Ngân hàng CSXH Nghệ An:

Tiếp sức cho đồng bào vùng 30a vươn lên thoát nghèo

NDO -

Tỉnh Nghệ An có ba huyện miền núi vùng cao nghèo được hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách như luồng gió mới khích lệ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng mô hình kinh tế gia trại, trang trại đã và đang từng bước vươn lên thoát nghèo.

Mô hình phát trồng dược liệu (chè hoa vàng, mú từn...) dưới tán rừng  của anh Hà Minh Tuấn, bản Cò Muồng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong.
Mô hình phát trồng dược liệu (chè hoa vàng, mú từn...) dưới tán rừng  của anh Hà Minh Tuấn, bản Cò Muồng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong.

Luồng gió mới đến với vùng bản

Gia đình ông Vừ Tồng Pó, ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn được rất nhiều người trong vùng biết đến trong phát triển kinh tế. Trên diện tích vườn nhà rộng khoảng 1000 m2, ông đã bố trí xây dựng chuồng trại kiên cố và luôn duy trì từ 1.000 đến 1.200 con gà đen Mông bản địa.

Năm 2019, được sự giúp sức của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thông qua ủy thác của Hội nông dân vay vốn ưu đãi, ông Pó đã đầu tư mua con giống, thức ăn, xây dựng chuồng trại. Chỉ trong năm đầu, gia đình ông đã xuất bán được gần 800kg gà cho thu nhập hơn 150 triệu đồng.

Từ nguồn vốn vay sinh lãi, ông Pó còn kết hợp nuôi trâu, bò vỗ béo, trồng cây Mận tam hoa, Đào. Hiện nay, tổng doanh thu hằng năm của gia đình ông lên đến gần 400 triệu đồng. Gia đình ông Pó được UBND xã Mường Lống công nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2016-2020. Từ gương điển hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của gia đình ông Pó, nhiều người dân trong vùng đã đến học tập kinh nghiệm, nhiều hộ nghèo ở Mường Lống đã thoát nghèo.

Gia đình ông Vi Văn Hùng, dân tộc Thái ở bản Na Khướng, xã biên giới Na Loi từ một hộ nghèo, nhờ được vay vốn tín dụng ưu đãi, biết vận dụng vùng đất tự nhiên ở đầu nguồn con suối Nậm Tắm lập gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ một hộ gia đình vốn chỉ quen với nương rẫy, nay gia đình ông Vi Văn Hùng đã có một gia trại với 15 con trâu, 35 con bò, gần 40 con dê và hàng trăm con gia cầm, nhờ chăn nuôi mỗi năm mang lại cho gia đình ông Hùng thu nhập từ 300 triệu đến 400 triệu đồng. Nhờ đó đã giúp gia đình ông thoát nghèo và vươn lên trở thành gương điển hình phát triển kinh tế giỏi ở xã biên giới Na Loi.

Từ nguồn vốn 100 triệu đồng vay từ Ngân hàng CSXH và nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên, Xồng Bá Dênh, dân tộc Mông ở xã Na Ngoi đã mạnh dạn đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản nhốt chuồng. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh chu đáo và chủ động nguồn thức ăn dự trữ, đàn trâu, bò phát triển lên 21 con, thu nhập bình quân 250 triệu đồng/năm. Mới ngày nào còn nằm cuối bảng danh sách hộ nghèo của xã Na Ngoi, nhưng nay, Bá Dênh đã là ông chủ của một mô hình ăn nên làm ra bên dãy Trường Sơn, trên vành đai biên giới Việt - Lào.

Về huyện Tương Dương, bà Vũ Thị Tốt, bản Cửa rào 1, xã Xá Lượng, vay 100 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm đã đầu tư xây dựng mô hình trồng cây ăn quả với 1.200 gốc bưởi, 500 gốc cam, 300 gốc táo, 250 gốc ổi đã thu hoạch và cho thu nhập vụ thứ 3.

Cũng từ nguồn vay tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm 100 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Việt, bản Ang, xã Xá Lượng vay 100 triệu đồng đã xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp đến nay, trong chuồng đã có tổng đàn gia súc 17 con bò, 6 con trâu, 35 con dê cùng với đó, ông còn đầu tư trồng rừng xoan trên diện tích 4 ha.

Ở vùng sâu vùng xa, hộ nghèo Lương Văn Ùn, bản Na Ngân, xã Nga My, năm 2016 được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, ông đầu tư mua giống chăn nuôi trâu, bò đến nay, đàn trâu đã phát triển lên 21 con trâu bò.

Đặc biệt tại huyện 30a Tương Dương, hiệu quả rõ nét nhất là chương trình cho người dân tộc thiểu số vay xuất khẩu lao động (XKLĐ). Thời gian qua, Ngân hàng CSXH Tương Dương đã cho vay 150 lao động đi xuất khẩu dư nợ 13,4 tỷ đồng.

Tiếp sức cho đồng bào vùng 30a vươn lên thoát nghèo -0
 Ngân hàng CSXH Tương Dương tư vấn cho bà con dân tộc Khơ mú bản Côi xã Lượng Minh vay vốn XKLĐ.

Tháng 3-2020, anh Lữ Văn Tình, bản Xốp Pu, xã Yên Na, vay 89 triệu đồng chương trình XKLĐ, hiện nay đã trả hết nợ và đã có 200 triệu đồng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH.

Năm 2020, anh Lô Văn Thuật, bản Can, xã Tam Thái, được vay 89 triệu đồng đi XKLĐ ở Đài Loan (Trung Quốc), lương 20 triệu đồng/tháng, nay cũng đã gửi tiền trả hết nợ và góp vốn cùng gia đình mở rộng chăn nuôi trâu bò, lợn và sản xuất phát triển kinh tế vườn rừng.

