Tiếp tục theo dõi diễn biến bão Kammuri

NDO -

NDĐT - Chiều tối 3-12, bão Kamamuri sẽ vào biển Đông và trở thành cơn bão số 7. Sau khi vào biển Đông, do tác động của không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam bão sẽ đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Nam.

Họp ứng phó với bão ngày 3-12.
Họp ứng phó với bão ngày 3-12.

Trước nguy cơ bão Kammuri sẽ đi vào biển Đông, ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển, ngày 3-12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp bàn giải pháp ứng phó với bão.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 3-12, vị trí tâm bão Kammuri ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 122,6 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và đi vào Biển Đông. Đến 7 giờ ngày 4-12, vị trí tâm bão ở khoảng 14,4 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 550 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho hay, chiều tối 3-12, bão Kamamuri sẽ vào biển Đông và trở thành cơn bão số 7, bão suy yếu xuống cấp 12. Cùng với đó, do tác động của không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam, nên sau khi vào biển Đông, bão sẽ đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Nam.

Sau đó tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi và tan dần ngay trên biển Đông. Mưa ở các tỉnh Trung Trung Bộ khoảng 20-30 mm/ngày. Cần đề phòng gió trên biển và ven bờ có thể gây nguy hiểm cho các tàu thuyền.

Trước diễn biến phức tạp của bão Kamamuri, Thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của không khí lạnh, gió mạnh trên biển và mưa lớn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc để chủ động ứng phó với diễn biến của không khí lạnh, gió mạnh trên biển và cơn bão Kammamuri có khả năng vào biển Đông trong thời gian tới; thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Phó tổng cục trưởng Tổng cục PCTT đề nghị cần tiếp tục tập trung công tác ứng phó chủ yếu trên tuyến biển, tiếp tục thông báo cho các tàu thuyền về diễn biến của bão KAMMURI (bão số 7). Đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo sát hơn, mật độ các bản tin nhiều hơn để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.