Tiếng loa di động tuyên truyền bầu cử và phòng chống dịch

NDO -

Những ngày này, khắp các nẻo đường, ngõ phố, kiệt, hẻm của thành phố Đà Nẵng đâu đâu cũng có tiếng loa di động của các lực lượng “hậu phương” nhằm tuyên truyền đến người dân thông tin tình hình dịch bệnh và công tác bầu cử sắp tới.

Ban công tác mặt trận số 19 chuẩn bị tuyên truyền bầu cử.
Ban công tác mặt trận số 19 chuẩn bị tuyên truyền bầu cử.

Nhiều ngày qua, tại chợ Tuý Loan (xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang), các bạn đoàn viên thanh niên tay cầm tờ rơi, khẩu trang y tế chia nhau ra các góc chợ để phát cho tiểu thương. Bên cạnh đó, các bạn còn mang theo loa di động và khẩu hiệu phát tại chợ và đến từng ngõ xóm để tuyên truyền thông tin cho bà con.

Đây là mô hình “Tiếng loa thanh niên” do Đoàn xã Hoà Phong triển khai từ những ngày qua để giúp người dân trực tiếp hiểu rõ thông tin về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được trực quan, sinh động hơn. Nội dung thông tin trên loa mỗi ngày đều được các bạn lấy từ bản tin của truyền thanh huyện và xã.

Loa di động cũng phát thông tin về tiểu sử các đại biểu hội đồng nhân dân xã nhà để người dân không có điều kiện đến tận nơi hoặc hạn chế tập trung vẫn có thể hiểu rõ hơn để lựa chọn được người tín nhiệm.

Bí thư Đoàn xã Hoà Phong Nguyễn Văn Sỹ cho biết: “Tiếng loa thanh niên” được chúng tôi thực hiện với đội tình nguyện của Đoàn xã nhằm đa dạng hoá mô hình hoạt động, đồng thời giúp người dân cảm thấy gần gũi hơn, hiểu rõ hơn thông tin về dịch bệnh, và về hoạt động bầu cử sắp tới để mọi người thực hiện đúng trách nhiệm và nhiệm vụ của mình trong ngày hội lớn của toàn dân”.

Tiếng loa di động tuyên truyền bầu cử và phòng chống dịch -0
Tiếng loa của tuổi trẻ đi khắp các ngõ xóm. 

“Khởi động” ngay sau khi ra mắt mô hình “Tổ tình nguyện” của Hội Liên hiệp phụ nữ phường An Hải Đông (quận Sơn Trà) là các chị em tay cầm pa-nô, người mang theo loa phát thanh chia ra các tuyến đường để tuyên truyền lưu động. Mỗi điểm, các chị dừng lại để tiếng loa được phát cố định và thông tin cụ thể hơn, đồng thời giải đáp thắc mắc đến từng người dân. 

“Tổ tình nguyện” gồm 30 thành viên, là lực lượng nòng cốt của Hội tình nguyện, xung kích đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động, tham gia các hoạt động đột xuất của hội và của địa phương. Các thành viên của Tổ cũng ra quân nhắc nhở và vận động các hộ kinh doanh, các tiểu thương ngành hàng ăn uống trong chợ An Hải Đông ký cam kết tuân thủ các quy định khi buôn bán, tiếp tục thực hiện nghiêm quy định 5K và công văn số 2707 của UBND TP Đà Nẵng về chấp hành quy định chỉ cho bán mang đi, bán hàng qua mạng nghiêm cấm phục vụ ăn uống tại chỗ.

Ngoài ra, các chị cũng tự tay thiết kế các phướn tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, công tác bầu cử riêng, và chia sẻ rộng rãi trên trang fanpage của Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ phường. Qua đó, góp phần nào cùng lãnh đạo các cấp thông tin tận tình đến từng người dân để mọi người nắm rõ, nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch.

Mỗi buổi chiều, tổ tuyên truyền của Ban công tác mặt trận số 19 phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) lại tập trung tại Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư với cờ đỏ sao vàng và chiếc loa thùng để chia nhau đến từng ngõ phố phát những thông điệp về công tác bầu cử. Đây là một trong những hoạt động được các tổ tuyên truyền toàn phường triển khai thực hiện. Mỗi ngày, các thành niên để loa ở nhà sinh hoạt cộng đồng tuyên truyền 30 đến 45 phút. sau đó đặt loa lên xe đi quanh các tuyến đường.

Ông Hồ Thế Phấn, người dân phường Hòa Xuân chia sẻ: “Tôi cũng khá lớn tuổi, nhiều khi không rành đọc thông tin trêng mạng xã hội như lớp trẻ nên việc phát loa thông tin tuyên truyền này rất hợp lý, có gì cần tìm hiểu rõ thì có thể hỏi trực tiếp các cán bộ của tổ, sẽ được hướng dẫn tận tình hơn”.

Mô hình loa lưu động được triển khai tại các cấp mặt trận quận Cẩm Lệ. Bên cạnh đó, những hình thức tuyên truyền phổ biến như pa-nô, áp phích, biểu ngữ và trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn được các phường thực hiện. Mỗi khu dân có từ 5-10 cái pano, khẩu hiệu. 

Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam quận Cẩm Lệ Trần Tuấn cho biết: Ngoài pano áp phích, thông tin báo đài thì chúng tôi khuyến khích dùng loa di động để có sự đổi mới theo hướng sâu sát gần gũi người dân. Hằng ngày các ban công tác đem loa đi khắp các khu dân cư tuyên truyền cho dân nghe, dân hiểu, nhớ về ngày bầu cử và cách thức bầu cử. Không phải người dân nào cũng được nghe đầy đủ nên bằng cách này, chúng tôi mong muốn thông tin tuyên truyền đến được người dân một cách dễ dàng, đầy đủ nhất.

Hiện nay, do tình hình dịch bệnh, hạn chế tụ tập đông người nên rất khó để tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, nói chuyện tại nhà sinh hoạt cộng đồng hay tổ dân phố, vì thế việc sử dụng loa di động góp phần đổi mới phương thức tuyên truyền. Với việc nhiều cấp hội, đoàn thể, thanh niên đồng loạt triển khai vừa tuyên truyền phòng, chống dịch, vừa gắn vào công tác tuyên truyền bầu cử, góp phần bầu cử an toàn và đẩy lùi dịch bệnh.