Từ chương trình cho vay XKLĐ, nhiều người như anh Vi Văn Xai,  bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, Lữ Quang Trung, bản Quang Yên, xã Tam Đình đã đi XKLĐ một năm đã có tiền gửi về trả hết nợ.

Thay đổi diện mạo vùng cao

Theo đánh giá của ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng CSXH Tương Dương, đối với các hộ vay XKLĐ hiện tại các lao động đã làm việc ổn định có thu nhập bình quân trừ chi phí sinh hoạt cá nhân mỗi tháng gửi về cho gia đình 20 triệu đồng/tháng.

Tổng dư nợ cho vay 14 chương trình đến hết năm 2020 trên địa bàn là 438,3 tỷ đồng. Nhờ phát huy tốt nguồn vốn ưu đãi cho vay các chương trình đã góp phần giúp huyện Tương Dương từng bước giảm nghèo từ  50% đầu nhiệm kỳ trước nay xuống còn 19%.

Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Sơn bà Vi Thị Khuyên chia sẻ, xác định đối tượng phục vụ của hoạt động tín dụng chính sách xã hội chủ yếu là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trình độ dân trí thấp và nhận thức không đồng đều. Trong những năm qua, NHCSXH luôn là chỗ dựa tin cậy cho các hộ nghèo gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn để làm ăn, cải thiện đời sống, đến nay gần như 100% hộ nghèo trên toàn huyện Kỳ Sơn đã được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

Là huyện nghèo hàng đầu của tỉnh và trong tốp nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo lớn, hằng năm trên địa bàn huyện đều xảy ra thiên tai, hỏa hoạn cháy rừng, lũ ống lũ quét, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, điều kiện kinh tế huyện khó khăn, nguồn thu ngân sách của huyện không đáng kể, rất nhiều khoản chi cần được ưu tiên, chủ yếu là thu bổ sung từ nguồn ngân sách tỉnh.

Tín dụng chính sách góp phần cải thiện đời sống của người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó Tín dụng chính sách góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, nhân dân ổn định sản xuất hạn chế tình trạng di cư sang các huyện khác cũng như di cư sang Lào..., Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vì Hòe nhấn mạnh thêm.

Bên cạnh đó, Quế Phong cũng là huyện nghèo của cả nước, nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thiếu vốn sản xuất, kinh doanh.

Tín dụng ưu đãi của Chính phủ do NHCSXH thực hiện đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách thông qua việc sử dụng nguồn vốn tín dụng tín dụng ưu đãi vào sản xuất, kinh doanh, thực hiện các mô hình kinh tế VACR, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện cuộc sống.

Tín dụng chính sách “vừa là bà đỡ” vừa tạo động lực mạnh mẽ cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước thực hiện hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc NHCSXH Quế Phong Nguyễn Khoa Văn cho biết, trong 5 năm qua, NHCSXH Quế Phong đã thực hiện cho 18.094 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, với số tiền đã giải ngân 479.480 triệu đồng.

Vốn tín dụng của NHCSXH đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất; đã giúp cho 7.683 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 709 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 1.182 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 3.309 hộ gia đình xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ 3.806 hộ nghèo có nhà ở thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, tạo việc làm cho hơn 667 hộ gia đình, giúp cho 858 hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo phát triển kinh tế theo các chương trình ưu đãi của Chính phủ.

Tiếp sức cho đồng bào vùng 30a vươn lên thoát nghèo -0
 Mô hình phát triển trang trại lợn quy mô 300 con của gia đình anh Nguyễn Ngọc Dùng, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương.

Vốn vay ưu đãi từ NHCSXH được các hộ vay đầu tư mua hơn 7.200 con trâu, bò; tạo ra hàng nghìn việc làm mới; góp phần khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống như ba làng nghề dệt thổ cẩm tại bản Cỏ Nong, xã Mường Nọc, bản Đan, xã Tiền Phong và bản Mòng xã Cắm Muộn; nhiều mô hình kinh tế VACR được tạo ra tại các địa phương có hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi được thể hiện rõ nhất là góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 51,44% (2015) xuống còn 24%, góp phần xây dựng nông thôn mới, làm cho nông thôn khởi sắc, gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, chỉ riêng các huyện 30a vùng dân tộc miền núi, nguồn vốn chính sách như “luồng gió” mới khích lệ người dân tập trung phát triển sản xuất nông nghệp hàng hóa, xây dựng mô hình kinh tế gia trại, trang trại, đạt cao.

Đa số hộ nghèo vùng 30a được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất kinh doanh để tạo thu nhập, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đồng thời, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần đưa các địa phương về đích nông thôn mới, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Trong 10 năm qua, đã cho vay hơn 20 nghìn tỷ đồng, với gần 807 nghìn lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ các chương trình tín dụng đạt 15.571 tỷ đồng. Năm 2020, tổng dư nợ  đạt hơn 8.995 tỷ đồng. Với hơn 209 nghìn lượt hộ nghèo, 139 nghìn lượt hộ cận nghèo và 52,2 nghìn lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 116,2 nghìn lượt hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn cho con em học tập; hơn 22 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ưu đãi; 4,2 nghìn lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; gần 161 nghìn hộ gia đình vay vốn để sửa chữa và xây mới công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 26,7 nghìn căn nhà được xây dựng cho hộ nghèo; gần 62 nghìn hộ dân ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh…

Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo Nghệ An giảm 10,76%, từ 22,86% năm 2010 xuống 12,1% năm 2015; giai đoạn 2016-2020, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 12,1% xuống còn 4,11%.