Tình trạng khô hạn, thiếu nước ở khu vực Trung Bộ có xu hướng lan rộng

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây tiếp tục phát triển mạnh và mở rộng về phía đông nam kết hợp hiệu ứng phơn, cho nên các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 38oC, có nơi hơn 38oC. Cảnh báo, đợt nắng nóng này còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Nguy cơ cao xảy ra cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ.

Từ ngày 1 đến 10-6, các tỉnh miền trung phổ biến ít mưa. Mưa rào và dông tập trung chủ yếu ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, với lượng không nhiều. Tổng lượng mưa các tỉnh Trung Bộ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm 50%; khu vực Tây Nguyên phổ biến thấp hơn 10% đến 30% so trung bình nhiều năm. Tình hình khô hạn, thiếu nước ở khu vực Trung Bộ có xu hướng lan rộng và diễn ra tại các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận; tại các tỉnh Tây Nguyên xu thế hạn hán tiếp tục giảm dần.

* Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam, năm nay ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đồng bằng Nam Bộ. Đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền ở mức báo

động 1, báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm 0,2 đến 0,4 m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm nay vào nửa cuối tháng 9. Hiện vùng đồng bằng sông Cửu Long có 4.130 ô bao kiểm soát lũ, với diện tích hơn một triệu héc-ta. Để giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, tùy theo vùng ngập sâu, ngập nông và vùng ven biển, Cục Trồng trọt sẽ có khuyến cáo lịch thời vụ.

* Do hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt của Nhà máy nước An Bình ở đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị hư hỏng nặng, khiến việc cấp nước bị gián đoạn, cho nên hơn 100 hộ dân ở đây đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài. Để có nước ngọt dùng cho sinh hoạt, các hộ dân phải mua nước từ đảo Lớn chở sang, với giá hơn 400 nghìn đồng/m3.

* Ngày 31-5, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) xác nhận, chiều 30-5 do mưa lớn trên địa bàn đã khiến một cây phượng cao hàng chục mét trong khuôn viên Trường tiểu học Nguyễn Du, xã Bảo Bình bị đổ. Rất may không gây ra thương vong về người. Ngay sau khi xảy ra sự cố, các ngành chức năng đã tiến hành khắc phục.

* Chiều 30-5, cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy quét qua bốn quận, huyện của TP Cần Thơ, gồm Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thốt Nốt, khiến 32 nhà sập, 151 nhà tốc mái. Sét đánh chết một người. Ngày 31-5, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã đến trao tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả cho gia đình có người bị sét đánh chết và những hộ có nhà bị sập, tốc mái; đồng thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.

* Tại tỉnh Gia Lai, mưa dông, sét xảy ra mấy ngày qua ở huyện Krông Pa, Kông Chro đã khiến ba căn nhà tốc mái, đứt 200 m dây điện. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khắc phục hậu quả.

* Trên các lâm phần của tỉnh Kiên Giang, 5 tháng đầu năm đã xảy ra 41 vụ cháy rừng ở các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Giang Thành và Hòn Đất... gây thiệt hại hàng chục héc-ta rừng. Ngoài ra, thời tiết khô hạn, cạn kiệt nguồn nước kéo dài đã gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng trên tuyến tỉnh lộ 965 và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn vùng U Minh Thượng, gây ách tắc giao thông. Tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị lâm nghiệp, chủ rừng bố trí lực lượng tại trạm, chốt, lán trại, phương tiện, trang thiết bị ứng trực 24 giờ trong ngày theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm kiểm soát khu vực rừng dễ xảy ra cháy.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, đến thời điểm này tỉnh cơ bản thu hoạch xong lúa vụ đông xuân, với sản lượng toàn tỉnh ước hơn 51 nghìn tấn (đạt 88,4% kế hoạch); năng suất trung bình 57,85 tạ/ha (giảm 1,11 tạ/ha so năm trước). Trong toàn vụ, có hơn 700 ha lúa bị mất trắng do thiên tai, hạn hán. Các địa phương có nhiều diện tích lúa bị thiệt hại, bao gồm các huyện Điện Biên, Mường Ảng.

* Vụ hè thu năm nay, tỉnh Bình Định bỏ trống 5.165 ha không sản xuất trên những diện tích không có nước tưới, chỉ xây dựng kế hoạch sản xuất 37.256 ha lúa, trong đó có 9.708 ha lúa vụ hè và 27.548 ha lúa vụ thu đông ở những vùng chủ động nước tưới. Tuy nhiên, sau khi kết thúc gieo sạ vụ hè thu, diện tích lúa mà các địa phương báo cáo đã tăng 38.679 ha, vượt kế hoạch của tỉnh là 1.442 ha. Vì vậy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định sẽ rà soát lại tình hình sản xuất vụ hè thu năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh.

* Vụ hè thu 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến xuống giống khoảng 8.200 ha lúa (từ ngày 15-5 đến 10-6). Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh chưa xuống giống lúa hè thu chính vụ do thiếu nước. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, chỉ mới có khoảng 470 ha lúa được gieo sạ, chiếm 5,7% diện tích sản xuất. Nếu trời không mưa, nguy cơ trễ vụ hè thu, làm ảnh hưởng đến sản xuất của vụ mùa và đông xuân sắp tới.