Tiêm thí điểm phòng bệnh viêm da nổi cục cho gia súc

NDO -

Với sự hỗ trợ của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên đã tiêm thí điểm vắc-xin viêm da nổi cục (VDNC) cho đàn gia súc mắc bệnh tại ở các địa phương trong tỉnh.

Tiêm thí điểm vắc-xin viêm da nổi cục cho đàn gia súc ở xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên.
Tiêm thí điểm vắc-xin viêm da nổi cục cho đàn gia súc ở xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên.

Theo Cục Thú y, Bệnh VDNC đã xuất hiện ở gần 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, làm hơn 1.500 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có hơn 200 con đã chết.

Tại tỉnh Thái Nguyên, thời gian vừa qua, nhiều trâu, bò ở các xã Tiên Phong( thị xã Phổ Yên), phường Phố Cò( TP Sông Công) và xã Bình Long (huyện Võ Nhai) bị bệnh VDNC, trên thân thể xuất hiện vô số cục lớn nhỏ, làm gia súc gầy yếu và một số con đã chết. Đây là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh, trên diện rộng qua côn trùng truyền bệnh là ruồi, muỗi, ve, mòng.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đặc biệt là những ngày mưa, rét có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, giải pháp là tiêu diệt các loại côn trùng và tiêm phòng ngừa. Tuy nhiên, đến nay chưa có vắc-xin đặc hiệu tiêm phòng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, đơn vị chức năng nhập khẩu vắc-xin, phối hợp Chi cục Chăn nuôi- Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên tổ chức tiêm thí điểm trên toàn bộ đàn gia súc mắc bệnh VDNC ở ba xã, phường trên địa bàn tỉnh để đánh giá phản ứng, tác dụng của vắc-xin.

Sau khi tiêm thí điểm vác-xin phòng bệnh VDNC, Chi cục Chăn nuôi- Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên cử cán bộ thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe của gia súc, lấy mẫu xét nghiệm sau khi tiêm từ 14 đến 21 ngày, phối hợp với cơ quan quản lý, nhà khoa học tổ chức đánh giá hiệu quả của vắc-xin trước khi tiêm trên diện rộng.

Đến nay, sau khi tiêm phòng loại vắc-xin này, đàn gia súc phát triển bình thường và không có biểu hiện lây lan thêm.