định sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi kinh tế sau dịch. Từ nay đến hết năm, TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ DN với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Thứ nhất, hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của DN; trong đó, chú trọng hỗ trợ thu nhập cho NLĐ để DN không mất lao động, bảo đảm tính thanh khoản của DN, phục hồi, sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường trong nước. Thứ hai, hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho DN; khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu. Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị DN và quản lý ngành. Thứ tư, tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo. Cuối cùng, kịp thời dự báo, phối hợp các quốc gia đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp.
 
 Trước diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở một số địa phương, để các giải pháp hỗ trợ DN đưa ra không chỉ là khẩu hiệu hoặc bị bỏ quên, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu Tổ công tác hỗ trợ DN của thành phố, thường trực là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh phải đề xuất các biện pháp hỗ trợ DN thật sự hiệu quả theo từng giai đoạn, từng tháng, từng quý một cách chi tiết. Sở cần tổ chức làm việc với Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao để nắm sát và dự báo chính xác tình hình DN ngừng hoạt động, bao nhiêu NLĐ mất việc, từ đó có giải pháp hỗ trợ, không để DN ngừng hoạt động hàng loạt theo hiệu ứng dây chuyền. Từng quận, huyện nên triển khai đối thoại, gặp gỡ trực tiếp với chủ DN xem khó khăn cụ thể ra sao, từ đó, đưa ra giải pháp quyết liệt nhằm giúp DN phát triển, hướng tới mục tiêu đến cuối năm, thành phố đạt mức tăng trưởng kinh tế 5%.